Đời neo bên chân sóng
Họ bám biển có chăng bởi niềm đam mê truyền kiếp. Tôi đã thấy, sâu thẳm trong đôi mắt của những con người ấy chất chứa bao nỗi ưu tư.
1. Mấy chục con người phía bãi bờ, họ nối đuôi nhau bằng sợi dây thừng bằng nửa cổ tay người lớn. Liên tục hò hét để níu chiếc thuyền nan phía đằng xa. Đâu đó, những ánh mắt rớm lệ...
Hình ảnh ấy được Cường phát trực tiếp trên trang cá nhân facebook khiến ai theo dõi phải nhói buốt con tim. Từng con sóng bạc đầu vỗ mạnh, gió mùa về từng cơn khiến chiếc thuyền nan lọt thỏm, chòng chành rồi chìm hẳn. Rất may, từ sự giải cứu của dân làng, tài sản lớn nhất của đời ngư dân được kéo vào bờ. Hơn hết, 3 con người trên chiếc thuyền ấy an toàn giữa cái lạnh buốt của ngày đông.
Hảo - một trong những “nhân vật chính” thoát khỏi lưỡi hái tử thần, sự hung dữ của con sóng với tôi chẳng lạ. Anh là bạn học thuở thiếu thời ở làng biển Ngũ Điền, Phong Điền. Nhiều lần tôi cùng anh uống rượu dưới trăng để chờ những mẻ cá trích tươi rói.
Nghỉ học sớm, Hảo quanh quẩn bên mép làng, bám víu chiếc thuyền nan cha để lại mà mưu sinh. Mười mấy tuổi đã đi biển, bây giờ, ngấp nghé 40, tuổi nghề của anh không phải là ít nên việc để thuyền chìm khi cách bờ vài trăm mét khiến tôi bất ngờ. “Khi thuyền vào gần đến bờ, gió mùa khiến những con sóng dâng cao, vỗ nước vào khoang đầy ắp. Máy tắt, sức người không thể chèo lái, nên đành chấp nhận số phận”, Hảo nói, rồi tặc lưỡi: “Cũng bởi chúng tôi liều chứ biển còn động, ra khơi sẽ gặp hiểm nguy”.
Sự liều của Hảo cũng dễ hiểu khi gia đình anh suốt nhiều năm thuộc vào diện cần “cứu đói” của làng. Năm miệng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc thuyền nan đánh bắt vùng lộng. Trời trở gió nghĩa là bữa cơm thiếu đi "vị mặn".
Với ngư dân vùng bãi ngang, biển dường như bạc dần theo năm tháng. Sóng vỗ đều nhưng cá, tôm cứ vơi. Sau mỗi chuyến biển bây giờ, cá chỉ được tính bằng… con. Con cá thu, cá ong, cá hố… to bằng bắp chân người lớn như đã ở lại miền nhớ mênh mông. “Cũng vì cá, tôm thưa dần nên chúng tôi mới liều đi biển mùa động. Khi biển động, con cá sẽ bơi vào bờ kiếm thức ăn, đánh bắt thời điểm này nhiều hy vọng đầy khoang”, Hảo chia sẻ.
Dẫu biển đã cạn đi nhiều thứ, song vẫn là nơi che chở bao phận người. Cường chính là điển hình.
Vốn là thợ giày lành nghề, mưu sinh ở những thành phố hoa lệ, đồng lương của anh đủ nuôi sống bản thân, nhưng đến khi lập gia đình, anh rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Bỏ lại hình ảnh tấp nập của phố phường, ánh đèn điện xanh đỏ đầy mê hoặc khi màn đêm buông xuống, Cường dắt díu vợ con trở lại quê hương ở làng biển thuộc xã Điền Hòa, Phong Điền. “Sau khi lập gia đình, có con nhỏ, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thời điểm hàng hóa nhiều thì có đồng vào đồng ra, nhưng lúc ế hàng, gia đình lại chạy ăn từng bữa. Sống xa quê, những lúc ốm đau cũng chẳng biết nương tựa vào ai”, Cường nói.
Về quê, Cường sống cùng cha mẹ trong căn nhà kiến cố cạnh chân sóng, tài sản được anh tích cóp đóng góp cùng gia đình xây dựng sau những năm tháng mưu sinh xứ người. Bây giờ, anh đã nghe rõ tiếng rì rào của sóng vỗ, thứ thanh âm mà hơn chục năm tha hương xa cách.
Cường cho tôi xem một bức ảnh bạn thuyền ngồi giữa sóng biển mênh mông, cầm con cá lạc trên tay với nụ cười mãn nguyện. Anh bảo rằng, về quê, làm nghề biển mới thấy được sự tự do. Cái cảm giác rong ruổi theo cá, tôm từ tờ mờ sáng hay đêm muộn mang lại sự thú vị, nó không đơn thuần là mưu sinh mà còn là trải nghiệm.
“Sinh ra trong gia đình hành nghề ngư, từ nhỏ tôi đã theo cha câu mực, thả lưới. Vì mưu sinh, tôi ngược bước lên bờ. Nhưng bây giờ, cũng vì cơm áo gạo tiền, tôi lại nương tựa vào biển. Những lúc “biển bạc”, tôi phụ thợ nề để kiếm thêm thu nhập”, Cường bày tỏ.
2. Biển mênh mông, sâu thẳm, lúc êm đềm, khi giận giữ. Được sinh ra nơi vùng chân sóng, ít nhiều tôi đã nếm trải được vị mặn chát của con nước.
Rẽ sóng cùng Hòa trên con thuyền 14 CV vào một sáng sương còn giăng kín, thuyền đến vùng đánh bắt mà Hòa chọn không xa. Bằng mắt thường còn nhìn thấy được cồn cát cùng hàng dương liễu ở phía tây. Hòa cùng bạn thuyền vừa thả lưới vừa livestream trên trang facebook cá nhân. Anh tương tác cùng “bạn đọc” khiến chuyến biển càng thêm thú vị.
Hòa không chọn nghề biển mà cuộc đời neo anh ở vùng chân sóng. Bố mất, anh phải trở về quê phụng dưỡng mẹ già. Và từ đó đến nay, hay đúng hơn từ lúc anh bỏ nghề đầu bếp để bám víu sóng biển đã gần một thập kỷ. Hòa tỏ ra rành rõi con nước lẫn cá tôm. Con cá trích phải “bủa đàn, bủa nổi”, cá hố nên bủa “lưới 2”. “Đang vào vụ cá khoai nhưng đến bây giờ mất mùa, chắc vì con nước “trở”. Bây giờ người đi biển ít nên sau mỗi chuyến đánh bắt, cá, tôm được mua với giá cao. Qua mấy lần livestream, dù thuyền chưa vào bờ nhưng nhiều người đã đặt mua”, Hòa nói.
Tôi đếm quanh làng, người đi biển đến bây giờ chỉ trên đầu ngón tay, và người trẻ theo biển như Hòa càng hiếm. Những mái đầu bạc thưa dần trên con nước, thuyền bè cũng thưa dần trên bãi cát vàng ươm. “Muốn gắn bó với nghề ngư phải có thêm một công việc khác phụ trợ, nếu không, khi biển mất mùa sẽ khó khăn”, Hòa chia sẻ.
Chuyến biển hôm ấy chỉ thu về rổ cá mòi không mấy giá trị, nhưng Hòa bảo, anh sẽ tiếp tục gắn bó với con nước, bởi đi biển bây giờ với anh là đam mê.
Những con số thống kê trên giấy mà tôi được biết, sản lượng khai thác biển của ngư dân đa số tăng theo từng năm. Nhưng chắc chắn rằng, những con số ấy không thể giúp người đọc hình dung được nỗi vất vả của đời ngư dân. Đến bây giờ, câu chuyện sản lượng đến thị trường tiêu thụ đã, đang và sẽ gây áp lực lớn lên đôi vai của những người ăn sóng nói gió.
Không phủ nhận cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương luôn khuyến khích, đồng hành, hỗ trợ ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi, đặc biệt là khai thác xa bờ. Song, con nước thì không phải lúc nào cũng chiều lòng người…
Chiếc tàu 800 mã lực cách bến cảng Thuận An chừng 500 mét. Phía cầu cảng, những tiểu thương đứng đợi sẵn, thế nhưng, từ ánh mắt của ngư dân họ đành thu dọn rổ, rá.
Câu hỏi của tôi về sản lượng sau chuyến biển vô tình như chạm vào nỗi đau của Tâm. Anh chàng thuyền trưởng không trả lời mà nhìn về phía khoảng không của nước. Từ khoang đông lạnh, bạn tàu của anh nhấc lên chừng 5 rổ cá hố, con cỡ 3 ngón tay. Tâm nói: “Hy vọng vào chuyến biển lần sau”.
... Lời của Tâm giúp tôi hình dung về niềm tin mãnh liệt với biển của ngư dân. Phía chân sóng đâu đó văng vẳng tiếng thở dài, nhưng ngoài khơi kia, những con tàu hàng ngày vẫn dũng mãnh lướt sóng, chiếc thuyền nan lọt thỏm giữa đại dương, nuôi dưỡng ước mơ của đời người bên chân sóng.
Hiện nay, tổng số tàu cá đã đăng ký toàn tỉnh là 676 chiếc, khoảng 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 433 chiếc. Năm 2023, có 392 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa và đến nay đã có khoảng 1.439 chuyến biển tham gia khai thác biển xa, số ngày hiện diện trên biển xa đạt 11.512 lượt ngày/tàu.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/doi-neo-ben-chan-song-137427.html