Cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật được hỗ trợ 100% lương/tháng
Cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật sẽ được hỗ trợ thu nhập hàng tháng với mức hỗ trợ bằng 100% mức lương theo hệ số hiện hưởng (chưa gồm phụ cấp)…
Sáng 17-5, với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Ba nhóm chính sách vượt trội
Theo đó, Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Cụ thể, Quốc hội quyết nghị chi cho công tác xây dựng pháp luật sẽ không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và được thực hiện theo cơ chế khoán chi. Định mức chi có thể gấp từ 3 đến 5 lần so với hiện hành. Chính phủ được giao thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh ngân sách kịp thời, phù hợp thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.
Đáng chú ý, những người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu, nghiên cứu, xây dựng pháp luật tại các cơ quan được quy định sẽ được hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số hiện hưởng (chưa gồm phụ cấp). Khoản hỗ trợ này không tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu tiên như ưu tiên xét tuyển đối với người tốt nghiệp xuất sắc, được cử đi đào tạo trong và ngoài nước, rút ngắn thời gian nâng ngạch, kéo dài thời gian công tác dù không giữ chức vụ… Các quy định này nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định và có chiều sâu cho công tác lập pháp.
Nghị quyết quy định thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật – một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì lợi nhuận, do Bộ Tư pháp quản lý. Quỹ có mục tiêu tài trợ các nhiệm vụ mang tính đột phá, chưa có nguồn ngân sách hoặc cần bổ sung nguồn lực.
Quỹ được phép nhận hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân trong nước và được sử dụng linh hoạt, khoán chi, phù hợp thị trường. Các khoản đóng góp cho Quỹ sẽ được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Nghị quyết trao quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật được chủ động quyết định nội dung, thay đổi nội dung chi và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng ngân sách. Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ được miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí nếu đã tuân thủ đúng quy định nhưng kết quả không đạt do yếu tố khách quan, chính sách thay đổi hoặc bất khả kháng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế đặc biệt để phát triển công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế, kiểm tra, rà soát văn bản… cũng được hưởng chính sách tài chính, nhân lực vượt trội.
Đại biểu HĐND chuyên trách cấp tỉnh được hỗ trợ thu nhập
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết , Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách và lãnh đạo, công chức trực tiếp giúp việc thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh.
Về vấn đề này, Chính phủ xin tiếp tiếp thu, bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách (tại điểm b khoản 1 Điều 7), bởi đây là nhóm cán bộ cơ bản bảo đảm tiêu chí “trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu chính sách, xây dựng pháp luật” quy định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Ông Ninh cũng cho hay Chính phủ chưa xem xét, bổ sung ngay một số đối tượng khác do ĐBQH đề nghị, vì đây là những đối tượng cũng đã được đưa ra thảo luận trong quá trình xây dựng Nghị quyết nhưng chưa đạt được sự thống nhất cao của các cơ quan, có thể dẫn tới việc so sánh, mở rộng hơn đối tượng thụ hưởng ở nhiều cơ quan Trung ương khi xét tới tính chất công việc “trực tiếp, thường xuyên” liên quan đến công tác xây dựng pháp luật.
Do vậy, dự thảo Nghị quyết hoàn thiện theo hướng giao cơ quan có thẩm quyền của Đảng, UBTVQH, Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung sau trên cơ sở bảo đảm đúng đối tượng theo quy định.
Theo ông Ninh, trường hợp các đối tượng chưa được xem xét hỗ trợ hằng tháng nhưng có thực hiện nhiệm vụ trong quy trình xây dựng pháp luật thì vẫn nhận hỗ trợ theo mức khoán chi, thù lao vượt trội trong việc tham gia xây dựng từng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nêu trong Phụ lục II.
Một nội dung đáng chú ý, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý Phụ lục II theo hướng về cơ bản giảm tổng định mức khoảng 30% cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế của cơ quan ở Trung ương; tăng định mức kinh phí cho xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh; giữ nguyên định mức cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.
Trước đó, theo phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết, mức khoán chi cho việc xây dựng một bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành là 20 tỉ đồng; luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 18 tỉ đồng; bộ luật sửa đổi, bổ sung là 10 tỉ đồng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp có mức khoán chi là 9 tỉ đồng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành là 4,5 tỉ đồng; nghị quyết thí điểm của Quốc hội là 7 tỉ đồng; nghị quyết của Quốc hội là 4,5 tỉ đồng; Pháp lệnh mới; pháp lệnh thay thế pháp lệnh hiện hành là 7 tỉ đồng…
Cũng theo phụ lục, mức khoán cho xây dựng một nghị định của Chính phủ là từ 1,3 - 2,4 tỉ đồng; nghị quyết của Chính phủ là từ 530 - 630 triệu đồng; thông tư là 550 triệu đồng; thông tư liên tịch là 600 triệu đồng…
Trong khi đó, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh là 200 triệu đồng; Quyết định của UBND cấp tỉnh là 100 triệu đồng; Nghị quyết của HĐND cấp xã là 75 triệu đồng; Quyết định của UBND cấp xã là 50 triệu đồng.
Mức khoán chi cho việc xây dựng Điều ước quốc tế là 3 tỉ đồng và 2,4 tỉ đồng, tùy theo đó là Điều ước Quốc tế phải được phê chuẩn hay không phải phê chuẩn theo Điều 28 Luật Điều ước quốc tế.
Tại phiên thảo luận tại hội trường hôm qua (16-5), nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương khoán chi nói trên nhưng đề nghị cân nhắc về các mức khoán. Phản hồi trước ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết sẽ tiếp thu, rà soát để giảm mức khoán chi sao cho phù hợp, "tránh việc cao so với mặt bằng chung và các công việc khác của các công tác Nhà nước".