Đời sông
Phượng để thằng Công ngủ trên chõng, cô chạy ào ra ngõ đi trong vô định. Vừa hết vụ chiêm, gốc rạ sắc như lưỡi lam cắn vào chân cô hàng ngàn vết cắt. Mặc, Phượng cứ thế lội qua hết thửa ruộng này sang thửa khác. Sông Phù Dung hiện ra trước mắt. Cũng đỏ tựa máu. Phượng ào xuống nước, bơi về phía cồn Ươi. Cái cồn nhỏ um tùm lau sậy giữa sông, nơi người làng vẫn đồn là chốn trú ngụ của những linh hồn người chết đuối.
1. Chuyến xe đêm về đến cầu Vôi thì trời bưng bửng sáng. Hoạt xuống xe. Sông Phù Dung mùa cạn như một dải lụa mờ ảo bay trong sương sớm. Còn non cây số nữa mới về đến nhà. Anh quyết định đi đường tắt qua cánh đồng Trại Vân. Tháng 11. Rét như kim châm. Mùa gặt đã qua từ lâu, đồng đất đang vào kỳ đổ ải. Nước loang loáng khắp các thửa ruộng trông như những tấm gương rạn khổng lồ. Mùi bùn non, mùi phân gia súc, mùi cỏ ngai ngái… xộc lên. Hoạt hít một hơi thật sâu. Tất cả đều thân quen. Bao năm cơm áo gạo tiền nơi phồn hoa đô hội, chưa bao giờ Hoạt thấy mình thuộc về thành phố… Dù ở đâu, làm gì, Hoạt vẫn là chàng trai đất lề quê thói. Nhiều lúc giữa ồn ào phố thị, anh nhớ da diết giàn mướp hoa vàng trước ngõ, tiếng nghé lạc mẹ cuối triền sông, hoặc mùi khói đốt đồng cay cay nơi khóe mắt… Quê hương đã trở thành một phần đời không thể thiếu trong anh…
Hoạt đi như chạy. Đàn chim giẽ giun kiếm ăn sớm nghe tiếng động giật mình bay vút lên. Tiếng kêu xé tan bầu không khí buổi sáng rồi mờ dần, mất hút trong sương mai ngày một dày hơn. Những hạt sương li ti chui vào cổ áo, vào tóc, vào mũi khiến Hoạt tê buốt. Kệ. Anh tự cho mình quyền được tận hưởng cái lạnh nơi thôn dã. Lâu lắm rồi, anh mới có cảm giác này…
Hoạt về đến ngõ thì sương đã giăng mắc như mưa. Cha anh đang ngồi trên chiếc chõng tre ngoài thềm. Bất động. Cũ kỹ. Buồn hoang hoải. Như một tác phẩm điêu khắc bị bỏ dở. Hoặc giả tựa những cành sầu đông rụng lá ngoài vườn, khô khỏng, cô đơn, gầy guộc như tạc vào bầu trời đầy mây xám đang mải miết bay vô định. Nghe tiếng bước chân, ông ngẩng lên, hỏi như chỉ để cho anh nghe thấy tiếng người:
- Con đã về đấy à?
Rồi không đợi anh trả lời, ông dùng chiếc que sắt khều mấy viên than trong cái hỏa lò bé tẹo. Những viên than rực lên. Ấm áp. Hoạt sà xuống, xòe tay đón lấy chút khí nóng. Anh xuýt xoa:
- Cha mặc thế này mà không lạnh ư?
