Đối phó thi cử, điểm số, tìm việc là sự thất bại của giáo dục
Một trong 10 nhân vật 'tài trí Trung Hoa' cho rằng giáo dục không đơn giản là dạy học, mà phải là bồi dưỡng nhân cách con người, với nền móng là trẻ em.
Chu Vĩnh Tân (1958) là một giáo sư, nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc. Ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống khoa học giáo dục và được bầu chọn là “Thập đại nhân vật tài trí Trung Hoa”.
Sách về giáo dục của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới (Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Cuốn sách Triết lý giáo dục của Chu Vĩnh Tân - qua những câu nói ngắn, do Minh Thương dịch, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2019 là tập hợp những đúc kết ngắn gọn, sâu sắc của ông về giáo dục.
Trước những vấn đề của giáo dục Việt Nam nói riêng và hướng giáo dục mới đang nở rộ trên thế giới nói chung, những triết lý của Chu Vĩnh Tân là một tham khảo hữu ích, đem lại những suy ngẫm thiết thực, có chiều sâu cho chiến lược giáo dục.
Giáo dục mới là không đối phó với thi cử
Cuốn sách của Chu Vĩnh Tân gồm có 9 chương, thể hiện một cách hệ thống các vấn đề căn bản của giáo dục mới: nền móng của giáo dục, tinh thần cá nhân, giáo viên, hiệu trưởng, trường học, tầm nhìn quốc gia, cha mẹ học sinh, sự thành công… Trong từng chương, Chu Vĩnh Tân nêu quan điểm cụ thể, tích cực về mục tiêu, định luật, đối tượng, nhiệm vụ, ý nghĩa, chiến lược, kết quả của giáo dục mới.
Giáo dục mới không đặt ra vấn đề đáp ứng hay đối phó với thi cử, điểm số hay tìm việc làm. Chu Vĩnh Tân cho rằng đó là sự thất bại của giáo dục. Triết lý đầu tiên trong quan điểm giáo dục của ông là giáo dục nhân cách cho con người, đặt nền móng cho trẻ em. Trẻ em chính là cơ sở đầu tiên để tiến hành các hoạt động giáo dục.
Giáo dục không đơn giản chỉ là dạy học. Đó là quá trình thức tỉnh hạt giống thần kỳ trong mỗi con người, bồi dưỡng nhân cách, làm cho con người nhận ra chính mình.
Theo ông, giúp con người nhận ra chính mình, trở thành chính mình là cảnh giới cao nhất của giáo dục. Để đạt được điều đó, giáo dục cần phải được tiến hành trên nền tảng của sự yêu thương, lấy sự phát triển đầy đủ của con người làm trung tâm. Một nền giáo dục lý tưởng là một nền giáo dục hướng đến mọi người, vì hạnh phúc của con người và lợi ích dân tộc, chung sống hòa bình và tươi đẹp.
Phương châm chủ đạo trong nền giáo dục này chính là: bền bỉ truy tìm lý tưởng/ xâm nhập thực tiễn/ hợp tác chung sống/ vì lợi ích chung/ bất bình trước bất công/ cảm thông với nỗi khổ của con người.
Để có thể hiện thực hóa các phương châm này, giáo dục mới phải được kiến trúc từ trong ý niệm với năm trụ cột: Đối thoại - Tin tưởng - Ích lợi - Coi trọng tinh thần - Phát triển cá tính, bản sắc.
Với mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, trưởng thành, hạnh phúc trong một môi trường sống lý tưởng, giáo dục mới cần phải thay đổi: Thái độ của học sinh, phương thức của giáo viên, mô hình nhà trường, phạm vi giáo dục.
Giá trị mà một nền giáo dục cần phải theo đuổi chính là “hoàn chỉnh hạnh phúc”, “lý tưởng”, “hoàn mĩ”, “xuất sắc”. Cần phải xem những giá trị đó là sinh mệnh, là lời hứa trang nghiêm của giáo dục.
