Đội quân nòng cốt của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc
Khi đất nước đã thống nhất, quân đội ta đảm nhận sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ra đời từ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành trọng trách lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đất nước đã thống nhất, quân đội ta đảm nhận sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ra đời trong phong trào đấu tranh giành chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945
Vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân vào điều kiện cụ thể của nước ta, nên ngay từ khi thành lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định “tổ chức ra quân đội công nông”[1]. Trên cơ sở lực lượng chính trị của cách mạng đã phát triển mạnh và lực lượng vũ trang nhân dân đang hình thành, Người đã Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người chỉ rõ: “muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”[2]… “trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”[3].
Thực hiện Chỉ thị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc: “Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”[4]. Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ đây, phong trào cách mạng của quần chúng có lực lượng vũ trang hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chủ lực đầu tiên với 34 chiến sĩ đã làm nên thắng lợi Phai Khắt, Nà Ngần, tạo ảnh hưởng rộng lớn trong quần chúng nhân dân; tiếp đó, là những chiến công mở rộng vùng giải phóng làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Với tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng, Việt Nam Giải phóng quân là lực lượng nòng cốt cùng với toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nòng cốt cho toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến “toàn diện, trường kỳ” thắng lợi (1945 - 1954)
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đối phó với nhiều khó khăn. Ở phía Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch tiến vào giải giáp quân Nhật. Ở phía Nam, thực dân Anh mở đường cho thực dân Pháp tiến vào với âm mưu biến Việt Nam trở về thời kỳ thuộc địa. Lúc này, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành sách lược mềm dẻo “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để giữ vững nền độc lập non trẻ.
Trước sức ép của quân Tưởng Giới Thạch, Đảng ta tuyên bố “tự giải tán” và tiến hành hoạt động bí mật; đồng thời, để đáp ứng yêu sách của quân Tưởng đòi giải tán quân đội chính quy, tháng 11 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Lúc này bộ đội chủ lực toàn quốc có khoảng 50.000 người, được tổ chức thành 40 chi đội ở hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và một số tỉnh ở Nam Bộ[5]. Ngày 22-5-1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu. Hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Trung ương Đảng đối với quân đội.
Trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị lực lượng hòng đánh úp các cơ quan đầu não của ta tại Thủ đô Hà Nội, tiêu diệt bộ đội tại các thành phố lớn; đồng thời, đánh chiếm những địa bàn chiến lược ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân đội ta đã chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã để tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài. Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 là chiến dịch phản công đầu tiên của quân đội ta giành thắng lợi đã làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang giai đoạn mới.
Thực hiện phương châm “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, quân đội đã phân tán lực lượng, đi sâu vào từng làng xã, phát triển chiến tranh du kích, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, làm chỗ dựa cho “toàn dân đánh giặc”, cũng là cơ sở để phát triển lực lượng, với ba thứ quân được hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường. Đến trước chiến dịch Biên giới, cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang ta đã có bước phát triển vượt bậc, đã xây dựng được khối chủ lực ở quy mô thích hợp (trung đoàn, đại đoàn), đồng thời chú trọng đẩy mạnh xây dựng bộ đội địa phương, phát triển rộng rãi dân quân du kích, hình thành và hoàn chỉnh ba thứ quân - một mô hình tổ chức quân sự độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Với thế trận chiến tranh nhân dân được củng cố, kháng chiến toàn diện được đẩy mạnh, lực lượng chủ lực ngày càng vững mạnh là cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, phá vỡ phòng tuyến biên thùy của thực dân Pháp, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng Biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh của quân đội ta.
Tại Trung Bộ và Nam Bộ, sau một thời gian củng cố, bộ đội ta đã đứng vững trên các địa bàn, cùng du kích chống càn quét và tiến công các căn cứ địch; góp phần tiêu hao, tiêu diệt, kiềm chế một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự của địch, bồi dưỡng và phát triển lực lượng ta, mở rộng nhiều vùng căn cứ, đánh bại âm mưu “bình định” của địch.
Từ năm 1949 đến năm 1952, đội quân chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh đã có 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 320, 316, 325) và 1 đại đoàn công binh, pháo binh (351), góp phần tăng thêm sức chiến đấu của “các quả đấm chủ lực cách mạng” trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về “đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Ngày 23-9-1954, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Quyết định số 400-TTg chính thức quy định: Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ nay gọi thống nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sự trưởng thành của quân đội ta qua xây dựng và chiến đấu đã làm đối phương phải thừa nhận sức mạnh to lớn của quân đội ta. Họ cho rằng sức mạnh của quân đội ta nằm ở chỗ, quân đội ta chiến đấu cho một mục tiêu, lý tưởng chính nghĩa, nhất quán. Tướng Pháp H. Xalăng cho rằng: “Một nhân tố quan trọng cực kỳ, đó là quân đội của họ, một quân đội... rất kỷ luật và can trường, sẵn sàng phục vụ đường lối chính trị của Chính phủ, là “đối thủ đáng kính trọng”..., là cái bảo đảm cho cả một Đông Dương đỏ”[6].
