Đổi mới sáng tạo để đất nước vươn mình
Đổi mới sáng tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn tìm kiếm và phát triển những phương pháp sản xuất, kinh doanh bền vững hơn cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

ThS. Lê Phương Hà cho rằng, đổi mới sáng tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn tìm kiếm và phát triển những phương pháp sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. (Ảnh: NVCC)
Đó là chia sẻ của ThS. Lê Phương Hà, Phó Viện trưởng Thường trực, Viện Chiến lược Chuyển đổi số với Báo Thế giới và Việt Nam nhânHội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các thách thức môi trường ngày càng gia tăng, bà đánh giá như thế nào về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đối với nước ta hiện nay?
Sức ép cạnh tranh và việc tuân thủ quy định đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường và biến đổi khí hậu đang đặt ra những đòi hỏi mới cho các doanh nghiệp. Để có thể cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để có được sản phẩm, dịch vụ đáp ứng những thay đổi liên tục của người tiêu dùng.
Muốn vậy, các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để có giải pháp giải quyết bài toán giá thành, nguyên liệu, thiết kế và dữ liệu trong việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ vừa cạnh tranh về giá thành, vừa đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu tiêu chuẩn.
Có thể nói, sự phát triển bền vững không chỉ đạt được các mục tiêu về kinh tế, mà còn là sự cam kết về môi trường có tác động tích cực đến người dân và thế hệ tương lai. Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đóng vai trò then chốt trong việc củng cố lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tương lai, đồng thời mang lại giá trị không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho cả cộng đồng. Thông qua đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có thể đạt được những mục tiêu liên quan phát triển bền vững một cách hiệu quả hơn.
Vậy việc ứng dụng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có thể đem lại những lợi ích gì cho Việt Nam trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân, theo bà?
Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hiện nay, sự gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã trở thành những thách thức lớn. Để đối phó với những thách thức này, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ trở thành một xu hướng chủ đạo trong sự phát triển kinh tế của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp có được những giải pháp sản xuất kinh doanh ngày càng phù hợp hơn với các tiêu chí môi trường và phát triển bền vững như ESG. Chỉ có không ngừng đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp mới tìm thấy những “nguồn tài nguyên” mới, phương thức mới và cả cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh mới bền vững hơn.
Tiến trình chuyển đổi số góp phần giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số là giải pháp, là tiền đề cho chuyển đổi xanh, đồng thời định hình hệ thống cơ sở dữ liệu, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, kê khai và hoàn thành các tiêu chuẩn về sản xuất, môi trường…
Đồng thời, quy trình hóa, tối ưu hóa để tự động hóa toàn bộ môi trường hoạt động của doanh nghiệp thành một tổng thể. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi định hướng lấy con người làm trung tâm.

Nghị quyết 57-NQ/TW như một “đòn bẩy” thúc đẩy đổi mới sáng tạo. (Ảnh được tạo bởi ChatGPT)
Nghị quyết 57 là một "bệ đỡ" quan trọng cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bà nhận định thế nào về vai trò của Nghị quyết này đối với sự phát triển bền vững của đất nước?
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 có một ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những thập kỷ tới. Xác định rõ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột quan trọng trong việc tạo ra đột phá cho Việt Nam; trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Từ đó, giúp chúng ta có được những giải pháp cụ thể, xác lập các trọng tâm, định hình nguồn lực thực sự thúc đẩy ba trụ cột này.
Hiện nay, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Nghị quyết 57-NQ/TW như một “đòn bẩy”, tháo gỡ được rào cản thể chế để có thể thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển; “cởi trói” những quy định về nguồn lực nghiên cứu, sự kết hợp các nguồn lực và huy động được toàn thể xã hội cùng tham gia tiến trình này. Nghị quyết này cũng tạo ra tiền đề và môi trường cho đổi mới sáng tạo có được không gian phát triển.
Như vậy, Nghị quyết 57 đã trở thành cuộc cách mạng mạnh mẽ về tư duy và hành động, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cần cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (Nguồn: greeninvietnam)
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới?
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triển nhanh chóng, đứng trước những cơ hội và thách thức lớn bởi quá trình đổi mới sáng tạo, cần phải xác lập được các trọng tâm cụ thể và có mục tiêu rõ ràng cho từng hoạt động, gắn chặt với các yêu cầu cho những giải pháp từ thực tiễn đặt ra. Đây là một yêu cầu nhưng cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi những người tham gia vào đổi mới sáng tạo phải rất thực tế, có trình độ và thích ứng hiệu quả.
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn tìm kiếm và phát triển những phương pháp sản xuất, kinh doanh bền vững hơn cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khi đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn tốt, có khả năng thích ứng và cải tiến, doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
Thực tế, Việt Nam còn hạn chế trong việc làm chủ các công nghệ cốt lõi, công nghệ chiến lược nên việc hợp tác quốc tế là một yêu cầu tất yếu, quan trọng, mang tính nền tảng thông qua đầu tư và chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu giáo dục, đào tạo.
Theo tôi, việc hợp tác quốc tế phải được đặt làm trọng tâm trong việc kiến tạo nền tảng quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Cần nhấn mạnh đến tính chuyển giao, tiếp thụ, chuyển hóa công nghệ để chúng ta từng bước làm chủ, phát triển và kiến tạo các công nghệ tiếp theo. Từ đó, Việt Nam thực sự là đất nước của những ý tưởng đổi mới sáng tạo, hướng đến một sự phát triển bền vững.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-moi-sang-tao-de-dat-nuoc-vuon-minh-311236.html