Đời sống Ai còn nhớ bãi bồi?
Bãi bồi là tên gọi khu đất nổi nhô lên giữa sông, được phù sa thiên nhiên đắp bồi sau những mùa lũ tràn, nước từ rừng thượng nguồn đổ về đỏ ối rồi ngưng bồi lại. Khi bãi bồi tạo thế vững chãi như một hòn đảo nhỏ, người nông dân bắt đầu canh tác, bởi với họ thấy đất là thấy sự sống và của cải.
Khu đất ấy được chính quyền địa phương quản lý, nếu ai muốn tăng gia sản xuất thì đăng ký và đóng thuế. Hồi ấy, cuộc sống khó khăn, nhà lại đông con, gia đình tôi năm nào cũng giành một suất để canh tác. Tôi mới học lớp 4 đã theo cha cưỡi trâu bơi sang sông gieo hạt. Chính vì thế mà bãi bồi trở nên thân thuộc trong những tháng năm làng quê còn nghèo khó.
Đất bãi bồi là đất pha cát, nên thích hợp trồng các loại đậu đỗ và khoai lang. Nhà tôi thường gieo nhiều đỗ đen, bởi loại đỗ này cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ cũng lớn. Tôi thích đỗ đen còn vì một lẽ, khi thu hoạch hái cũng nhanh và “sướng tay” hơn. Mỗi khi nhận phần đất được giao khoán, bố mẹ tôi chia đôi, dành một nửa diện tích cho việc trồng khoai lang xen ngô. Trồng khoai và ngô, mục đích chính là để lấy thức ăn chăn nuôi lợn gà, trâu bò. Nhớ những mùa đỗ chuẩn bị ra hoa, cả nhà tôi phải tập trung ngắt ngọn để cây trứt nhánh, có thế mới mong sai trái, đầy hạt. Mỗi lần như thế, cả ngõ nhỏ nhà tôi trở nên xôn xao vì được ăn ngọn đỗ non. Món ăn đơn giản của mọi nhà là luộc qua rồi làm nộm, nghe thơm mùi tỏi ớt và lạc rang. Hoặc xào với mỡ lợn, thêm vài nhánh tỏi đập giập là đủ đưa cơm. Món rau vừa giòn, thơm, bùi, ngọt ấy, không phải lúc nào cũng được ăn.
Tới mùa thu hoạch, từ sáng sớm mẹ đã dậy nấu cơm chuẩn bị cho ngày dài bên sông. Cha không quên kiểm tra dụng cụ bao bì, dây chạc, quang gánh…, và múc bỏ lượng nước ngấm vào thuyền cho khô ráo. Cả nhà tôi thường ở nguyên ngày, ăn uống và nghỉ trưa trong căn chòi mái tranh vách liếp cha dựng tạm nơi mé sông. Sang bãi bồi, thứ hấp dẫn nhất đối với tôi là khu đất trồng khoai và ngô. Trưa không ngủ, thích dò dẫm đi tìm những cây ngô già, cắt bỏ lá và ngọn, lấy vạt áo lau sạch sẽ rồi tước vỏ, thịt thân ngô trắng, ngọt thơm như mía vậy. Có hôm tới bữa cơm mà dằn bụng để đi đào khoai, chỉ cần rửa sạch đất cát, lấy liềm cạo vỏ rồi vô tư nhai sống. Nhiều buổi tôi và em gái lui cui đi tìm những ổ trứng vịt. Ngày ấy vịt người làng nuôi thường thả ven sông, chúng hay tìm lên vườn đỗ để đẻ trứng. Khi thấy ổ trứng, niềm vui to lớn khiến tôi quên cả nắng nôi, mệt nhọc.
Sang bãi bồi, chúng tôi thường phải trở về nhà trước khi thủy triều lên. Trong lúc cha chuyển dần những bao đỗ xuống thuyền, tôi nhanh tay hái một ít rau tàu bay, mẹ và chị thì tranh thủ cắt đầy bao cỏ. Lúc nào tôi cũng xin cha ở lại để đi chuyến thuyền sau với muôn vàn lý do con nít. Hôm thì đi tìm trứng, hôm lại lục tục đào khoai cho mấy đứa bạn cùng xóm, bữa thì đá bóng với bọn con trai đang thả trâu phía cuối bãi… Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ khuôn mặt rám nắng và cái dáng cong mình của cha khi ông đưa chiếc sào chạm xuống đáy sông. Con thuyền lướt đi vun vút theo cái đẩy sào, mồ hôi cha đầm đìa lưng áo.
Khi ruộng đậu già nua, các gia đình cùng thầu đất bãi lại rủ nhau sang bãi bồi nhổ cây cho đất phơi nghỉ. Cứ để đó cả nửa tháng liền, rồi lại í ới gọi nhau sang bó mang về đun nấu. Khi bãi không trồng hoa màu, người làng lội sông sang cắt cỏ, tìm rau, bọn trẻ con lùa trâu bò sang đấy thả, thỏa thuê vui thú với đủ thứ trò chơi con trẻ. Thả diều là thú chơi được lũ trẻ tụi tôi ham nhất, vì bãi rộng nên tha hồ chạy diều mà không vướng víu gì. Trên bãi dưới sông, tiếng nói cười rộn rã.
Bãi bồi ngày ấy giờ đây không còn nữa, bởi sau nhiều năm, người ta vì lòng tham và lợi nhuận đã nạo vét nó đến kiệt cùng. Lâu rày đôi bờ cũng sụt lở, công trình bao kè được dựng lên để ngăn lũ dữ. Nhìn dòng sông rộng toác và sâu hoắm, cha tôi cứ thở dài nuối tiếc. Với tôi, miền sông nước ấy hữu tình, là nơi ra đi và trở về của biết bao thân phận, biết bao biến cố thế hệ ở làng quê một thuở. Bãi bồi ngày ấy ai còn nhớ, mà lòng tôi cứ thương nhớ bao mùa…
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ai-con-nho-bai-boi-a108646.html