Trưởng thành lớn mạnh, giành thắng lợi trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp thống nhất non sông (1954 - 1975)
Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3-1955, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (mở rộng) xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, củng cố quốc phòng trong hòa bình là một công tác chủ yếu để tăng cường lực lượng. Phương châm xây dựng quân đội ta là tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”[7].
Thực hiện chủ trương trên, quân đội ta đã nhanh chóng bước vào xây dựng theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955 - 1960). Đến năm 1960, quân đội ta từ lực lượng chủ yếu là bộ binh đã cơ bản trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng. Đồng thời quân đội đã tích cực phối hợp với các lực lượng khác thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản, nhanh chóng thiết lập trật tự, trị an; tích cực tham gia lao động sản xuất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần tạo ra tiền đề vật chất, kỹ thuật cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Ở miền Nam, trong những năm 1954-1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng quân đội theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961 - 1965), nâng cao một bước quan trọng trình độ chính quy, hiện đại. Ngày 15 tháng 2 năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam, đây là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.
Trước sự can thiệp của quân đội Mỹ - một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh vào loại bậc nhất thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ trong giai đoạn này là “tìm và diệt” bộ đội chủ lực của ta; bình định, kìm kẹp nhân dân hòng đánh bại cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, từ tháng 9 đến tháng 12-1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tại chiến trường miền Nam 5 sư đoàn bộ binh (9, 3, 2, 5, 1) và một đơn vị pháo binh tương đương cấp sư đoàn mang phiên hiệu Đoàn pháo binh 69. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy, mở ra phong trào “tìm Mỹ mà đánh”, “tìm ngụy mà diệt”. Tiếp đó, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, buộc Mỹ phải bắt đầu xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc lần thứ nhất.
Thất bại trên chiến trường miền Nam, từ năm 1969, Mỹ chuyển sang thi hành “Học thuyết Níchxơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân Lào và Campuchia chiến đấu, giành được những thắng lợi to lớn trên chiến trường ba nước Đông Dương trong Xuân - Hè 1971, tạo ra sự thay đổi quan trọng trong cục diện chiến tranh. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị thất bại một bước nghiêm trọng. Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
Trước nguy cơ đổ vỡ của quân đội Sài Gòn, ngày 6-4-1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai, nhưng đã bị quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội. Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Bắc và Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (27-1-1973), rút quân về nước. Tuy nhiên, dựa vào viện trợ của Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta.
Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn: 1, 2, 4, 3 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn). Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chiến dịch Tây Nguyên đã mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và đưa chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Vận dụng vào thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
Trong giai đoạn cách mạng mới, để phát huy, vận dụng những kinh nghiệm quý trong xây dựng quân đội những năm đấu tranh giải phóng dân tộc vào quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhân tố làm nên những chiến thắng lẫy lừng của quân đội ta là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội cũng chính là mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Thực tiễn quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc đã khẳng định: Quân đội ta là quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng. Do vậy, quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Quân đội ta tiếp tục nghiên cứu, nắm vững và quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối, cơ chế, phương hướng xây dựng Quân đội theo nội dung Nghị quyết số 51-NQ/TƯ của Bộ Chính trị “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đây chính là “chìa khóa vạn năng” để xây dựng Quân đội ta ngày càng hùng mạnh.
Hai là, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu của quân đội, truyền thống lịch sử dân tộc. Chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, “mẫu mực, tiêu biểu” cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong toàn quân. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, củng cố ngày càng sâu sắc hơn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng. Tích cực, chủ động đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, chú trọng xây dựng, điều chỉnh tổ chức quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, có sức chiến đấu cao, phù hợp với điều kiện mới. Cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 05-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 230-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện và đào tạo; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với diễn tập hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng; diễn tập đối kháng; diễn tập khu vực phòng thủ; nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ, khả năng tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo đảm quân đội có đủ khả năng làm nòng cốt cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Tập trung phát triển khoa học - công nghệ quân sự, vũ khí, trang bị, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới. Tăng cường chấp hành kỷ luật của quân đội, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược theo quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp.
Bốn là, quân đội tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; luôn tiên phong, nòng cốt, xung kích trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh, sự cố môi trường. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các đề án, chiến lược về quân sự, quốc phòng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết Trung ương.
Chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; xử lý có hiệu quả các tình huống, bảo đảm trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ; chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp tổng thể, hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của quân đội và đất nước ta trên trường quốc tế.
80 năm ra đời và đồng hành cùng dân tộc, trong đó có hơn 40 năm thực hiện sứ mệnh là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy truyền thống của dân tộc anh hùng, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, từng bước trưởng thành lớn mạnh, hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[8].
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 1.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 539.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 539.
[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2018, tr. 92.
[5] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-bo-doi-chu-luc-trong-luc-luong-vu-trang-nhung-ngay-dau-doc-lap-548448.
[6] Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 1994, tr.175-176.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr. 212.
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 435.