Cha anh không trả lời. Dường như ông không nghe thấy. Đầu óc ông đang lang thang một nơi nào đó. Xa thẳm. Hoạt chưa bao giờ thấy cha lạ như vậy. Ngay cả cú điện thoại lúc chập tối qua cũng thế. Giọng ông thảng thốt, sợ hãi, đầy bất an. Mai con thu xếp về nhà, có việc. Ông nhát gừng rồi cúp máy. Hiểu tính cha nên Hoạt không hỏi gì thêm. Ông vốn ít nói, càng về già càng kiệm lời. Bao năm lầm lụi nuôi con một mình, anh chưa thấy ông mở miệng than vãn bao giờ. Mọi buồn vui cha đều nuốt ngược vào trong. Thảng hoặc, nếu có chút cảm xúc, thì là lúc ông ngồi trên chiếc chõng tre này, mắt đắm đuối nhìn ra rặng cúc tần bốn mùa xanh mướt ngoài ngõ. Những lúc đấy, ông không thuộc về thực tại. Ông gửi hết tâm tình theo một bóng hình đã cùng mây trắng mải miết cuối trời xa… Đấy là vợ ông, người đàn bà bỏ ông đi mấy chục năm rồi…
Ông Thuận gắp thêm mấy viên than cho vào lò rồi quay qua rót cho Hoạt một bát nước vối từ cái ấm tích cũ được ủ cẩn thận trong chiếc chăn chiên. Chiếc bát sứ lâu ngày, sậm lại, men đã bắt đầu rạn và xỉn đi vì thời gian. Dòng nước nhểu ra từ vòi ấm, đặc sánh màu hổ phách.
- Năm nay mưa nhiều, nụ vối được nước nhưng nhạt vị - Ông nói.
Hoạt đón bát nước từ tay cha, đưa lên miệng uống liền một hơi. Vị thanh mát lan tỏa, ngấm vào từng đường gân, thớ thịt. Cây vối nếp đến lạ. Uống lúc đói cũng không cồn ruột. Nghe nói, cha trồng nó vào ngày cưới. Tính ra, đến bây giờ cây còn nhiều tuổi hơn anh…
- Hoạt à - ông Thuận cất tiếng, giọng khản đặc - Cha gọi con về là có chuyện quan trọng.
Ông Thuận ngưng lại. Hình như đang có một trái núi đè nặng lên thanh quản khiến ông không thể cất lời. Hoạt cũng không hỏi gì thêm. Nhìn những vết nhăn dúm lại đầy đau đớn trên gương mặt cha, anh linh cảm tai họa đang treo lơ lửng trên đầu. Việc của anh lúc này là im lặng chờ đợi. Không thể làm gì hơn…
Và rồi nó đến, như một đàn ác quỷ bị bỏ đói, thè những cái miệng ghê gớm với hàng triệu chiếc răng sắc nhọn tranh nhau nuốt chửng lấy anh.
- Ta không phải là cha đẻ của con.
Tiếng ông Thuận âm âm từ cõi nào đó vọng về. Như có ai đó cầm búa đập liên tiếp vào thái dương của Hoạt. Anh ngã vật ra chõng. Bát nước vối uống nửa chừng rơi xuống nền gạch nâu. Vỡ tan. Tiếng vỡ khô khốc, tựa tiếng đạn bắn. Nước tung tóe vào cái hỏa lò khiến những viên than đang cháy kêu xèo xèo như sắt nóng đỏ đang xiên vào da người. Hoạt thấy mình giống kẻ đang đi giữa đất bằng thì hụt chân rơi xuống giếng hoang không đáy. Ngạt thở. Anh cố há miệng hớp lấy ít không khí. Một bàn tay vô hình khổng lồ bóp chặt lấy lồng ngực anh. Anh cố chống lại nhưng vô hiệu. Hoạt buông xuôi. Trời đất tối sầm, đen kịt. Anh không biết gì nữa…
Ngoài kia, sương trắng tựa một tấm khăn bông khổng lồ trùm lên vạn vật. Chiếc hỏa lò vẫn cháy. Trông xa đỏ lòm như mắt quỷ…
2. Bệnh viện huyện, một đêm mùa đông bốn mươi năm trước. Hành lang trống vắng, lờ mờ ánh điện đỏ đọc. Thuận hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng. Từ phía phòng hộ sinh bỗng vọng lên tiếng thét như xé của Loan. Thuận vứt điếu thuốc hút dở lao đến. Trước mặt anh là một cảnh tượng kinh hoàng. Loan, có lẽ đã phát điên, mắt trừng trừng nhìn thứ cô vừa sinh ra. Không phải một đứa trẻ. Một quái thai, không chân tay. Đã chết.
