Đời sống ở làng đảo biệt lập giữa trùng khơi
Làng đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm biệt lập giữa trùng khơi. Làng như một dấu chấm giữa mênh mông biển cả.
Thôn đảo Điệp Sơn được các cư dân gọi thân thương là làng đảo Điệp Sơn. Từ xa xưa, thôn đảo với hàng trăm hộ dân hầu hết đều nghèo khó. Đời sống chủ yếu mưu sinh bằng bằng nghề đánh bắt hải sản, mò hái rong biển kiếm những đồng tiền ít ỏi. Vì cách trở đất liền nên việc đi lại, học hành của trẻ em khó khăn, vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng còn nhiều hạn chế.
Thế nhưng những năm gần đây, làng đảo được xây dựng điểm trường kiên cố, trẻ em được vận động đến lớp đầy đủ. Phân trạm y tế xã cũng được xây dựng khang trang trên làng đảo. Hễ ai có bệnh là được chăm sóc kịp thời ngay. Những căn bệnh nặng thì được gửi tàu/thuyền/ca nô chuyển vào đất liền.
Đặc biệt, với cuộc sống yên bình cộng với khung cảnh đẹp nên thơ, làng đảo Điệp Sơn ngày càng thu hút đông đảo khách đến thăm quan, du lịch. Một số người còn đến làng đảo để nhặt rác, bỏ tiền thuê người dọn vệ sinh và tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ cho người dân đảo.
Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Trưởng thôn Điệp Sơn (Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) chia sẻ: "Khách đến làng đảo rất thích không khí ở đây. Tuy nhiên mỗi lần nước biển dâng lên rồi rút xuống để lại những khối rác khổng lồ quanh làng. Vì sự mến thương với làng đảo mà bà Đào Thị Long đã bỏ tiền và công sức ra thuê người nhặt rác cho làng đảo. Thế nên môi trường quanh làng mới bớt ô nhiễm, đời sống bớt bệnh tật. Hộ nghèo ở làng cũng giảm dần, đã có nước ngọt và điện thắp sáng".
Đến làng đảo Điệp Sơn thăm rồi nặng lòng trăn trở, dốc hết tâm sức nhặt rác cho làng đảo, bà Đào Thị Long cũng vui mừng thổ lộ: "Chỉ mong đời sống bà con ngày càng được nâng cao lên, giờ bớt ám ảnh bệnh tật rồi vì có phân trạm y tế. Hơn nữa thỉnh thoảng chúng tôi lại tổ chức các chương trình như múa lân; lễ mừng thọ… cho người cao tuổi trong làng. Từ đó tạo thêm món ăn tinh thần đặc sắc cho người ở làng đảo giữa mênh mông sóng nước này".
Dưới đây là chùm ảnh về đời sống dần khởi sắc của làng đảo Điệp Sơn:
Hà Văn Đạo