Đổi mới quy trình triển khai đề tài để nhà khoa học, doanh nghiệp không phải 'đi xin'
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết đổi mới quy trình triển khai thực hiện các đề tài, nghiên cứu khoa học, công nghệ; có cơ chế cho phép các nhà khoa học, doanh nghiệp chủ động, tự bỏ tiền ra để triển khai các đề tài nghiên cứu, công trình thành sản phẩm, sau đó nếu được Nhà nước chấp nhận, phê duyệt thì trả tiền.
Tại phiên họp Tổ 17 của Quốc hội ngày 6/5, Phó Chủ tịch Quốc hội – Thượng tướng Trần Quang Phương cùng các đại biểu Quốc hội đến từ Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi và Cà Mau đã thảo luận về ba dự án luật quan trọng: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Trong đó, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) nhận được nhiều sự quan tâm, với sự đồng thuận cao về tính cấp thiết trong việc ban hành luật này.
Các đại biểu cho rằng, đây là bước đi cần thiết để thể chế hóa Nghị quyết 57/NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị – một nghị quyết mang tính đột phá, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho quốc gia thông qua phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng An (đoàn Quảng Ngãi), dự thảo luật cần được rà soát kỹ để bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế như TRIPS, CPTPP, EVFTA mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời cần tích hợp nội dung thống nhất với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Trong đó, đặc biệt là việc bổ sung một điều hoặc mục riêng về cơ chế đặc thù thúc đẩy KHCN và ĐMST trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, với yêu cầu làm rõ cơ chế “lưỡng dụng” – tức phục vụ cả mục tiêu dân sự và quốc phòng.

Đại biểu Trần Thị Hồng An (đoàn Quảng Ngãi). (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội)
Liên quan đến Điều 63 của dự thảo, đại biểu Hồng An cũng đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Quỹ phát triển KHCN quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; cũng như bổ sung các nguyên tắc công khai, minh bạch, cạnh tranh và phản biện khoa học trong việc hỗ trợ các nhiệm vụ, dự án. Ngoài ra, cần cải tiến các thủ tục hành chính, đặc biệt trong hợp tác quốc tế, để kịp thời tháo gỡ các bất cập hiện nay.
Cũng nhấn mạnh việc cần thiết đơn giản hóa quy trình, thủ tục, cải cách thủ tục hành chính trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nêu thực trạng “xin - cho” khiến các nhà khoa học khó tiếp cận nguồn lực. Ông đề xuất một cách tiếp cận mới: cho phép nhà khoa học và doanh nghiệp chủ động bỏ vốn nghiên cứu, nếu sản phẩm đạt yêu cầu thì Nhà nước mới thanh toán.
“Đây cũng là hướng gỡ rối cho trình tự hiện nay. Chứ nếu theo trình tự hiện nay, tôi bảo đảm các nhà khoa học không xin được tiền đâu. Tôi đề nghị phải đổi mới cái tổ chức thực hiện này. Thay vì các nhà khoa học cứ phải đi xin, họ sẵn sàng bỏ trí tuệ, kinh phí ra, khi có sản phẩm thì Nhà nước trả tiền”, đại biểu Đinh Ngọc Minh thẳng thắn kiến nghị.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đánh giá cao việc dự thảo luật đã trao quyền tự chủ và chấp nhận rủi ro cho tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, bà cảnh báo việc giao quyền không đồng nghĩa với buông lỏng trách nhiệm, cần thiết kế quy trình phù hợp để khuyến khích sáng tạo nhưng tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có 10 điểm mới quan trọng, tạo ra bước chuyển lớn trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Trong đó, đáng chú ý là đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.
Trọng tâm của quản lý Nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu mang lại và tác động thực tiễn đến phát triển KTXH. Bộ KH&CN có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ KHCN. Đồng thời, lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực, trong đó các tổ chức KHCN chỉ được cấp tiếp các đề tài nếu chứng minh được hiệu quả của kết quả nghiên cứu trước đó.
Dự thảo Luật cũng tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.
Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu được do kết quả nghiên cứu mang lại khi thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này. Từ đó, tạo động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KHCN với phát triển kinh tế - xã hội.