Thuận khuỵu xuống. Trong đầu anh hiện lên mồn một hình ảnh cánh rừng năm xưa, nơi đơn vị đóng quân. Chất độc da cam khiến cây cối trụi lá. Những cành cây trơ trọi chi chít chĩa lên trời kêu cứu. Giờ đây, chúng biến thành muôn vàn ngọn giáo xuyên qua óc anh. Đau buốt. Tê dại. Hơn chục năm ở chiến trường, bom đạn của kẻ thù không thể khuất phục Thuận. Nhưng đêm nay, cái đêm lẽ ra hạnh phúc nhất của đời người thì anh ngã gục. Anh chết khi biết mình vẫn sống. Khóe mắt Thuận rỉ ra thứ chất lỏng đỏ tươi. Những giọt lệ màu máu…
3.
- Loan, hay chúng mình chia tay. Đằng nào cũng chỉ nên khổ một người…
- Anh à, nếu anh còn nói câu nữa, em sẽ thắt cổ chết cho anh xem. Đã là nghĩa vợ chồng thì sướng khổ có nhau. Em không đi đâu cả…
Đoạn sau, Loan còn nói gì nữa nhưng Thuận không nghe hết. Tai anh ù đi. Thuận vùng dậy, đạp cửa ra ngoài. Anh chạy như điên như dại về cuối đồng làng. Đêm ôm chầm lấy Thuận. Ve vuốt. Gió đồng hun hút thổi. Trăng hạ tuần vừa mọc, trông như giọt lệ buồn cô độc cuối trời. Thăm thẳm giữa thinh không dội về tiếng vạc kêu sương. Khắc khoải. Nghẹn ngào. Lạnh buốt… Một bàn tay đặt lên vai Thuận khiến anh giật mình. Khoa.
- Thôi, về đi. Trời sắp sáng rồi. Mình đau một thì đàn bà họ đau mười…
4. Thuận và Khoa là đôi bạn thân cùng làng, cùng trường, cùng lớp. Chiến tranh gõ cửa cuộc đời họ bằng lệnh tổng động viên. Trước khi nhập ngũ, Khoa cưới vợ. Phượng, vợ Khoa, cũng là bạn cùng lớp của họ, và là bạn thân của Loan vợ Thuận sau này . Cuộc hôn nhân đúng nghĩa “cưới chạy”. Hương lửa chưa kịp nồng thì đã phải chia xa. 48 giờ sau khi làm chồng, Khoa vác ba lô lên đường trong những giọt nước mắt đắng chát…
Ở nơi huấn luyện, một buổi chiều ra suối lấy nước, thấy bạn buồn buồn, Thuận gặng hỏi:
- Có chuyện gì thế ? Mày vừa nhận được thư nhà hả?
- Ừ, thư mẹ tao - Khoa thở dài trả lời.
- Nhận được thư nhà thì phải vui chứ, hay có chuyện gì?
Không trả lời, Khoa kéo bạn ra một góc, dúi vào tay Thuận lá thư viết vội, nét chữ nghuệch ngoạc…
“Vợ con vẫn chưa có gì đâu. Hôm rồi mẹ thấy nó phơi khăn xô. Nhà mình neo người, bố mẹ già rồi, chỉ mong có đứa cháu cho vui cửa vui nhà…”.
Thuận dừng đọc, thắc mắc:
- Phơi khăn xô thì liên quan gì đến chuyện chưa có bầu?
Khoa cốc thằng bạn một cái rõ đau:
- Đồ ngốc, khăn xô dùng cho phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt. Mà cái món đấy vẫn còn thì có nghĩa là chưa có gì…
- Ừ, tao đã có gì đâu mà biết - Thuận vừa xoa đầu vừa chữa ngượng.
Năm ấy, Thuận mới 17 tuổi. Cuộc chiến khiến anh biết đến vị tanh nồng của máu, vị đắng của thuốc súng trước khi biết thế nào là sự ngọt ngào của một nụ hôn từ người khác giới…
Hết ba tháng huấn luyện, đơn vị chia làm hai. Một vào chiến trường, một ngược ra Bắc học lớp pháo binh. Dĩ nhiên đích đến cuối cùng vẫn là chiến trường. Nhưng chưa phải lúc ấy. Thuận nằm trong diện ở lại, còn Khoa phải lên đường đi B ngay. Đêm trước khi chia tay, Thuận thức trắng. Sáng ra anh lên gặp Đại đội trưởng để trình bày việc hệ trọng.
