Đổi mới quan trọng trong cơ chế luật để làm nhà máy điện hạt nhân
Để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ có những đổi mới quan trọng.
Điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia, là điện xanh và điện nền. Theo xu hướng chung của quốc tế, điện hạt nhân sẽ chiếm 10 - 30% tổng điện quốc gia. Sau thời kỳ thoái trào cách đây 10 - 15 năm, thì nay điện hạt nhân trở lại như một chiến lược quốc gia vì các nước đều muốn tự chủ năng lượng, muốn đạt trung hòa carbon, muốn tái định vị công nghệ quốc gia, cũng vì công nghệ điện hạt nhân hiện tại chủ yếu là thế hệ III+ và đặc biệt là thế hệ IV có độ an toàn rất cao. Điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của Dự thảo Luật cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn, an ninh.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh tư liệu
Hoạt động bảo đảm an toàn trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, nhất là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bao gồm cả việc cấp phép an toàn hạt nhân trong mọi giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân.
Nói về Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Dự thảo Luật cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để triển khai nhanh, như áp dụng cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán, dự án có khoản chi cho thẩm định và đào tạo. Quản lý toàn bộ vòng đời, qua nhiều giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi, đến giai đoạn đóng cửa, sau đóng cửa. Đây là cách tiếp cận toàn diện, theo kinh nghiệm quốc tế và là cần thiết.
Đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, trong dự thảo luật đã thiết kế một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy; xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố; xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày càng rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
Dự thảo Luật cũng đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh đã được thể hiện xuyên suốt cho từng đối tượng quản lý từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu.
Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sinh. Thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để xã hội hóa các ứng dụng một cách phù hợp, thúc đẩy đưa những thành tựu mới nhất của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; có chính sách ưu đãi, trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân, bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng bức xạ. Phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn.
Trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa, Bộ trưởng cho rằng giai đoạn đầu ưu tiên năng lực chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn, sau đó tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân.
Bên cạnh đó là chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân. Đẩy mạnh phân cấp về quản lý cho các địa phương theo mức độ rủi ro của nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên phương diện an toàn, an ninh. Xây dựng hệ thống, năng lực quản trị và cơ sở dữ liệu quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh.
"Nhà nước cần đầu tư nền tảng số an toàn bức xạ và hạt nhân, là môi trường quản lý và tác nghiệp chính thức để thống nhất quản lý việc khai báo, cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ, kiểm soát xuất, nhập khẩu thiết bị hạt nhân và vật liệu phóng xạ; quản lý nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, quan trắc phóng xạ và các báo cáo chuyên ngành khác trên môi trường số", Bộ trưởng nhấn mạnh.