Đổi mới phương thức tiếp cận và hỗ trợ doanh nghiệp
Môi trường đầu tư, kinh doanh đang ngày càng khởi sắc khi chính quyền đã chủ động lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN).

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các đối tác, khách hàng
Đến tận nơi
Trước đây khi gặp khó khăn, hầu hết DN đều lựa chọn cách tự xoay xở để vượt qua thay vì tìm đến cơ quan quản lý nhà nước để nhờ hỗ trợ. Điều này một phần cũng xuất phát từ sự e ngại và thiếu niềm tin vào chính quyền của một bộ phận DN. Tâm lý ấy cũng tạo ra nhiều vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Hiện nay, khi ngày càng có nhiều diễn đàn để DN chia sẻ các khó khăn cũng như hiến kế cùng chính quyền thì việc đổi mới trong tư duy tiếp cận DN là điều đã được các sở ngành, chính quyền địa phương quan tâm và có những cách làm hay, sáng tạo, đổi mới để hỗ trợ DN.
Có thể lấy hoạt động gần đây của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm) làm ví dụ. Thay vì đợi DN tìm đến phản ánh thông qua các hình thức khác nhau thì Trung tâm đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động “đến tận nơi, nghe tận chốn”.
Câu chuyện gặp gỡ gần đây giữa Trung tâm và Câu lạc bộ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong số đó. Tại buổi làm việc này, bên cạnh nắm bắt những khó khăn của các DN FDI, Trung tâm đã có những chia sẻ, trao đổi tâm huyết và đề xuất các hoạt động phối hợp nhằm đồng hành hỗ trợ tốt nhất cho DN. Kết quả buổi làm việc đưa đến những thống nhất cơ bản trong cơ chế phối hợp, tham vấn ý kiến khi tổ chức các hoạt động liên quan của các bên; đẩy mạnh truyền thông cho các hoạt động xúc tiến và quảng bá môi trường đầu tư, làm cầu nối giữa DN với chính quyền thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phối hợp xây dựng cổng thông tin tiếp nhận, phản hồi ý kiến của cộng đồng DN trên các nền tảng số của thành phố.
Hoạt động này đã bám sát nhiệm vụ của Trung tâm theo Quyết định số 39 ngày 3/7/2024 của UBND tỉnh (nay là UBND thành phố Huế) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm. Trước đó, Trung tâm cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm đã đều đặn hàng tháng phát văn bản, gửi và tiếp nhận báo cáo bằng văn bản giấy của DN qua đường bưu điện để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để việc nắm bắt thông tin phản hồi nhanh và hiệu quả hơn, Trung tâm đã chủ động đa dạng các phương thức để văn bản được gửi đến DN như: Phát trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố), gửi qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (zalo, facebook…), gửi trực tiếp cho DN tham gia các sự kiện, hội thảo tập huấn, chương trình xúc tiến thương mại.
Trung tâm còn tham mưu UBND thành phố xây dựng cổng thông tin điện tử tiếp nhận phản hồi của DN trên nền tảng Hue-S nhằm rút ngắn thời gian, góp phần nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ DN theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh cũng như chia sẻ về các khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh từ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, đất đai, khuyến công, xúc tiến thương mại… Trên cơ sở thông tin thu thập, Trung tâm đã nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để phản hồi, hướng dẫn, giải quyết khó khăn cho DN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ DN đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo chất lượng và chủ động trong công tác thu thập khó khăn, vướng mắc.
Việc đổi mới tư duy tiếp cận DN không chỉ giúp giải quyết khó khăn nhanh hơn mà còn tạo dựng niềm tin trong cộng đồng DN.
Theo bà Hồ Nhật Phương, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia, trong suốt quá trình hoạt động, DN luôn nhận được sự đồng hành từ các sở, ngành và Trung tâm trong hầu hết các lĩnh vực đầu tư kinh doanh của DN. Từ đó, những khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường; đưa sản phẩm vào siêu thị và các kênh phân phối... đã dần dần được tháo gỡ.
Không thể phủ nhận, hoạt động tiếp nhận, phản ánh về các khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp phải đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác hỗ trợ DN. Song để hoạt động này thực sự lan tỏa, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều giải pháp từ minh bạch thông tin, chủ động tiếp cận, phản hồi nhanh đến việc liên kết các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo cho hay, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để có thể góp sức hỗ trợ DN. Trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, Trung tâm đã phối hợp các cơ quan liên quan hỗ trợ giải quyết vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trung tâm cũng hỗ trợ rà soát các quy hoạch có liên quan để cung cấp thông tin các vị trí nghiên cứu đầu tư; hỗ trợ các DN tìm kiếm, thuê mặt bằng, kết nối với các cơ quan để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục thuê đất…
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, Trung tâm chủ trì giải đáp, hỗ trợ các chính sách để khuyến khích DN đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời, hỗ trợ, phổ biến các chính sách của Nhà nước, địa phương để tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các nhà phân phối trong và ngoài nước. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các DN, qua đó tăng cường hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác hợp tác tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo chuỗi phát triển toàn diện.