Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động ở vùng dân tộc thiểu số, hệ thống chính trị các cấp ở tỉnh Hòa Bình đã đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền vận động. Do đó, tạo được những chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, nhất là việc khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, tự quản trong mỗi gia đình và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 74,43%; sinh sống tại 145/151 xã; trong đó có 74 xã khu vực I, 12 xã khu vực II, 59 xã khu vực III được hưởng thụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp triển khai thực hiện chính sách dân tộc, nên tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển toàn diện về mọi lĩnh vực; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện.

Trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,3%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,99%; 100% số xã phương, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 88,6% được cứng hóa đạt tiêu chuẩn, 100% xã phường, thị trấn có trạm y tế, 99,8% hộ dân được sử dụng điện; 95,5% hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, lưu truyền và phát huy gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Toàn tỉnh có 123 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Hệ thống chính trị các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững do kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chưa mang tính hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người ở vùng dân tộc thiểu số chỉ bằng 40 - 45% thu nhập bình quân trong cả tỉnh; tình trạng thiếu nhà ở, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết triệt để, chất lượng nguồn nhân lực thấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao…

Tình hình an ninh, trật tự ở một số vùng dân tộc còn tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định, nhất là tại các xã nơi có đông người Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh. Nhận thức rõ được những tồn tại, khó khăn nêu trên, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh đã xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi, trọng yếu thực hiện tốt công tác dân tộc là nhiệm vụ nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng các mô hình tổ liên gia tự quản về an ninh, trật tự.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30/7/2021 của Tỉnh ủy về “Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, hệ thống chính trị các cấp đã phân công các đồng chí lãnh đạo cấp ủy phụ trách, theo dõi địa bàn các huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động tại địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số cụ thể như sau:

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024 - (Ảnh minh họa).

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024 - (Ảnh minh họa).

Trong công tác tuyên truyền: Hệ thống chính trị các cấp đã chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thời lượng, chất lượng các tin bài, chuyên đề dân tộc để tuyên truyền sâu rộng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Báo Hòa Bình đã đăng tải 853 tin, bài, ảnh và video về công tác dân tộc. Đài phát thanh và truyền hình nâng cao chất lượng phát sóng Chương trình tiếng dân tộc trên sóng phát thanh, đã phát thanh 365 chương trình tiếng dân tộc Mường, phát thanh 192 chương trình tiếng dân tộc Thái; phát sóng 256 chương trình truyền hình tiếng dân tộc Mường; đã thực hiện 52 chương trình chuyên đề dân tộc phát trên Tạp chí Dân tộc và phát triển và mỗi tháng sản xuất và gửi từ 9-10 chương trình truyền hình tiếng dân tộc Mường, Thái phát sóng trên VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định.

Thực hiện chính sách cấp báo miễn phí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã cấp hơn 1,2 triệu tờ đến với các đối tượng được thụ hưởng. Chính quyền, Mặt trận các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tổ chức tập huấn, hội thảo, tuyên truyền trên website, mạng xã hội, pano, áp phích; tuyên truyền qua hệ thống thông tin, tuyên truyền lưu động về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thông qua sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy phụ trách, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng cường phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, kỹ năng, phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc theo trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, cụ thể, sát hợp với thực tiễn; tổ chức các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa và các buổi sinh hoạt văn hóa tại thôn, xóm… đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về ý thức, trách nhiệm của đồng bào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa gắn với du lịch, dịch vụ…

Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền. Đến hết năm 2023, đã có 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp được quán triệt, nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và nhân rộng các tổ tự quản trong cộng đồng dân cư; 100% các tổ tự quản ở khu dân cư được công nhận về quy chế tổ chức, hoạt động; 100% xã, phường, thị trấn và trên 70% thôn, bản, tổ dân phố có tổ tự quản, thu hút trên 60% hộ dân tham gia; 100% hộ dân ở các khu dân cư được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ tự quản trong cộng đồng dân cư; 100% khu dân cư tổ chức cả phần lễ, phần hội “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 100% khu dân cư dân tộc thiểu số được biểu dương, khen thưởng về triển khai thực hiện các hoạt động tự quản.

