Đổi mới sáng tạo toàn dân - Chuyển đổi số toàn diện
'Đổi mới sáng tạo - Nghĩ khác, Làm khác để tốt hơn'; 'Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng'; 'Đổi mới sáng tạo toàn dân - Chuyển đổi số toàn diện - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn' - đó là chủ đề hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025.
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc (UN) chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Mạnh Hùng từng phân tích rằng đổi mới sáng tạo là đưa công cụ, tri thức vào cuộc sống và thị trường một cách sáng tạo để tạo ra các giá trị mới.
Sáng tạo thường dừng lại ở mức ý tưởng, mới là tiền đề của đổi mới. Trong khi đó, đổi mới sáng tạo nhấn mạnh tính hành động, biến ý tưởng mới thành sản phẩm/dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, mô hình quản trị mới có giá trị thực tiễn. Sáng tạo là nghĩ ra cái mới, đổi mới sáng tạo là làm ra cái mới.

Ngày 21.4 hàng năm được chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới - Ảnh: TL
Luật KH-CN năm 2013 sẽ được sửa đổi thành Luật KH-CN và Đổi mới sáng tạo, đặt đổi mới sáng tạo ngang với KH-CN để nhấn mạnh tính ứng dụng vào thực tiễn của KH-CN.
Nói về bộ 3 KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết lần đầu tiên, bộ 3 này đi chung với nhau trong 1 Nghị quyết của Bộ Chính trị, và nhập với nhau về 1 Bộ quản lý. Thế giới có không đến 5% các nước nhận thấy tầm quan trọng của bộ 3 này và nhập về 1 nơi, biết cách nối chúng với nhau, tạo thành một hệ sinh thái. Việt Nam thuộc nhóm tiên phong về cách tiếp cận này.
Với Việt Nam, bộ 3 này là lựa chọn bắt buộc, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, là điều kiện tiên quyết, là thời cơ để Việt Nam giàu mạnh và hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hơn 3.800 startup, đứng thứ 3 Đông Nam Á. Việt Nam nằm trong nhóm 8 quốc gia thu nhập trung bình có chỉ số đổi mới sáng tạo GII cao và liên tục được cải thiện, xếp thứ 44 toàn cầu năm 2024.
Việt Nam xếp hạng thứ 71 về Chính phủ điện tử, tăng 15 bậc sau 2 năm gần đây. Kinh tế số đóng góp 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng gấp khoảng 3 lần tăng trưởng GDP. Việt Nam xếp thứ 41 về tỷ trọng kinh tế số trong GDP.
Ngoài ra, Việt Nam xếp hạng 72 về viễn thông, tăng 36 bậc trong 6 năm liên tục; thuộc nhóm 60 về hạ tầng dữ liệu; xếp thứ 17 toàn cầu về an toàn, an ninh mạng.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu của Bộ KH-CN, thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách về KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chưa giải phóng được các nguồn lực, nhất là thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền và chậm chấp nhận cái mới.
Bộ trưởng cũng cho rằng nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa có bước đột phá. Chi cho KH-CN còn thấp; chưa làm chủ công nghệ chiến lược; còn có khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển. Nhân lực chất lượng cao, nhân tài còn thiếu. Hạ tầng KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa đồng bộ; an toàn, an ninh thông tin còn nhiều thách thức.
“Nghị quyết 57 đã tạo ra sự đột phá về nhận thức, tạo tiền đề cho các đột phá thực thi. Mọi việc bắt đầu chuyển động đúng hướng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Cụ thể, KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số lúc này phải hướng vào tăng năng lực quản trị quốc gia, hướng vào sản xuất, tăng năng suất lao động.
KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải tập trung vào giải quyết các bài toán lớn của đất nước, như tăng trưởng 2 con số; tinh gọn bộ máy; vấn đề của 2 đô thị siêu nén Hà Nội và TP.HCM; tăng trưởng chất lượng cao; làm chủ công nghệ chiến lược; ô nhiễm môi trường...