Đổi thay Mường Chiên

Về xã Mường Chiên mùa này, những thửa ruộng bậc thang đầy ắp nước chồng lên nhau thành từng lớp lung linh và quyến rũ, kéo dài từ lòng hồ sông Đà lên các khu dân cư; những triền đồi được phủ xanh bởi các loại cây ăn quả; những ngôi nhà xây kiên cố, đường giao thông nông thôn sạch đẹp, tạo nên diện mạo nông thôn mới Mường Chiên.

Nhiều tuyến đường nội bản xã Mường Chiên được bê tông hóa.

Nhiều tuyến đường nội bản xã Mường Chiên được bê tông hóa.

Đón chúng tôi tại trụ sở, ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Xã Mường Chiên được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Mường Chiên, Chiềng Khay và Cà Nàng. Thời điểm này, cùng với ổn định tổ chức bộ máy, xã đang tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng cũng như tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, để có giải pháp cụ thể. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, bao tiêu sản phẩm. Phối hợp tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập các mô hình trồng cây ăn quả tại các địa phương. Đến nay, toàn xã có 6 HTX, với hơn 50 thành viên; ngoài tạo việc làm cho thành viên, các HTX còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, trang phục dân tộc, các phong tục tập quán tốt đẹp, nghề thêu thổ cẩm, mây tre đan; khu suối nước nóng ở bản Bon, để phát triển du lịch cộng đồng.

Trở lại bản Phiêng Bay, những nương đồi trồng ngô, sắn trước đây đã được thay thế bằng các loại cây ăn quả và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Thăm mô hình trồng dược liệu và cây ăn quả của gia đình ông Tẩn Văn Pặt, bản Phiêng Bay, một trong những hộ tiên phong trong chuyển đổi cây trồng, mang lại thu nhập cao, Ông Pặt chia sẻ: Năm 2019, gia đình chuyển đổi dần diện tích trồng ngô sang trồng quế, mắc ca, xoài Đài Loan. Đến nay, gia đình có 4 ha xoài Đài Loan, cây mắc ca; 4 ha cây quế và trồng 1 ha cây sa nhân dưới tán rừng. Thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/năm.

Thành viên HTX Nhân Thuận, xã Mường Chiên, kiểm tra diện tích cây dược liệu.

Thành viên HTX Nhân Thuận, xã Mường Chiên, kiểm tra diện tích cây dược liệu.

Từ hiệu quả mô hình kinh tế của ông Pặt, nhiều hộ của bản Phiêng Bay đã làm theo. Hiện nay, bà con trong bản trồng, chăm sóc 5 ha cây ăn quả; 100 ha quế; 8 ha mắc ca; thâm canh gần 40 ha ruộng nước 2 vụ; hơn 90 ha ngô, sắn cao sản; nuôi gần 1.000 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm... Cả bản có 212 hộ thì chỉ còn 10 hộ nghèo.

Còn tại bản Pạ Lò, sau khi đi tham quan tại một số tỉnh và khảo sát nhu cầu thị trường cây dược liệu, năm 2022, ông Lò Văn Châư đã vận động 11 hộ thành lập HTX Nhân Thuận chuyên trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với quy mô ban đầu từ 3 ha. Đến nay, HTX có khoảng 60 ha cây thiên niên kiện trồng dưới tán rừng, trong đó, 7 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 30 tấn củ tươi/ha, giá bán 4.500 đồng/kg; sau trừ chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha.

Ông Lò Văn Châư, Giám đốc HTX Nhân Thuận, cho biết: Chi phí ban đầu trồng 1 ha thiên niên kiện khoảng 50 triệu đồng. Sau 3 năm trồng, bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 15-20 năm. Hiện nay, HTX đang trồng thử nghiệm 2 ha cây cà phê, cây sinh trưởng phát triển tốt. Thời gian tới, HTX mong muốn được tiếp cận nguồn vay ưu đãi mở rộng quy mô trồng dược liệu; quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho các thành viên và nhân dân tham gia mô hình.

Nông dân xã Mường Chiên trao đổi kinh nghiệm nuôi gia súc.

Nông dân xã Mường Chiên trao đổi kinh nghiệm nuôi gia súc.

Với bàn tay cần cù và tư duy đổi mới, nhân dân Mường Chiên đã và đang khai thác lợi thế phát triển kinh tế. Toàn xã hiện gieo trồng hơn 2.000 ha cây lương thực có hạt; gần 500 ha cây ăn quả, mắc ca, cà phê; quản lý, bảo vệ hơn 12.000 ha rừng, gần 300 ha cây quế; khai thác gần 50 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển nghề nuôi cá lồng; nuôi 122.240 con gia súc, gia cầm. Thu nhập bình quân của xã đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10%.

Thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương mới, với không gian phát triển mở rộng, tin rằng Mường Chiên sẽ đánh thức các tiềm năng, lợi thế, có nhiều bứt phá mạnh mẽ hơn, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Bài, ảnh: Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/doi-thay-muong-chien-LK7OANUHg.html