Đổi mới tư duy, hành động về hoạt động lập pháp
Với tinh thần đổi mới của Quốc hội Khóa XV đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở định hướng chiến lược dài hạn 5 năm, Quốc hội sẽ chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt giữa các cơ quan liên quan để bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Đây là một sự đổi mới từ tư duy đến hành động của Quốc hội Khóa XV về hoạt động lập pháp.
Xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và thực tiễn cuộc sống, Bộ Chính trị đặt sự quan tâm lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội ngay từ đầu nhiệm Kỳ Khóa XIII bằng việc ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Ảnh: Q. Khánh
Đột phá chiến lược được quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ
Hoàn thiện thể chế là một trong những đột phá chiến lược được Quốc hội Khóa XV quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ. Thể chế, hiểu một cách khái quát, đó là các quy định, luật, lệ của một quốc gia nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, là "công cụ" thực hiện quản lý xã hội. Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược. Một trong 3 đột phá đó là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó có chuyên đề về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, đã báo cáo, Bộ Chính trị nhất trí và đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW.
Đây là cố gắng rất lớn với trách nhiệm, tâm huyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH Khóa XV. Với tinh thần đổi mới của Quốc hội Khóa XV đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị (thể hiện trong Kết luận số 19), chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở định hướng chiến lược dài hạn 5 năm, Quốc hội sẽ chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để bảo đảm tiến độ, chất lượng của công tác xây dựng pháp luật. Đây là sự đổi mới từ tư duy đến hành động của Quốc hội Khóa XV về hoạt động lập pháp.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục chỉ đạo và nhấn mạnh việc triển khai thực hiện những nội dung quan trọng. Đó là, chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội. Quá trìnhnghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong chuẩn bị hồ sơ đề nghị đưa dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật, công tác soạn thảo, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.
Đặc biệt chú ý khâu đánh giá, lấy ý kiến
Đối chiếu với những yêu cầu đặt ra theo tinh thần Kết luận số 19, những quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ, cụ thể. Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào để đạt kết quả tốt nhất, khắc phục được những khiếm khuyết, hạn chế trong hoạt động lập pháp đã được Bộ Chính trị chỉ ra trong kết luận số 19.
Trước hết, từ cán bộ trực tiếp, các cơ quan chuyên môn tham gia hoạt động lập pháp, đến lãnh đạo các cơ quan, cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của hoàn thiện thể chế, vai trò của hệ thống pháp luật đối với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Chỉ khi có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng.
Thứ hai, thực hiện đúng, đủ, bảo đảm chất lượng các bước trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt chú ý hai khâu quan trọng thường bị "lãng quên" hoặc làm một cách hình thức. Đó là việc đánh giá, tổng kết thi hành luật, dự báo nhu cầu các chế định pháp luật trên cơ sở dự báo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các quan hệ quốc tế để bảo đảm cho sức sống và "thời gian tồn tại" của các chế định pháp luật; là khâu lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của các chế định pháp luật, để bảo đảm sát, đúng và phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tham gia tích cực, hiệu quả hoạt động phản biện xã hội. Đây là một "cơ hội" vừa là tạo điều kiện để Nhân dân thông qua tổ chức đại diện của mình tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; đồng thời, có thêm sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, nhiều chiều trước khi cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động phản biện được tổ chức tốt sẽ thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu đóng góp nhiều ý kiến chất lượng trong hoạt động lập pháp. Thực trạng thời gian qua, hoạt động này chưa thực sự hiệu quả.
Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm đổi mới hoạt động lập pháp, tin rằng Quốc hội Khóa XV sẽ thu được nhiều kết quả, góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.