Đối phó với già hóa dân số: Ai được sinh con thứ 3?

Có một nghịch lý, trong khi dân số nước ta đang già hóa khá nhanh nhưng đảng viên sinh con thứ 3 thì bị kỷ luật. Do đó, cần có chính sách động viên các cặp vợ chồng trẻ sinh đủ 2 con và xác định đối tượng nào được quyền sinh con thứ 3…

Cần một bộ phận được sinh con thứ 3

Sáng 23/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023, thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Tại tổ TPHCM, có đến 3 ĐB đặt vấn đề về tình trạng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh và các chính sách để ứng phó với tình trạng này.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân thông tin, tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2023 đã xuống tới mức thấp nhất từ 1975 đến nay, chỉ đạt 1,96. "Đây là dấu hiệu cần đặc biệt được quan tâm" - ông Nhân nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ sớm có sơ kết để cập nhật các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 21/2017 của Trung ương về công tác dân số trong thời kỳ mới, để từ đó có những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm phát triển về lao động, dân số, ứng phó với tình trạng già hóa dân số.

Năm 2023, ước tính tỷ suất sinh tại TPHCM là 1,27 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: TTXVN

Năm 2023, ước tính tỷ suất sinh tại TPHCM là 1,27 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: TTXVN

Dẫn chứng bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản có tỷ lệ sinh hiện nay rất thấp, dẫn đến những hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội, ông Nhân đề nghị cần chuyển đổi nhận thức để đất nước đạt 2,1 cháu/phụ nữ và phải có một bộ phận sinh con thứ 3; đồng thời Chính phủ cần có hướng dẫn mức sinh phù hợp cho các địa phương.

Đề cập về vấn đề tỷ lệ sinh con hiện nay, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng mỗi chính sách đều đúng trong một thời điểm, một giai đoạn. Trước đây, việc hạn chế người dân sinh không quá 2 con là phù hợp với tình trạng gia tăng dân số lúc đó, nhưng hiện nay trước nguy cơ già hóa dân số, không có lao động thay thế, cần phải xem xét lại chính sách này. "Chúng ta cũng chỉ nói hiện tượng già hóa dân số nhưng chính sách lại không đưa ra rõ ràng. Đơn giản trong những điều đảng viên không được làm, có việc không được vi phạm chính sách dân số".

ĐB Trần Kim Yến cho biết, Việt Nam đang trong thời điểm già hóa dân số rất nhanh, chứ không phải nhanh nữa. Đây là điều đáng báo động và ngay bây giờ phải có các chính sách tổng thể để người dân có thể suy nghĩ đến việc sinh đủ con. Mức thu nhập bình quân của công nhân, người lao động hiện nay ở mức 7 - 10 triệu đồng/tháng. Có những gia đình thu nhập của cha mẹ không đủ trang trải chi phí cơ bản nuôi một con.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Nguồn: Bộ Y tế

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Nguồn: Bộ Y tế

"Đây có phải là nguyên nhân của hiện tượng sợ sinh không. Bây giờ có hiện tượng người trẻ không lập gia đình rất lớn, hoặc lập gia đình rồi không sinh con, thậm chí nuôi thú cưng để làm niềm vui trong cuộc sống", bà Yến nêu xu hướng và đề nghị Chính phủ có báo cáo tổng thể cũng như xây dựng chính sách ngay bây giờ để ứng phó tình trạng già hóa dân số.

Dân số đang già hóa rất nhanh

Theo UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019, đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già”.

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế - xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Đặc biệt dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đang đối đầu với tình trạng này rất gay gắt. Tại Hàn Quốc, số con trung bình một phụ nữ sinh trong đời là 0,78. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1970.

Các chuyên gia dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu người vào tháng 4/2023, nhưng qua khảo sát thực tế ở thời điểm kể trên, dân số Việt Nam đã vượt 100 triệu, chiếm khoảng 1,24% dân số thế giới, đứng thứ 15 về số dân trong bảng xếp hạng về dân số của các nước, vùng lãnh thổ.

