Đời sống Chiều Đông
Chiều xuống nhanh. Mạ tôi sai: “Mấy đứa con nghỉ chơi ra đụn rơm lôi cho mạ đầy hai trác rơm hí!”. Lôi rơm là một công việc đơn giản nhưng hơi mệt bởi vì lôi từng nhúm rơm khô nhỏ, dận cho đầy hai cái trác đan bằng thép thì mỏi rã rời cả tay. Rơm khô ấm để lót cho mấy chú heo thêm bầy vịt, mà phải lót đến 2 lần từ khi trời vừa tối và trước khi chúng đi ngủ. Chỉ cần thả rơm xuống chuồng là mấy chú heo chui ngay vô lớp rơm và chịu nằm yên không kêu ồn ào nữa. Lũ vịt cũng vậy, ăn no rồi nhưng vẫn cứ làm rộn phải đến khi có rơm khô chúng mới chịu đi ngủ…
Mùa đông về, lũy tre hai bên nhà tôi khi mô cũng có vài con là lũ cò, vạc, diệc, đòm đòm, ngỗng trời... về đậu. Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống thì những đàn chim di trú cũng bay về ngụ lại trên cánh đồng quê. Chúng bay từng đàn trên bầu trời nhìn rất đẹp mắt và chúng tôi thường gọi đó là đàn chim đi học về. Lũ chim di trú cứ vô tư sà xuống những đám ruộng vừa mới gặt xong đầy nước mát. Chúng kiếm ăn và làm bầu bạn với bờ đê, với trâu bò, với lũ vịt chạy đồng và với cả con người vào ban ngày và cứ đêm thì bay vô làng tìm những rặng cây để ngủ. Chim di trú bay đến rồi bay đi. Hầu như chúng không sinh sản bao giờ cho dù thời gian chúng trú ngụ cũng dài từ cuối thu sang cuối đông.
Hồi trước, trong những loài chim di trú tôi thích nhất vẫn là loài chim “bay trắng đậu đà”. Không biết ai đặt cho nó cái tên “bay trắng đậu đà” thật ấn tượng nhưng cũng rất chân thực bởi loài chim này phần dưới cánh lông có màu trắng, phần trên cánh lông lại màu đà. Khi chúng bay lên nhìn trắng như cò nhưng khi đậu xuống đất thì chúng có màu đà… Sau này mới biết đó chính là loài chim vạc.
Ở làng tôi, hồi trước không ai săn bắt và ăn thịt chim di trú. Khi lúa mới cấy xuống, thân cây còn non, nông dân làm những con bù nhìn để đuổi chim. Thực ra, những loài chim này cũng chẳng phá phách chi nhiều lắm, chúng chỉ đi kiếm ăn và vô tình đạp cây lúa non mà thôi. Tôi có nghe một câu chuyện thật xúc động về đàn chim thiên di từ phương Bắc về phương Nam tránh rét. Chuyện kể rằng, nếu như trong đàn ngỗng trời có một con bị thương hoặc bị bệnh không thể tiếp tục bay đi cùng đàn thì sẽ có hai con bay lùi lại cùng con chim đồng loại. Chúng sẽ chăm sóc cho bạn mình đến khi con ngỗng lấy lại sức để cùng bay tiếp; hoặc có khi con ngỗng bị thương không qua khỏi thì hai con ngỗng kia mới ngậm ngùi nhập vào một đàn ngỗng trời khác để tiếp tục hành trình của mình…
Có những buổi chiều mùa đông, từng đàn ngỗng trời bay qua cánh đồng làng tôi, chúng vừa bay vừa kêu náo động cả một vùng trời nhưng hiếm hoi lắm mới có đàn ngỗng trời sà xuống dừng chân. Thỉnh thoảng, thấy mấy con ngỗng trời lạc đàn làm tôi nhớ câu chuyện xúc động đã được nghe...
Những con chim trời bay về đậu trên lũy tre nhà tôi co ro, ngơ ngác rỉa lông và thỉnh thoảng kêu lên một tiếng. Anh em tôi vẫn thường lo cho mấy con chim này nhất là những đêm vừa lạnh vừa mưa. Nhưng có lẽ chúng đã quá quen với cái lạnh từ phương Bắc nên tá túc trong mấy rặng tre đã là ấm áp với chúng. Sáng mai ra, lũ chim trời không còn trên lũy tre nữa, chúng còn dậy sớm ra đồng trước cả người...
Có những ngày lạnh quá, buổi chiều ba nhen một bếp lửa ngay giữa nhà để cả nhà quây quần ăn cơm tối bên bếp. Nếu nhà còn khoai lang củ trữ dưới chân giường thì mấy anh em lôi khoai ra lùi vô bếp lửa để ăn khuya. Mà mỗi lần như rứa thì cả nhà đều thức khuya bởi chẳng ai muốn rời bếp lửa. Không còn nhớ anh em tôi nói chuyện chi bên bếp, chỉ nhớ là khi chiếc loa đầu xóm hết phát mấy chương trình trên đài là mạ giục mấy đứa con đi ngủ để mai còn dậy sớm đi học...
Đến một ngày, cái đụn rơm nhà tôi đã hao mấy phần dưới chân. Có chỗ dễ lôi là hỏm vô một lỗ to như một cái hầm. Chỗ bếp củi giữa nhà đất sét cũng chuyển màu hồng như gạch và lũ chim trời thì cũng bay đi không về trú ngụ nơi lũy tre bên nhà. Vậy là một mùa đông nữa đã qua...
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chieu-dong-a121036.html