Thuận kể lại cho thủ trưởng nghe về đám cưới vội vã của Khoa, về lá thư, những chiếc khăn xô đàn bà và niềm mong mỏi của người mẹ mong có cháu bế để che đi nỗi sợ hãi mất đứa con trai duy nhất đang đi vào chiến trường. Nỗi lòng người mẹ với những phong thư nặng nỗi niềm gửi cho con trai, gửi luôn cả những khắc khoải, lo lắng buồn tủi. Bạn thân của Khoa, Thuận không thể đành lòng. Thuận chưa yêu ai, chưa vướng bận vợ con, nếu xung phong đi B trước, lỡ Thuận có hi sinh cũng nhẹ tênh, miễn là Khoa chậm lại một chút, đúc cho được đứa con để nếu anh có vào chiến trường, mẹ già ở nhà cũng vẫn có điểm tựa để hi vọng.
Vị đại đội trưởng đăm chiêu nghe Thuận trình bày. Ông lặng lẽ không nói gì thêm, mà báo cáo ngay lên Tiểu đoàn, Tiểu đoàn báo cáo lên Trung đoàn, rồi lên trên nữa hay không thì Thuận không rõ, nhưng đến trưa quyết định được đưa ra: Khoa ở lại học pháo binh, còn Thuận sẽ đi B. Như vậy, Khoa có thể tranh thủ chút ít thời gian về thăm vợ.
Mấy tháng sau, khi Khoa biết được tấm lòng của bạn thì Thuận đã vào chiến trường, cũng là lúc trong bụng vợ anh một sinh linh bé bỏng bắt đầu thành hình… Giữa đêm vắng, nhận được thư vợ báo tin vui, Khoa muốn gào lên thật to, chạy băng núi băng rừng đi tìm Thuận để bế bổng Thuận lên quay một vòng cho đến khi bạn chóng mặt thì thôi để cảm ơn bạn. Anh đâu biết, đêm ấy, đơn vị Thuận đang dừng chân ở một cánh rừng Tây Trường Sơn. Cây cối rụng lá, trơ trọi vì bị rải chất độc da cam… Cảnh tượng trông như ngày tận thế.
5. Tiếng gà eo óc gáy. Phượng vòng tay qua cổ chồng nói như van lơn:
- Anh phải nghe em, cố một lần thôi.
- Trời ơi… làm sao anh có thế ngủ với vợ bạn được? - Khoa nói như người hụt hơi.
- Anh phải giúp họ có một đứa con. Nếu như năm xưa, Thuận không xung phong thay anh đi B trước thì người bây giờ phải gánh bi kịch là anh, chứ đâu phải anh ấy… Và nhà mình chắc gì đã có thằng Công…
- Với lại em thương Loan lắm, nó là bạn thân em, em coi nó như chị em, thì lọt sàng xuống nia có gì đâu mà phải lăn tăn suy nghĩ.
Nói rồi giọng Phượng chợt chùng xuống, ngàn ngạt nước mắt
- Em thương vợ chồng nó quá. Cái Loan gầy xác, lúc nào cũng lủi thủi như người mất hồn. Có hôm đi họp trên xã cùng với em mà em hỏi nó mấy lần nó mới giật mình ngơ ngơ ngác ngác không hiểu em nói gì. Đàn bà không có con, như cái cây chết lụi trong đất anh ạ.
Tiếng Phượng nhỏ nhưng rất rõ. Như cứa vào tâm can Khoa. Hóa ra, việc khó nhất chưa hẳn đã là cầm súng bắn vào kẻ thù. Và hy sinh nhiều nhất chưa hẳn đã là những người đàn ông nơi chiến địa. Hòa bình rồi mà sao người ta vẫn khổ đến thế? Khoa đau đớn. Đến từng tế bào mà không thể thốt nên lời…
6. Nguyệt thực. Trăng đỏ bầm trên rặng tre. Thằng Công đã ngủ trên chõng. Phượng nằm nghiêng ôm lấy con, vật vã trằn trọc. Cô hết nằm lại ngồi, rồi lại ôm lấy thằng Công. Tự dưng nước mắt cô ở đâu chảy ra đầm đìa cả gương mặt. Có những cơn đau xé cứ thốc ngược vào lồng ngực Phượng. Ruột gan Phượng mỗi lúc một cồn cào. Những đêm trước, khi giục Khoa đến nhà vợ chồng Thuận và Loan, Phượng dù xót lòng nhưng không đến nỗi ruột gan có lửa như đêm nay. Đây là lần thứ 3 trong tuần, Phượng bắt chồng mình qua bên đó thêm lần nữa. Phượng nói với Khoa, phải đủ 3 lần thì mới chắc chắn cho Loan đậu thai. Thế mà bây giờ, đẩy chồng ra cửa rồi, Phượng lại như điên như dại.
