Đổi mới sáng tạo, phát triển thông minh

Bình Dương tập trung xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Đô thị Thủ Dầu Một khoác lên mình diện mạo mới sau chặng đường phát triển

Kiến tạo vóc dáng hiện đại

Nắm vững đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của địa phương và quán triệt đường lối đổi mới kinh tế từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, tỉnh Sông Bé đã nắm bắt thời cơ, thực hiện một hướng đi hoàn toàn mới trong phát triển kinh tế, đó là “lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá”. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung sức mạnh và hiệu quả trong công việc thực hiện chung về xây dựng, kiến thiết, cải tạo, chỉnh trang. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, đầu tư hạ tầng cơ sở, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp thành thị, nông thôn, đã đưa Sông Bé từ một tỉnh nghèo vươn lên trở thành một cạnh trong tứ giác tăng trưởng kinh tế thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn tiếp theo của Bình Dương sau này.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làcông cụquan trọng đểhiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Dương trởthành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thịthông minh, vùng đổi mới sáng tạo, động lực phát triển của vùng vàcảnước.

Kế thừa những thành quả rất quan trọng của tỉnh Sông Bé, tỉnh Bình Dương khởi đầu hành trình 26 năm với mục tiêu chiến lược: Phát triển công nghiệp hóa - đô thịhóa - hiện đại hóa. Công tác quy hoạch xây dựng được triển khai thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư, nông thôn; quy hoạch phát triển công nghiệp; quy hoạch chung xây dựng đô thị Thủ Dầu Một và quy hoạch các thị trấn; quy hoạch chi tiết xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư… Công tác quy hoạch tạo ra cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng.

Song song đó, nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp hiện đại, kết nối, hạ tầng dịch vụ - đô thị đã được tỉnh tập trung triển khai. Điểm nhấn tiêu biểu nhất cho sự đột phá mới của Bình Dương là hình thành Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối liên hoàn với khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, khu dịch vụ đô thị diện tích 1.600 ha với khu trung tâm 1.000 ha đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật cao đến đầu tư.

Trên nền tảng chiến lược 3 mũi đột phá, gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, đô thị và khai thác tiềm năng đầu tư, Bình Dương đã trở thành điểm sáng về thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Quá trình phát triển đó đã giúp Bình Dương tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị đồng bộ, kiến tạo nên vóc dáng đô thị hiện đại, văn minh.

Hiện nay, tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh đã tăng gấp 3,5 lần so với năm 1997, với 7.882km. 100% các tuyến đường bộ, đường tỉnh và các huyện, thị, thành phố đều đã được nhựa hóa. Trong đó, có 250km đường 6 làn xe trở lên. Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và một số đoạn thuộc Vành đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Hệ thống hạ tầng giao thông, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, các tuyến đường đô thị được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới, đã tạo động lực cho phát triển đô thị, hình thành nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới.

Đến nay, tỷ lệ quy hoạch chung được phê duyệt đạt 100%, tỷ lệ quy hoạch phân khu được phê duyệt đạt 91,67%, tỷ lệ quy hoạch nông thôn mới được phê duyệt đạt 100%, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 84%, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,63%… Tỉnh đã hoàn thành các tiêu chí nâng loại các đô thị theo lộ trình. Toàn tỉnh có 4 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), 1 thị xã (Bến Cát). Theo phân loại đô thị, tỉnh Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một), 2 đô thị loại II (TP.Thuận An, TP.Dĩ An) 2 đô thị loại III (TX. Bến Cát, TP.Tân Uyên), 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Bình, Tân Thành).

Hướng tới thông minh, giàu đẹp

Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm 2016 Bình Dương đã hợp tác cùng TP.Eindhoven (Hà Lan) triển khai đề án Thành phố thông minh với mô hình “3 nhà”, đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, đề án đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của Bình Dương, đặt những nền tảng cơ bản, đưa tỉnh lên một vị thế mới trên trường quốc tế.

Để tạo bước đột phá, năm 2020 Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” do Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất. Thành phố mới Bình Dương được chọn là Vùng thông minh Bình Dương, là khu trung tâm đô thị mới. Đan xen các khu nhà ở cao cấp phục vụ các chuyên gia là các khu tái định cư, khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp, tạo sự bình đẳng trong việc tiếp cận với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội, hệ thống y tế giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao. Đây là nền tảng xây dựng một xã hội nhân văn, bền vững và hài hòa. Chính vì vậy, Bình Dương đã trở thành một nơi đáng sống, trở thành quê hương của mọi người. Quy mô dân số của tỉnh hiện nay gần 2,8 triệu người, trong đó người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, học tập chiếm tỷ lệ 54%. Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm.

Trong 2 năm liên tiếp 2021- 2022, Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới. Thành công trên khẳng định hướng phát triển Thành phố thông minh Bình Dương là đúng đắn, phù hợp. Chị Phan Thị Huyền, người dân khu phố 2, phường Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Thành phố mới Bình Dương với những con đường thênh thang thẳng tắp, cây xanh phủ kín, những công trình tiện ích được áp dụng kỹ thuật số thông minh hiện đại, những địa điểm vui chơi giải trí lý tưởng, nơi đây chính là một không gian sống thân thiện cho người dân. Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi cảnh sắc quê hương ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống người dân được nâng chất”.

Sáng tạo, đột phá, hài hòa là phương châm của Bình Dương trong thực hiện mọi đường hướng phát triển. Thành tựu 26 năm xây dựng đạt được là tiền đề thuận lợi, để tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh và bền vững với những định hướng chiến lược. Bình Dương đang sẵn sàng cho những bứt phá mới, ngoạn mục hơn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị Bình Dương văn minh, giàu đẹp, thông minh.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Bình Dương đang quy hoạch phát triển theo hướng xây dựng thành phố “công nghệ cao” và “thông minh”, trong không gian liên kết vùng và kết nối toàn cầu. Đây là cấu trúc điển hình của phương thức phát triển hiện đại. Trong giai đoạn mới, khi quỹ đạo phát triển của Bình Dương vận hành trong một “hệ sinh thái” mới - công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh - vấn đề kết nối số, kết nối sáng tạo sẽ được ưu tiên cao, ngày càng vượt trội so với kết nối hạ tầng “cứng” truyền thống. Ở khía cạnh này, Bình Dương cũng đang vượt trước đa số các địa phương khác trong cả nước, đang tự tin tham gia vào cuộc đua tranh phát triển toàn cầu, ở bậc cao nhất - xây dựng đô thị thông minh - sáng tạo - với những thành tích ban đầu thật sự đáng khích lệ. Tôi tin Bình Dương sẽ tiếp tục thành công.

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/doi-moi-sang-tao-phat-trien-thong-minh-a295398.html