Đổi mới tư duy quản lý, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành các nội dung đề ra. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, kỳ họp không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lập pháp mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc đổi mới tư duy quản lý, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông): Tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm
Các nội dung được thông qua tại Kỳ họp đều đạt tỷ lệ tán thành cao, cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tôi cho rằng, đã là cách mạng thì phải “nhanh, thần tốc” để đạt được các mục tiêu đề ra. Và Kỳ họp đã thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông)
Đây cũng là Kỳ họp rất đặc biệt, vì sau Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, chúng ta sẽ không sử dụng cụm từ “bất thường” mà chỉ có Kỳ họp không thường lệ như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã thông qua.
Đối với 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), tôi cho rằng, sau Hiến pháp đây là đạo luật gốc về hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Đặc biệt, các luật này đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Khi đã được phân cấp, phân quyền, ủy quyền, tôi mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức hết sức thấu đáo trách nhiệm của mình trong mỗi công việc, trong thẩm quyền được quyết định. Các đại biểu Quốc hội cần nêu cao trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội phải nâng cao tính phản biện, tăng cường giám sát xã hội để giúp chính quyền, chủ thể quản lý thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua các luật, nghị quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm thể chế hóa ngay Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó đã quy định rõ, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đây là hành lang pháp lý bảo vệ những người dám làm, dám dấn thân cho sự nghiệp khoa học, công nghệ của đất nước. Nghị quyết cũng đã quy định về thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, như vậy Nghị quyết hướng tới kết quả thực chất, không còn tình trạng “xếp vào ngăn kéo tủ”, đem kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ ứng dụng vào thực tiễn, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Với kết quả đã đạt được, với niềm tin mãnh liệt hướng về phía trước, tôi tin tưởng, đất nước ta sẽ có bước phát triển bứt phát về kinh tế - xã hội trong năm 2025, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng tới Đại hội XIV của Đảng.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội): Định hình một nền hành chính công hiện đại, hiệu quả
Kỳ họp bất thường lần thứ Chín là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lập pháp, đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc đổi mới tư duy quản lý, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Việc sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy tầm nhìn chiến lược nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội)
Với việc tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực, các quy định mới sẽ tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động hơn, năng động hơn trong quản lý và điều hành, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững ở từng vùng, từng lĩnh vực. Sự điều chỉnh về tổ chức bộ máy cũng không chỉ dừng lại ở khía cạnh tinh gọn, mà còn hướng tới tính hiệu quả, giảm chồng chéo, nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo đảm bộ máy vận hành một cách linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đây là thời điểm mà chúng ta cần một thể chế mạnh mẽ để dẫn dắt đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình với những bứt phá táo bạo, vững chắc. Việc Quốc hội ban hành các nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội là bước đi chiến lược để định hình một nền hành chính công hiện đại, hiệu quả và gần dân hơn.
Tôi đánh giá cao kết quả của Kỳ họp này. Những quyết sách tại Kỳ họp không chỉ đặt nền móng cho sự đổi mới trong xây dựng pháp luật mà còn khơi dậy một tinh thần cải cách mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống. Khi thể chế vận hành thông suốt, khi quyền lực được phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả, đó chính là lúc đất nước ta vươn lên mạnh mẽ, sánh vai cùng bạn bè quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Có thể thấy, mặc dù thời gian của kỳ họp không dài nhưng các nội dung quan trọng đều được cho ý kiến kỹ lưỡng tại các buổi thảo luận tại tổ và thảo luận trên hội trường. Để có được kết quả như vậy là nhờ sự quyết liệt khẩn trương, tâm huyết, chuẩn bị các văn bản trình tại kỳ họp của Chính phủ và các Bộ, sự đồng hành tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Đó cũng là kết quả của tinh thần làm việc khoa học, hiệu quả của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày nghỉ, vào sau giờ làm việc hành chính.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang): Tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số
Sau 6,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đã thành công tốt đẹp, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác chuẩn bị, tiến hành Kỳ họp. Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều nội dung rất quan trọng, trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật. Công tác điều hành các phiên họp bảo đảm phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan trình, thẩm tra, tiếp thu, giải trình. Nhìn chung, công tác chuẩn bị nội dung chu đáo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang)
Theo tôi, đây là Kỳ họp có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của của Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, là tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho công tác nhân sự tiến tới Đại hội XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách tạo đột phá nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025.
Các luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy mặc dù được Quốc hội thông qua theo quy trình tại một kỳ họp nhưng được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, thận trọng, khách quan và toàn diện, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các đại biểu Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng, cụ thể; xem xét rất thận trọng, toàn diện trước khi biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết.
Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng khi nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo nên nền tảng vững chắc để đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tăng trưởng nhanh nhưng cũng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh.