Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp
Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hóa, chuẩn hóa. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.
Đây là nguồn lực đầy tiềm năng để bổ sung vào đội ngũ những người tham gia công tác tại địa phương. Song, cơ chế, chính sách, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của toàn hệ thống chính trị vào công việc này mới là vấn đề căn cơ nhất.
Nghị quyết “tiếp sức”
Nghị quyết số 23/2023/NQ-HÐND (Nghị quyết 23) được HÐND tỉnh Cà Mau khóa X ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, gắn với những quy định, chế độ, chính sách cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, đã thực sự tiếp thêm sinh khí mới mẻ và cổ vũ tinh thần cho những người tham gia công tác ở ấp, khóm.
Ðặc biệt, trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở ấp/khóm có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp, cao đẳng, đại học thì được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo.
Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Văn Quận, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Tân Dân trở thành xã nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện, của tỉnh, đó là vinh dự, là niềm vui chung của địa phương, trong đó có công sức đóng góp rất lớn của đội ngũ hoạt động ở ấp. Từ khi Nghị quyết 23 ra đời, những người làm công tác ở ấp, khóm đã đỡ phần vất vả, yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn. Công tác đào tạo nguồn kế cận cũng có chuyển biến tích cực”.
Ông Huỳnh Văn Bê, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Long B, xã Tân Dân, người được thụ hưởng trực tiếp từ Nghị quyết 23, bày tỏ: “Chúng tôi mừng cho bản thân là một, nhưng cái quan trọng hơn, là từ cơ chế, chính sách này sẽ tạo ra sự thu hút, khuyến khích những người trẻ hơn tham gia hoạt động ở ấp. Người tốt thì công việc sẽ tốt, đó là điều chúng tôi hết sức kỳ vọng, nhất là ở những thế hệ kế thừa, tiếp nối”.
Anh Trịnh Văn Tuấn, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, phấn chấn: “Tôi sinh năm 1983, thâm niên công tác ở ấp khá lâu, sau đó tự học đại học để nâng cao trình độ. Tôi nghĩ mình nên tự trang bị kiến thức cho bản thân và phục vụ cho công việc”. Chính nhờ ý thức tự học ấy mà khi Nghị quyết 23 được ban hành, anh Tuấn đã nhận mức phụ cấp theo trình độ. Ðiều đó càng giúp anh có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu, cống hiến trong công việc.
Ðánh giá về tác động tích cực, toàn diện của Nghị quyết 23, ông Ngô Bá Thành, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Ðầm Dơi, đúc rút: “Nghị quyết 23 ra đời, người hoạt động ở ấp, khóm đã gắn bó càng thêm gắn bó, trách nhiệm với công việc; còn những người đang phân vân thì thêm hăng hái nhập cuộc, nhất là người trẻ. Ðây cũng là những điều kiện thuận lợi để các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở có thể phát hiện, đào tạo, phát triển và bổ sung nguồn nhân lực ở ấp, khóm chất lượng theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới”.
Khẳng định vai trò người trẻ
Tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định, bản chất, sức mạnh và tính ưu việt của Ðảng ta, Nhà nước ta là lấy dân làm gốc, Nhân dân làm chủ, tất cả đều là của dân, do dân và vì dân. Ðội ngũ hoạt động ở ấp/khóm, nói một cách nôm na, dễ hiểu chính là người gần nhất, trực tiếp chăm bồi, vun bón cho cái “gốc” ấy. Sự trân trọng, ghi nhận và những cơ chế hỗ trợ phù hợp, tương xứng với trách nhiệm, công sức của đội ngũ này vì thế cũng là cách để chăm lo cho Nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng từ gốc rễ.
Theo quan điểm của ông Phạm Việt Phong, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy U Minh, thì: “Muốn có đội ngũ kế thừa, phải chăm bồi và phát triển ngay từ sớm, từ gốc. Lực lượng đó nằm ngay trong đoàn viên thanh niên, những người trẻ. Phải tin, phải trân trọng, ghi nhận năng lực và dám đề bạt, sử dụng người trẻ để lực lượng này phát huy tối đa bản thân. Ðồng thời với đó là công tác dự nguồn, chăm bồi, đào tạo để người trẻ có đầy đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, phẩm chất và sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ khi được giao phó”.
U Minh đang tập trung vào việc tạo môi trường tốt để cán bộ trẻ được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có bản lĩnh về chính trị, tiên phong, gương mẫu, không ngại khó khăn, dám nghĩ dám làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của địa phương.
“Với giải pháp dám tin, dám giao việc, dám đề bạt; đảm bảo tính kế thừa liên tục, người đi trước và thế hệ đi sau cùng hỗ trợ nhau, từ đó nhiều ấp, khóm từng bước chủ động về nguồn kế cận đảm bảo theo xu hướng trẻ hóa, chuẩn hóa”, ông Phong thông tin thêm.
Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nhìn nhận: “Ðể từng bước trẻ hóa đội ngũ cấp cơ sở, trước hết phải giữ chân được người trẻ, tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng trong độ tuổi lao động yên tâm gắn bó, khởi nghiệp tại quê nhà. Theo đó, công tác vận động, tuyên truyền cho người trẻ phải thật sự phù hợp, tương thích. Phải hiểu người trẻ đang cần gì, nghĩ gì, mong muốn điều gì để gắn kết tham gia các hoạt động tại địa phương, để họ bộc lộ phẩm chất, năng lực và được khơi gợi tinh thần cống hiến”.
Và quan trọng hơn hết, đó chính là tấm lòng, trách nhiệm, sự tin tưởng của thế hệ đi trước với người trẻ. Sự dìu dắt, chỉ dẫn của những cán bộ thâm niên, giàu kinh nghiệm chính là những bài học quý giá nhất, bổ ích nhất, dễ tiếp thu nhất và khắc ghi lâu dài nhất. Ðó cũng là chỗ dựa vững chắc để những cán bộ trẻ tiến bộ, trưởng thành, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ với những đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra./.