Phản bác quan điểm sai trái về sắp xếp bộ máy
Những ý kiến cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là 'chiêu trò' cắt giảm nhân sự, làm suy yếu tổ chức hay phục vụ lợi ích nhóm...đều sai trái, không có cơ sở
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tích cực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là hoạt động mang tính hình thức, thiếu cơ sở khoa học hoặc là hành động cắt giảm nhân sự một cách tùy tiện.
Tính khoa học vững chắc
Thực tế, sắp xếp và tinh gọn bộ máy là hoạt động quản lý mang tính khoa học cao, được xây dựng trên các nguyên tắc lý thuyết vững chắc, áp dụng phương pháp hệ thống và đã chứng minh hiệu quả qua thực tiễn ở nhiều quốc gia, không phải là một quyết định ngẫu hứng hay hành động cắt giảm đơn thuần.
Trước hết, đây là một hoạt động nằm trong lĩnh vực quản trị tổ chức - một ngành khoa học nghiên cứu cách thức xây dựng, vận hành và tối ưu hóa các cấu trúc tổ chức.
Theo lý thuyết quản trị của Henri Fayol (1841 - 1925, một trong những nhà lý luận quản trị người Pháp), việc tổ chức là một chức năng cốt lõi của quản lý, đòi hỏi phải phân bổ nguồn lực, sắp xếp nhân sự và thiết kế cấu trúc sao cho đạt được hiệu quả tối đa. Tinh gọn bộ máy chính là biểu hiện cụ thể của chức năng này trong bối cảnh hiện đại.
Bên cạnh đó, quá trình tinh gọn bộ máy thường dựa theo các phương pháp phân tích hệ thống và cải tiến liên tục. Đây là cách nhấn mạnh việc loại bỏ yếu tố lãng phí, tối ưu hóa quy trình và tập trung vào giá trị cốt lõi mà tổ chức mang lại. Khi áp dụng vào quản lý hành chính công hoặc doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy không chỉ là cắt giảm nhân sự mà còn là việc tái cấu trúc, sắp xếp lại các phòng, ban, đơn vị sao cho giảm thiểu sự chồng chéo, tăng cường hiệu quả phối hợp và nâng cao năng suất làm việc.
Đây là một quá trình đòi hỏi dữ liệu định lượng (như số lượng nhân sự, chi phí vận hành, thời gian xử lý công việc) và định tính (mức độ hài lòng của người dân hoặc khách hàng) để đưa ra các quyết định có cơ sở.
Ngoài ra, tính khoa học của hoạt động này còn được thể hiện qua việc nó phải tuân theo các bước tuần tự: Phân tích hiện trạng, xác định mục tiêu, lập kế hoạch, triển khai và đánh giá kết quả. Mỗi bước đều cần sự tham gia của các chuyên gia, sử dụng các công cụ phân tích như SWOT (đánh giá mạnh, yếu, cơ hội, thách thức) để bảo đảm tính chính xác và hiệu quả.
Vì vậy, việc cho rằng tinh gọn bộ máy là hành động tùy tiện, thiếu cơ sở là hoàn toàn không đúng.

Lãnh đạo TP HCM trao quyết định nhân sự các sở sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tối ưu hóa nguồn lực
Mục tiêu của tinh gọn bộ máy không phải là giảm nhân sự mà là tối ưu hóa nguồn lực. Trong thực tế, quá trình này thường đi kèm với việc đào tạo lại hoặc tái phân bổ nhân sự sang các vị trí phù hợp hơn.
Chẳng hạn, khi chính phủ Singapore thực hiện cải cách hành chính vào những năm 1990, họ không chỉ giảm số lượng công chức mà còn đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin và đào tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Với chương trình "Public Service for the 21st Century" (Dịch vụ công thế kỷ XXI), nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà và tăng cường ứng dụng công nghệ, họ cắt giảm số lượng công chức thông qua tự động hóa nhưng đồng thời đầu tư vào đào tạo, để nhân sự có thể đảm nhận các công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn.
Kết quả là dù số công chức giảm nhưng năng suất lao động tăng đáng kể và người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn. Hiện Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng bộ máy hành chính "nhỏ mà mạnh", được đánh giá là một trong những quốc gia có bộ máy hành chính hiệu quả nhất thế giới, với chỉ số hài lòng của người dân đạt trên 80%. Điều này cho thấy tinh gọn không đồng nghĩa với mất việc làm, mà là cơ hội để cải thiện hiệu quả.
Một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng thường dẫn đến lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả hoạt động. Lý thuyết "Luật Parkinson" chỉ ra rằng công việc sẽ tự kéo dài để lấp đầy thời gian được phân bổ và một bộ máy quá đông nhân sự dễ rơi vào tình trạng trì trệ.
Khi Đức tiến hành cải cách bộ máy hành chính sau thống nhất (năm 1990), họ đã hợp nhất nhiều cơ quan trùng lặp giữa Đông Đức và Tây Đức, giảm từ hơn 20 bộ còn 14 bộ vào năm 1998. Nhờ vậy, chính phủ Đức không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn vận hành hiệu quả hơn, trở thành một trong những nền hành chính công hàng đầu châu Âu.
Có thể nói, việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp tiết kiệm mà còn duy trì được sự ổn định, hiệu quả trong quản lý nhà nước cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu năng hoạt động của một số cơ quan trong bộ máy.
Lợi ích chung
Một quá trình tinh gọn đúng nghĩa luôn đòi hỏi sự minh bạch và tham gia của nhiều bên liên quan. Ví dụ, khi New Zealand thực hiện cải cách hành chính vào thập niên 1980, chính phủ đã công khai kế hoạch, tổ chức tham vấn rộng rãi với công chức và người dân, đồng thời sử dụng các tiêu chí rõ ràng để đánh giá hiệu quả.
Kết quả là bộ máy gọn nhẹ hơn, giảm số lượng cơ quan nhà nước của New Zealand từ 38 còn 13. New Zealand còn áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp vào khu vực công, giúp chi phí hành chính giảm 20%.
Điều này chứng minh rằng tinh gọn bộ máy, nếu thực hiện khoa học, luôn mang lại lợi ích chung. Không chỉ vậy, chỉ số phát triển con người (HDI) của New Zealand và niềm tin của người dân vào chính phủ nước này đã tăng lên đáng kể.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phan-bac-quan-diem-sai-trai-ve-sap-xep-bo-may-196250330212042005.htm