Số liệu được Cục Dân số, Bộ Y tế công bố ngày 26/12/2023 cho thấy, tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con - đây là tỷ lệ sinh tốt nhất để duy trì dân số ổn định ở nước ta. Thế nhưng có nhiều vấn đề rất khó, đe dọa không đạt mức sinh thay thế, hoặc có địa phương tỷ suất sinh cao, có nơi lại thấp.

Cục Dân số cho biết, những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, song 2 năm gần đây mức sinh xuống thấp, dưới 1,7. Còn ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước con số này là 2,4. Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu, 1,5 con/phụ nữ. Trong khi vùng trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao.

UBND TPHCM đã ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, với mục tiêu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt trên 1,3%

UBND TPHCM đã ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, với mục tiêu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt trên 1,3%

Đáng lưu ý, một số địa phương vẫn có xu hướng tiếp tục giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TPHCM. Ước tính, năm 2023 mức sinh của TPHCM là 1,27 con/phụ nữ, trong nhóm thấp nhất cả nước và đang xu hướng giảm ở mức cảnh báo. Hiện chỉ 4 địa phương đạt mức sinh thay thế gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam đã được khống chế, đạt mức sinh thay thế suốt 15 năm qua, tức là trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam sinh khoảng 2,1 con. Song, Việt Nam đang đối mặt tình trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.

Trước tình trạng dân số già rất nhanh như hiện nay và tỷ suất sinh không đồng đều giữa các địa phương, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đưa ra nhiều chính sách để tác động nhằm tăng mức sinh. Đặc biệt, cần có biện pháp khuyến khích để mỗi gia đình sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành có mức sinh thấp, hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai do trong quá trình mang thai cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe. Cùng đó là các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hiện nay, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu có chính sách khuyến khích, khen thưởng có điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Biện pháp này cũng đáng ghi nhận nhưng việc giảm thuế thu nhập cá nhân, mua nhà ở xã hội, cung cấp miễn phí đối với dịch vụ hôn nhân và gia đình, nhân rộng các dịch vụ đưa, đón, trông trẻ với giá cả phải chăng... có thể là những biện pháp tốt hơn để cân bằng mức sinh.

Các chuyên gia đã xác định mức sinh thay thế tốt nhất ở nước ta là 2,1 con/phụ nữ, nhưng mức sinh ở nhiều địa phương lại khác nhau. Vì vậy cần có một kế hoạch thống nhất để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh đủ 2 con; đặc biệt đối tượng nào trong cán bộ, đảng viên được sinh con thứ 3 cũng cần xác định rõ...

ĐẢNG VIÊN SINH CON THỨ 3 SẼ BỊ XỬ LÝ KỶ LUẬT NHƯ THẾ NÀO?

Quyết định 102/QĐ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị quy định cụ thể về các hình thức xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh từ 3 con trở lên: Sinh con thứ 3 bị khiển trách; Sinh con thứ 3 gây hậu quả nghiêm trọng hoặc sinh con thứ 4 sẽ bị cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ); Sinh con thứ 3, thứ 4 gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc sinh con thứ 5 trở lên bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ngoài ra, trường hợp gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con cũng bị hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.

Ngày 06/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định 69-QĐ/TW quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thay thế Quy định 102/2017/ QĐ/TW và ngày 22/11/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành văn bản 05 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW. Theo đó, có một số trường hợp bị kỷ luật nhưng nội dung "sinh con thứ 3" đã không còn trong văn bản quy định xử lý đảng viên vi phạm, hành vi vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật trong trường hợp gây hậu quả. Tuy nhiên, hiện nay đảng viên sinh con thứ 3 vẫn bị kỷ luật, dù chỉ bị khiển trách.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/gia-dinh/ai-duoc-sinh-con-thu-3_162687.html