Đổi mới tư duy trong quản lý KHCN và đổi mới sáng tạo
Đổi mới tư duy trong quản lý khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và ĐMST... là những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được ngành KH&CN triển khai trong năm 2020.
Ngày 3/1, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành KH&CN năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
“Dấu ấn” KH&CN trong nhiều lĩnh vực
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ đầu mối đôn đốc các bộ, ngành triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chủ trì triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, hiện, các dự án khác thuộc Đề án Hệ tri thức Việt số hóa về nông nghiệp, lưu trữ, nhận dạng tiếng nói... đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Bộ KH&CN cũng được giao nhiệm vụ đầu mối theo dõi Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Nhóm chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của Diễn đàn Kinh thế thế giới (WEF). Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, với các nỗ lực của cả hệ thống, chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.
Đáng chú ý, năm 2019 là năm Bộ KH&N thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Năm 2019, ngoài Techfest quốc gia, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.
Đặc biệt, Bộ KH&CN đã triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, sự an toàn của sản phẩm, hàng hóa; quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế xã hội của địa phương và có sự đóng góp ngày càng cụ thể.
Có thể kể đến trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ được nhân rộng. Trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng, bước đầu đã hướng dẫn các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình xây dựng.
Những thành tựu KH&CN trong lĩnh vực y tế cũng rất đáng ghi nhận, lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S), vaccin cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B.
Đổi mới tư duy trong quản lý KHCN và ĐMST
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, để tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu trong năm 2019, ngành KH&CN đã xác định những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm để triển khai thực hiện.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bộ KH&CN xác định năm 2020 là năm tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia sẽ chú trọng theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học.
Cùng với đó, Bộ KH&CN cũng triển khai hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN trong năm 2020 là cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu SĐMST từ khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt là tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.