Đòi nợ theo kiểu giang hồ và giá đắt phải trả

Chuyện đòi nợ không phải là chuyện hiếm trong cuộc sống thường nhật, tuy nhiên việc dùng súng đe dọa, cưỡng ép để đòi nợ xảy ra trên địa bàn TP. Đông Hà thì đúng là... chuyện hiếm. Các đối tượng gây án tuổi đời còn trẻ, trong số đó có hai người đang ở độ tuổi vị thành niên. Họ đều phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình nhưng đằng sau câu chuyện này còn liên quan đến trách nhiệm giáo dục, quản lý con cái của những người làm ba, làm mẹ.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử một vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” vào tháng 5/2024 -Ảnh: T.B

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử một vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” vào tháng 5/2024 -Ảnh: T.B

Vào cuối năm 2023, tại TP. Đông Hà xảy ra vụ cưỡng ép trả nợ gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, vào ngày 10/12/2023, chị Th.H. (sinh năm 2001), tạm trú tại Phường 1, TP. Đông Hà, bị nhóm đối tượng nam, nữ đi trên ô tô gắn BKS 75A-146.xx đe dọa, ép trả số tiền 10 triệu đồng.

Quá trình đòi nợ, nhóm đối tượng nổ 1 phát súng rồi lên xe rời đi. Tuy việc nổ súng không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng điều đó cho thấy sự manh động của các đối tượng nói trên. Đến 14 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 6 đối tượng liên quan khi đang lẩn trốn và trốn chạy, gồm: Bùi Q.T. (sinh năm 1997), Trần Thị C.L. (sinh năm 2006), Nguyễn Ng.H. (sinh năm 1997), Nguyễn Thị Q.Nh. (sinh năm 2006), đều trú ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Ch.V. (sinh năm 2002), Nguyễn C.T. (sinh năm 1997) đều trú ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Khám xét các đối tượng này, lực lượng công an đã thu giữ 1 khẩu súng ngắn hiệu ZORAKI M 906-T, 4 viên đạn đầu bọc kim loại; 1 gói bột màu trắng nghi ma túy ketamine, 2 gậy 3 khúc, 2 xe ô tô.

Phiên tòa xét xử các đối tượng nói trên với hai tội danh: “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” vừa được Tòa án nhân dân tỉnh mở vào cuối tháng 5.

Tại phiên tòa này, khi nghe các bị cáo tuổi đời còn trẻ rành rọt khai về động cơ, mục đích phạm tội của mình, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Bởi lẽ, giữa bị hại và bị cáo trước đó vốn quen biết nhau. Mâu thuẫn phát sinh sau khi V. (một trong các bị cáo) đòi bị hại 2 chiếc nhẫn vàng mà mình đã gửi trước đó sau một chầu nhậu say.

Bị hại chỉ trả một chiếc nhẫn, chiếc còn lại nói đã làm mất trên xe taxi khi di chuyển từ Huế ra Đông Hà.

Để đòi lại chiếc nhẫn, V. cùng nhóm bạn của mình bắt xe từ Huế ra Đông Hà để đòi nợ, mang theo súng và đạn do C.T. mua của một người đàn ông người Lào với giá 10 triệu đồng.

Cả bọn hẹn nhau tại Trung tâm Văn hóa tỉnh để giải quyết chuyện nợ nần nhưng tại đây, do bị hại chỉ trả được 1 chiếc nhẫn nên V. đòi trả số tiền 10 triệu đồng. Thấy nhóm của V. có nhiều người, cầm súng, lớn tiếng đe dọa nên H. lo sợ và xin trả dần. Không đồng ý, nhóm của V. yêu cầu H. gọi người thân đưa tiền đến. C.T. lấy một viên đạn ra cầm ở tay đe dọa và nói với bị hại “không trả tiền thì sẽ cho mỗi đứa một viên”.

Với hành vi phạm tội như trên, các bị cáo đã phải trả giá bằng các bản án tù. Theo đó, Nguyễn C. T. bị kết án 6 năm tù; Nguyễn Chơn V. và Nguyễn Ngọc H. 5 năm 6 tháng tù về 2 tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Các bị cáo: Bùi Quang T. và Trần Thị Cẩm L. bị tuyên 15 tháng tù, Nguyễn Thị Q.N. 12 tháng tù đều về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Lối sống của những đối tượng trong vụ án này là câu chuyện đáng suy ngẫm khi họ chìm đắm trong những cuộc chơi kéo dài. Số tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ bao gồm ma túy và vũ khí phản ánh phần nào về cuộc sống của những con người này. Hành vi phạm tội của các bị cáo cũng xuất phát từ những cuộc ăn chơi thâu đêm đến sáng.

Khi mâu thuẫn phát sinh, không ai trong số đó có lời ngăn cản mà đều hùa theo, tán thành cách đòi nợ kiểu giang hồ nói trên. Trong vụ án này, C.L và Q.N còn ở tuổi vị thành niên, lại là con gái nhưng luôn có mặt ở những cuộc chơi, thậm chí L. còn thay V. nhắn tin đòi nợ H.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có tới 70,3% người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Các tội danh do người vị thành niên gây ra chủ yếu là tội cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản hoặc gây rối trật tự công cộng... Có rất nhiều lý do để trẻ vị thành niên phạm tội, mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, nguyên nhân, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là những đứa trẻ này thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo, bị ảnh hưởng xấu từ lối sống thực dụng, đua đòi, ăn chơi, lười lao động...

Phần lớn những người phạm tội đều thiếu sự quan tâm chu đáo của gia đình, ba mẹ buông lỏng quản lý con cái. Người chưa thành niên là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, nhân cách, tâm sinh lý, kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bị kích động, lôi kéo vào những hoạt động mạo hiểm. Do đó, việc giáo dục và định hướng cho con cái có vai trò rất quan trọng.

Nhiều bậc ba mẹ quan niệm rằng chỉ cần kiếm tiền, lo đời sống vật chất cho con là đủ nên không dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con cái trong gia đình. Điều đó khiến con cái dần xa ba mẹ, dễ bị lôi kéo, xúi giục và có những hành vi thiếu kiểm soát.

Để phòng ngừa tội phạm vị thành niên, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong việc giáo dục để hình thành nhân cách cho con cái mình.

Ba mẹ là những người hướng cho con trẻ đường đi đúng đắn, giúp các em ý thức được hành vi của mình đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Vì vậy, phụ huynh cần gần gũi để lắng nghe và chia sẻ với con, tạo cho con nền tảng vững chắc để chống lại những cạm bẫy trong cuộc sống.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/doi-no-theo-kieu-giang-ho-va-gia-dat-phai-tra-185933.htm