Một nền giáo dục mới, trong quan điểm của Chu Vĩnh Tân là tạo ra cơ hội tốt nhất cho con người phát triển chính mình, kích thích sự nảy mầm của hạt giống thần kỳ trong mỗi người. Giáo dục, tự giáo dục một cách tự giác chính là logic đơn giản nhất, chính xác nhất.
Muốn như thế phải tạo ra điều kiện. Chu Vĩnh Tân nêu lên chín định luật cơ bản của giáo dục mới bao gồm: "Thái độ quyết định tất cả; nói bạn làm được nhất định sẽ làm được; trừng phạt về thể xác gần với bất lực; đọc sách thay đổi cuộc sống; lớp học thuộc về học sinh; tính cách quyết định số phận; đặc sắc là ưu việt; lý tưởng đem đến thành công, tình yêu làm nên kỳ tích".
"Đọc" là yếu tố quan trọng của nền giáo dục mới
Một nền giáo dục mới là một nền giáo dục chú trọng phát triển đạo đức, nhân cách, tâm hồn, trí tuệ, năng lực, trên nền tảng của sự yêu thương và khai phóng.
Trong các phương cách mà nền giáo dục đó có thể triển khai, việc đọc được xem là yếu tố quan trọng. Chu Vĩnh Tân nhấn mạnh: “Lịch sử phát triển tinh thần của một cá nhân chính là lịch sử đọc của họ”. Ông cho rằng cảnh giới tinh thần, giá trị cạnh tranh của một dân tộc quyết định bởi trình độ đọc của dân tộc đó.
Chỉ có con đường đọc là con đường nhẹ nhõm nhất, hiệu quả nhất để vô hạn hóa thế giới tinh thần. Ngay từ đầu, Chu Vĩnh Tân đã khẳng định trẻ em là nền tảng của giáo dục, để minh họa thêm cho quan điểm này, ông đã ví trẻ em với thiên sứ bị mất đi đôi cánh và rơi xuống trần gian. Chỉ có đọc sách mới mang lại đôi cánh cho trẻ, để trẻ trở lại là thiên sứ bên cạnh chúng ta.
Hình ảnh đẹp trong ý nghĩ của Chu Vĩnh Tân nói lên giá trị của việc đọc đối với con người. Sách là thế giới, mở ra thế giới, đối thoại với thế giới, cũng là để hoài nghi và tiếp tục hoàn thiện. Vai trò của giáo dục nằm ở chỗ đưa đến cho con người khả năng đọc và đối thoại với sách, với thế giới, quá khứ và hiện tại cũng như tương lai. Vì thế, trường học phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc đọc sách, thư viện là nhà ăn tinh thần.
Bàn về vai trò của giáo viên trong nền giáo dục mới, Chu Vĩnh Tân đề ra một quan điểm hết sức nhân văn: “Nhiệm vụ quan trọng nhất thực ra không phải là dạy học, mà là cùng học sinh học tập”. Giáo viên không phải người thợ dạy, giáo viên là “quý nhân trong cuộc đời học sinh”.
Triết lý giáo dục của Chu Vĩnh Tân qua những đúc kết ngắn gọn, súc tích nhưng sâu sắc đã đem đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm trước tình hình giáo dục hiện nay. Thời đại đặt con người vào nhiều cơ hội, nhưng cũng từ đó nảy sinh muôn vàn thách thức, khó khăn, nguy cơ. Nền giáo dục sẽ được vận hành như thế nào? Triết lý giáo dục hiện nay của Việt Nam ra sao? Mô hình con người, mô hình giáo viên, nhà trường, gia đình, xã hội giáo dục được hình dung như thế nào? Có lẽ, đó vẫn là những câu hỏi quan trọng mà mỗi chúng ta cần quan tâm trong hành trình xây dựng và phát triển con người.