Phượng để thằng Công ngủ trên chõng, cô chạy ào ra ngõ đi trong vô định. Vừa hết vụ chiêm, gốc rạ sắc như lưỡi lam cắn vào chân cô hàng ngàn vết cắt. Mặc, Phượng cứ thế lội qua hết thửa ruộng này sang thửa khác. Sông Phù Dung hiện ra trước mắt. Cũng đỏ tựa máu. Phượng ào xuống nước, bơi về phía cồn Ươi. Cái cồn nhỏ um tùm lau sậy giữa sông, nơi người làng vẫn đồn là chốn trú ngụ của những linh hồn người chết đuối. Ai trót dại đặt chân lên đấy, kiểu gì về nhà cũng sẽ bị thần kinh…
Không sao, đêm nay Phượng đang muốn được điên. Đêm nay cô phải điên. Để quên hết những gì đang diễn ra. Cầu mong những linh hồn chết oan sẽ giúp cô gột rửa hết những buồn đau ở chốn trần ai. Phượng lên cồn. Gió thổi u u, nghe như tiếng khóc nỉ non từ cõi hồng hoang vọng về. Cả một rừng lau phất phơ, ma quái nhảy múa dưới trăng. Phượng gào lên:
- Hãy bắt tôi đi… Các người hãy bắt tôi đi…
Đáp lại tiếng gọi của cô vẫn là gió. Vẫn ngàn lau dật dờ, rờn rợn. Vẫn ánh trăng màu máu rơi lả tả. Và vẫn tỉnh táo. Tỉnh như chưa bao giờ tỉnh. Phượng òa khóc. Tiếng khóc vỡ ra như đập nước. Cô ngồi thụp xuống cồn đất và cứ thế khóc như chưa bao giờ khóc…
…Lửa cháy rừng rực. Ống nứa nổ lép bép. Nước chảy ra từ những thanh củi tươi kêu xeo xéo. Thuận ngồi bên bếp, bất động. Lòng anh cũng đang có lửa. Lửa đốt tận tâm can, thiêu cháy từng tế bào, từng nơ ron thần kinh. Lửa trước mặt anh nhảy nhót trêu ngươi. Tự nhiên anh muốn nắm lấy nó, xé tan ra từng mảnh. Thuận vô thức thò tay vào bếp. Hỏa thần tham lam nuốt chửng lấy bàn tay. Bỏng rát. Nhưng Thuận không thấy nóng. Dù cho lửa đã thiêu lên da thịt khét lẹt. Chỉ đến khi tiếng thét như xé của Loan vang lên thì Thuận mới tỉnh lại, như kẻ vừa qua cơn mộng du. Anh quay lại. Loan đứng đó, ngay sau lưng anh, ánh mắt lộ vẻ bàng hoàng, đầy sợ hãi. Cô nhào tới ôm chầm lấy chồng. Họ òa khóc.
Đêm ấy, cả bốn người trong cuộc đều rơi nước mắt. Họ khóc vì thương những người còn lại trước khi buồn cho số phận ngang trái của mình…
Ánh trăng đêm vẫn đỏ bầm. Như máu.
Người già trong làng kể rằng cả đời họ chưa bao giờ được chứng kiến một đêm nguyệt thực lâu đến thế. Gần sáng, phía thượng nguồn sông Phù Dung có tiếng chim kêu rất lạ. Nghe kỹ, như tiếng trẻ con oe oe khóc chào đời…
7. Ông Thuận dừng kể. Ngoài trời, nắng đã bắt đầu xuyên qua làn sương dày đặc. Le lói.
Hoạt chết lặng trên chõng. Mãi sau, anh mới thu hết sức tàn lực kiệt, nặng nhọc cất tiếng hỏi:
- Thưa cha… có phải đêm ấy chính là đêm con được hoài thai?