Các tổ liên gia tự quản cũng thường xuyên phối hợp, kết hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc trên địa bàn cùng đoàn kết, tương trợ giúp nhau lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo; đề cao cảnh giác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự; không để phát sinh thêm người vi phạm pháp luật.

Trong công tác đổi mới phương thức vận động: Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh đã thực hiện nhất quán chủ trương hướng về cơ sở, về khu dân cư để nắm bắt tình hình Nhân dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo định hướng tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình, nhằm thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường và sự năng động, sáng tạo của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, góp phần giúp đồng bào tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Các cơ quan chức năng đã xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao cho các địa phương như: mô hình liên kết trong sản xuất cây gai xanh để làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu với quy mô, diện tích đạt trên 300 ha, thu nhập trên 150 triệu đồng/ha; mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên cây bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc, thu nhập trên 350 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu mía ăn tươi cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha… Từ đó, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, nâng cao nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước, không muốn thoát nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình, nên tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm bình quân khoảng 3% năm.

Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, các lực lượng vũ trang đã tổ chức các tổ, đội công tác tăng cường về cơ sở, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa để bám địa bàn, gần gũi với Nhân dân, phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là tại xã Hang Kia, Pà Cò, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự vùng đồng bào Mông ở huyện Mai Châu. Theo thống kê đến năm 2023, toàn huyện Mai Châu đang duy trì 753 tổ liên gia tự quản tại 135/138 khu dân cư, xóm, bản thuộc 23/23 xã, thị trấn. Mỗi mô hình tổ liên gia tự quản có khoảng 30 - 35 hộ gia đình liền kề gần nhau.

Hoạt động của các tổ liên gia tự quản thường tập trung chủ yếu vào một số nội dung vận động Nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các quy ước, hương ước của khu dân cư. Tổ liên gia tự quản do Ủy ban Mặt trận xã, thị trấn quyết định công nhận, do các hộ gia đình bầu ra Ban quản lý tổ, gồm: tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Quá trình hoạt động, các tổ liên gia tự quản đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ khu dân cư, xóm, bản; sự điều hành của chính quyền các cấp và hướng dẫn trực tiếp của Ban Công tác Mặt trận.

Tiêu biểu trong xây dựng và phát huy hiệu quả của mô hình tổ liên gia tự quản là các xã: Mai Hạ, Mai Hịch, Chiềng Châu, Pà Cò, Nà Phòn, Tòng Đậu, Thung Khe, Noong Luông, Nà Mèo, Đồng Bảng và thị trấn Mai Châu. Thực hiện mô hình tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn các xã đã tích cực giúp cho lực lượng Công an xã đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội một cách có hiệu quả; tham gia giải quyết triệt để những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tính từ năm 2015 đến năm 2023, Nhân dân trên địa bàn huyện Mai Châu đã phát hiện, tố giác, cung cấp cho các cơ quan chức năng hơn 1.100 thông tin có giá trị quan trọng giúp các cơ quan chức năng điều tra, xem xét, phá án. Đồng thời với việc xây dựng các tổ tự quản, hệ thống chính trị các cấp đã coi trọng công tác phát huy vai trò của 1.276 người có uy tín là người dân tộc thiểu số trong nắm bắt tình hình, tham gia giải quyết triệt để những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống thường ngày, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các khu dân cư.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, hệ thống chính trị các cấp trong địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động như sau:

1. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông phát thanh, truyền hình, báo chí và các trang mạng xã hội về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như Kết luận số 65/KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy; tuyên truyền sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có nhận thức đúng đắn về công tác xóa đói, giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

2. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển văn hóa, du lịch, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là chính sách hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy trong cách làm ăn, sinh kế.

3. Chú trọng công tác xây dựng, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, thực hiện chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân tài về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách của Nhà nước và các cơ chế, chính sách của địa phương ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; lồng ghép hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

4. Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để tổ chức các hội nghị tuyên truyền kiến thức pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho cán bộ làm công tác dân tộc, dân vận, Mặt trận và đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở các khu dân cư trên cơ sở định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phổ biến giới thiệu các mô hình tốt, kinh nghiệm hay để áp dụng và nhân rộng trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

NGUYỄN MẠNH QUANG - Phó Trưởng Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/doi-moi-noi-dung-phuong-thuc-tuyen-truyen-van-dong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tren-dia-ban-tinh-hoa-binh-58276.html