Đổi mới phân cấp nguồn thu: Lợi cả đôi đường

Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến để sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật này là đổi mới việc phân cấp nguồn thu nhằm duy trì vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTƯ), đồng thời tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương (NSĐP), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) là đổi mới việc phân cấp nguồn thu. Ảnh minh họa

Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) là đổi mới việc phân cấp nguồn thu. Ảnh minh họa

Vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương đang giảm dần

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện, Luật NSNN năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng NSNN một cách hiệu quả, minh bạch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới với những thay đổi về kinh tế - xã hội và tình hình quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Thực tiễn cho thấy vai trò chủ đạo của NSTƯ trong hệ thống NSNN đang có xu hướng giảm dần, đặc biệt về tỷ trọng nguồn thu. Trong khi NSTƯ vẫn đảm nhận nhiệm vụ then chốt như bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đầu tư hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ các vùng khó khăn nhằm thực hiện công bằng xã hội và đảm bảo hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước thì tỷ trọng thu NSTƯ trong tổng thu ngân sách đã liên tục giảm qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ này đã giảm từ 75% vào năm 2000 xuống còn 61,8% năm 2011, 52,2% năm 2020 và chỉ còn 51% vào năm 2024.

Ông Vũ Đức Hội - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) - cho hay, nhằm khắc phục những hạn chế của Luật NSNN hiện hành dẫn đến vai trò chủ đạo của NSTƯ giảm, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi việc phân cấp nguồn thu giữa NSTƯ và NSĐP theo hướng: Đối với nhóm các khoản thu NSTƯ và NSĐP hưởng 100%, cơ bản giữ như quy định hiện hành, đồng thời thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu (Luật hiện hành NSTƯ hưởng 100%), tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (Luật hiện hành NSĐP hưởng 100%) sẽ thực hiện phân chia giữa NSTƯ và NSĐP.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo hướng tăng cường quyền tự chủ tài chính cho các địa phương, đồng thời đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong điều tiết ngân sách. Bổ sung cơ chế khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách, nhất là từ các nguồn thu mới như kinh tế số, đầu tư công nghệ cao.

Ông Trần Minh Khương - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể tỷ lệ từng khoản thu phân chia giữa NSTƯ với NSĐP cho từng nhóm địa phương. Riêng đối với thuế giá trị gia tăng, sau khi hoàn thuế, sẽ thực hiện phân chia về NSTƯ 70%, NSĐP 30%. Việc phân chia tỷ lệ các khoản thu cho từng địa phương được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hằng năm. Trong tổ chức thực hiện, trường hợp NSTƯ giảm vai trò chủ đạo hoặc có biến động lớn về thu, chi NSNN giữa các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia nêu trên cho phù hợp.

Tăng tính chủ động cho địa phương

Cùng với đề xuất điều chỉnh việc phân cấp nguồn thu, để tăng tính chủ động cho địa phương, Dự thảo Luật bổ sung quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định. Hiện nay, quy định này chỉ được áp dụng tại Luật Thủ đô và một số Nghị quyết của Quốc hội cho phép một số địa phương thí điểm thực hiện. Theo đó, các địa phương này được ban hành thêm một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục do địa bàn (đặc biệt là các đô thị lớn) có một số loại phí, lệ phí chưa được quy định như thu phí đậu đỗ xe ôtô, thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia lưu thông vào khu vực trung tâm, phí thuê vỉa hè, phạt vi phạm hành chính trên địa bàn...

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng quy định này trên cả nước sẽ tạo điều kiện cho địa phương chủ động, linh hoạt, có công cụ tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn; đồng thời, có thêm nguồn thu ngân sách trên địa bàn, tạo dư địa nguồn lực tài chính bổ sung cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi của các địa phương trong bối cảnh cần phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2026-2030.

Một nội dung khác giúp tăng tính chủ động cho NSĐP là sửa đổi, bổ sung quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay. Cụ thể, với nhóm các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ NSTƯ, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp. Trong khi đó, nhóm các địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTƯ có mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cả nước sẽ được tổ chức lại chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, tỷ lệ phân chia các khoản thu sẽ được Bộ Tài chính xác định lại theo đơn vị hành chính mới do Quốc hội quyết định, đảm bảo hài hòa giữa phân cấp, phân quyền, tự chủ nguồn lực và thực tế phát triển kinh tế của địa phương.

Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) cũng bỏ quy định lập kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm nhằm giảm tải thủ tục, tăng tính linh hoạt trong điều hành ngân sách trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động nhanh, khó lường.

Có thể thấy, Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) vẫn hướng đến mục tiêu NSTƯ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đúng với tinh thần Điều 55 Hiến pháp năm 2013: “NSNN gồm NSTƯ và NSĐP, trong đó NSTƯ giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo nhiệm vụ chi của quốc gia”; đồng thời mở rộng quyền hạn, trách nhiệm và công cụ tài chính cho chính quyền địa phương./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doi-moi-phan-cap-nguon-thu-loi-ca-doi-duong-39567.html