Cha anh gật đầu. Mọi chuyện sau đấy thì Hoạt đã biết. Chín tháng sau, mẹ sinh anh rồi mất vì hậu sản. Từ đấy, hai cha con lầm lụi sống. Đến tận bây giờ vẫn thế… Vẫn lầm lụi lớn lên và già đi. Chỉ có nỗi đau là hằn thành những vết nhăn trên mặt cha. Sâu dần theo năm tháng. Như những vết chém.
- Thế hai người kia… họ ở đâu? Sao con không biết?
Hoạt hỏi mà không rõ mình có muốn một câu trả lời hay không. Ông Thuận lặng lẽ gắp thêm mấy viên than cho vào hỏa lò. Ông chu miệng thổi. Lửa bùng lên. Đỏ rực. Mắt ông ngân ngấn nước. Hoạt đoán không phải do khói…
- Một tuần trước khi con sinh ra, họ bỏ làng đi, không liên lạc, bặt tăm bặt tích. Bốn mươi năm nay, cha tìm kiếm vợ chồng bạn khắp nơi mà bóng chim tăm cá. Cha biết, Phượng và Khoa cắt đứt tất cả là muốn cho cuộc sống gia đình ta được bình thường… Lúc lâm chung, mẹ con cũng trăng trối dặn lại là cha phải tìm được vợ chồng bạn… Nhưng góc bể chân trời, sức người có hạn, cơm áo gạo tiền cứ ghì lấy chân mình, muốn đi mà bất lực…
Ông Thuận nghẹn lại, rồi đánh rơi một tiếng thở dài. Như tiếng nấc.
- Nhưng đêm trước, có người trở về - Ông Thuận lại cất giọng run run, lẫn trong tiếng thở là tiếng nghẹn của một cơn xúc động mạnh dâng lên.
Người đó là Phượng. …Phượng đứng giữa sân nhà ông Thuận, lẫn vào ánh trăng hạ tuần mờ ảo. Hư hư thực thực.
- Chúng tôi rời làng đi được hơn mười năm thì thằng Công sốt rét mất. Rừng xanh núi đỏ mà. Tôi còn mấy lần mang thai nhưng không đậu lần nào. Thành thử chỉ có hai thân già sống với nhau nơi đất khách quê người. Cũng định thế đến khi nhắm mắt xuôi tay - Phượng kể - Nhưng cách đây 3 tháng, ông ấy đi viện, bác sĩ chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối… Ông không nói ra, nhưng tôi biết ông muốn về quê, nhìn mặt thằng Hoạt một lần…
- Thôi, bà đừng kể nữa. Tôi hiểu rồi - Ông Thuận ôm chầm lấy người bạn cũ.
Họ khóc dưới trăng…
8. Lần đầu tiên Hoạt gặp cha đẻ cũng là lần cuối cùng họ thấy mặt nhau. Ông Khoa dồn hết sức tàn lực kiệt, xiết chặt lấy tay anh. Giọng ông thều thào:
- Cảm ơn con - Ông đưa đôi mắt lờ đờ nhìn về phía vợ mình và ông Thuận đang ngồi bất động ở bàn nước - Hãy lo cho họ, giúp ta…
Hoạt cắn chặt môi, gật đầu.
Ông Khoa nở một nụ cười nhẹ, mãn nguyện. Rồi ông nhắm mắt…
Đêm ấy, Hoạt ra sông Phù Dung. Loang loáng trăng. Hoạt nhảy ào xuống nước. Sông ôm chầm lấy anh. Vồ vập. Vật đổi sao dời, cồn Ươi bị dòng chảy xói mất. Tất cả đã lùi vào ký ức. Bốn mươi năm bãi bể nương dâu, đời người đằng đẵng nhưng với đời sông chỉ là chớp mắt. Hay đời sông là trầm tích của muôn vạn kiếp người, với những bồi lở, thác ghềnh trầm luân số phận ? Hoạt tự hỏi. Không có câu trả lời nào cho anh cả. Chỉ có tiếng sóng vẫn rì rầm như kể chuyện. Và sông vẫn nhẫn nại xuôi về với biển…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/doi-song-i722298/