Khi dữ liệu kết nối, người dân không còn phải 'đem giấy tờ đi khắp nơi'

Việc giải quyết thủ tục hành chính đang dần bước vào kỷ nguyên mới khi dữ liệu được kết nối thông suốt giữa các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương. Người dân không còn phải lo lắng về việc cung cấp giấy tờ trùng lặp, làm tăng hiệu quả và giảm phiền hà trong các giao dịch hành chính.

Hành trình này vẫn còn nhiều thử thách, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm từ cả hệ thống chính quyền, đặc biệt là tại Hà Nội - nơi tiên phong trong chuyển đổi số.

Người dân làm TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Người dân làm TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Liên thông dữ liệu toàn quốc: Quyết liệt để vượt qua rào cản

Trong những năm gần đây, việc liên thông, tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước được xác định là trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tính đến hết tháng 6/2025, nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia đã ghi nhận 630 triệu giao dịch, đạt 73% kế hoạch năm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3,6 triệu giao dịch dữ liệu số được thực hiện, phản ánh sự chuyển động mạnh mẽ của hệ thống hành chính công. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt 39,51% tính đến tháng 6/2025, trong đó khối bộ đạt 51,19%, khối tỉnh đạt 15,21%.

Đặc biệt, Bộ KH&CN đã cấp phép cho 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, với 20 triệu chứng thư đã được cấp, nâng tỷ lệ dân số trưởng thành sở hữu chữ ký số hoặc điện tử cá nhân lên 35,48%. Đây là nền tảng quan trọng để giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, hướng tới môi trường hành chính số hóa toàn diện.

Đáng chú ý là sự quyết liệt của các bộ, ngành trong việc rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long khẳng định, Bộ KH&CN sẽ kiên quyết không để tái diễn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp với dữ liệu đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, hộ tịch, đất đai, bảo hiểm. Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các địa phương để điện tử hóa toàn bộ quy trình TTHC, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung, đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/1/2026.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long khẳng định sẽ kiên quyết không để tái diễn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long khẳng định sẽ kiên quyết không để tái diễn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp.

bên cạnh những thành quả rõ rệt, vẫn còn nhiều rào cản lớn. Chất lượng các hệ thống dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu: kết quả công bố tháng 7/2024 cho thấy 62% hệ thống ở mức C, 24% mức D, 14% mức E và không có hệ thống nào đạt mức A hoặc B. Đến nay, chưa có hệ thống nào được cải thiện so với năm trước. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình cả nước mới đạt gần 40%, còn cách xa mục tiêu 80% vào cuối năm 2025.

Một thách thức lớn khác là tốc độ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn khả năng điều chỉnh của chính sách, dẫn tới nhiều quy định, thể chế chưa theo kịp thực tiễn. Việc yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp vẫn xuất hiện ở một số nơi do dữ liệu chưa đồng bộ, quy trình chưa được chuẩn hóa hoặc cán bộ chưa nắm vững quy định mới…

Để khắc phục, Bộ KH&CN đã đề ra các giải pháp mạnh mẽ: hoàn thiện thể chế, chuẩn hóa quy trình, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, việc tái cấu trúc thành phần hồ sơ sẽ được hoàn thành trước ngày 20/7/2025, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng phục vụ.

Hà Nội: Chủ động liên thông, tiên phong nhưng chưa hết vướng mắc

Không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, Hà Nội còn là địa phương đi đầu trong triển khai liên thông dữ liệu và xây dựng chính quyền số. Phát biểu tại sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Hà Nội xác định liên thông dữ liệu là nhiệm vụ then chốt, là "chìa khóa" để bộ máy vận hành thông suốt, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội xác định liên thông dữ liệu là nhiệm vụ then chốt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội xác định liên thông dữ liệu là nhiệm vụ then chốt.

Ngay từ khi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành, Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, vừa làm vừa hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu. Thành phố được giao 58 nhiệm vụ tại Nghị quyết số 71 của Chính phủ, đến nay đã hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ còn lại vẫn bám sát tiến độ.

Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong liên thông dữ liệu. Lần đầu tiên tích hợp thành công 4 thủ tục hành chính của Đảng lên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối trực tiếp với dữ liệu dân cư. Hệ thống giải quyết TTHC được đồng bộ, kết nối toàn diện với các nền tảng lớn như Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu dân cư và các hệ thống chuyên ngành.

Mô hình quản lý tập trung - tích hợp đa tầng được triển khai, với Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố làm đầu mối kết nối dữ liệu từ Thành phố tới toàn bộ 126 xã, phường. 100% xã, phường đã xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số, tạo nền tảng cho triển khai đồng bộ hệ thống văn bản điều hành số Đảng - Chính quyền - Mặt trận.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) hoạt động ổn định, kết nối thành công với 28 danh mục dữ liệu quốc gia, 8 hệ thống chuyên ngành, với lưu lượng 60.000 - 70.000 lượt kết nối/ngày. Hệ thống hỗ trợ kỹ thuật 24/7, Tổng đài 1022 tiếp nhận hơn 6.000 cuộc gọi hỗ trợ chỉ trong 10 ngày, tỷ lệ xử lý thành công đạt 98,7%. Hoàn thành đồng bộ 126 trang thông tin điện tử cấp xã, khởi tạo gần 13.000 tài khoản người dùng, hoàn thiện danh mục mã định danh và điều chỉnh thông tin cho gần 10.000 hòm thư điện tử công vụ.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.

Song, bên cạnh thành tựu, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức. Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu, kết nối hệ thống thông tin giữa các cấp vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Một số TTHC vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp lại giấy tờ đã có trong dữ liệu quốc gia, do hệ thống chưa đồng bộ hoặc cán bộ chưa nắm vững quy trình mới.

Từ thực tiễn triển khai, Hà Nội rút ra các bài học kinh nghiệm lớn, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; quyết liệt về hành động; tái cấu trúc toàn diện hệ thống dữ liệu và quy trình vận hành; hoàn thiện hạ tầng chia sẻ dữ liệu theo hướng mở, lấy dữ liệu làm trung tâm; hỗ trợ kỹ thuật tận cơ sở; và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW, Hà Nội cũng đã có những kiến nghị tới Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên thông dữ liệu, ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn mô hình chuẩn để các địa phương, nhất là Hà Nội, tiếp tục tiên phong trong quản lý dữ liệu và chính quyền số.

Liên thông dữ liệu trong giải quyết TTHC là chìa khóa để loại bỏ tình trạng yêu cầu giấy tờ trùng lặp, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Dù đã đạt nhiều thành tựu, cả Trung ương và Hà Nội vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đồng bộ hạ tầng, nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường giám sát thực thi để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.

Tuệ Anh - Ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-du-lieu-ket-noi-nguoi-dan-khong-con-phai-dem-giay-to-di-khap-noi.770608.html