Đổi mới quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế

Sáng 17/5, tại Hội trường Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, có nhiều ý kiến sâu sắc, thực tiễn, đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật, phù hợp với yêu cầu cải cách thể chế, nâng cao năng lực sản xuất và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh vai trò cốt lõi của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong việc định hình phương thức quản lý chất lượng và bảo đảm an toàn cho sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam. Ông cho rằng, đây là đạo luật nền tảng, có vai trò chi phối toàn diện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại của đất nước. Do đó, việc sửa đổi luật cần theo hướng cải cách triệt để, bắt kịp xu hướng hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu, luật hiện hành với nhiều quy định về công bố hợp quy đang trở thành rào cản không cần thiết đối với doanh nghiệp. Ông dẫn chứng: "Không có quốc gia nào bắt buộc công bố hợp quy như Việt Nam, ngay cả với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu." Việc bắt buộc công bố hợp quy không chỉ làm phát sinh chi phí, kéo dài thời gian đưa hàng ra thị trường, mà còn trái với thông lệ thương mại quốc tế và làm suy giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt.

Ông đề xuất cần chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, kiểm soát hiệu quả cuối cùng thay vì hành vi sản xuất. Việc chọn mẫu để công bố hợp quy không đảm bảo phản ánh chính xác chất lượng toàn bộ sản phẩm; nếu không có cơ chế hậu kiểm hiệu quả, người tiêu dùng và thị trường vẫn có thể bị tổn hại. Ông dẫn ví dụ từ những vụ việc về sữa và thực phẩm chức năng giả gần đây để làm rõ nguy cơ này.

Đại biểu Thanh đề xuất, cần phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro nhằm xây dựng chế độ kiểm tra phù hợp, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý nhà nước. Đây là hướng đi phù hợp với cách tiếp cận hiện đại, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả mà vẫn giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.

Liên quan đến quy định tại dự thảo về cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, đại biểu Cà Mau cho rằng việc quy định “là cơ quan quản lý Nhà nước” là chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công và tinh gọn bộ máy hành chính. Ông đề xuất sửa đổi thành “cơ quan chức năng được nhà nước giao nhiệm vụ” để đảm bảo tính linh hoạt, đúng định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Kết thúc phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ đơn thuần là kỹ thuật lập pháp mà còn là bước đi mang tính chiến lược, nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, rút ngắn thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn. Mục tiêu là đến năm 2027, Việt Nam có thể nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN về điều kiện kinh doanh.

Thúy Hằng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/doi-moi-quan-ly-chat-luong-san-pham-hang-hoa-de-nang-cao-suc-canh-tranh-va-hoi-nhap-quoc-te-a39042.html