Đổi thay Nậm Lạnh

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi về xã vùng III biên giới Nậm Lạnh (Sốp Cộp), cảm nhận về nơi đây đang có sự đổi thay nhanh chóng. Tuyến đường đất 10 km gồ ghề từ trung tâm huyện về xã nay đã được rải nhựa; những nương lúa, ngô, sắn đang dần được thay thế bằng các loại cây ăn quả. Trụ sở xã, trạm y tế, trường học và nhiều công trình được xây dựng khang trang; đường nội bản được bê tông hóa.

Mô hình nuôi bò của HTX Pu Ngua, bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh.

Mô hình nuôi bò của HTX Pu Ngua, bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh.

Ông Vì Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Xã có 8,5 km đường biên giới với nước bạn Lào; gồm 11 bản, với 831 hộ, 3.924 khẩu, có 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Sau nhiều năm vận động, bà con đã thay đổi tư duy chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô, sắn sang trồng cây ăn quả; đặc biệt là phát triển trồng cây ăn quả có múi.

Bên cạnh đó, xã còn chú trọng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế trang trại; nhất là trong chăn nuôi, thành lập 2 HTX. Đồng thời, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Điểm nhấn trong xây dựng giống quýt chum trở thành thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, xã đã tổ chức Hội thảo “Phát triển, tiêu thụ sản phẩm quýt chum” giai đoạn 2020-2025, để tìm các giải pháp, kỹ thuật, cải tạo nhân giống, nhân rộng diện tích; liên kết tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu thụ sản phẩm. Toàn xã hiện có khoảng 3 ha quýt chum; trong đó, có 2 ha đã cho thu hoạch, tập trung tại các bản: Púng Tòng, Bánh Han, Bản Phổng, Bản Lạnh, Bản Cang, Lọng Tòng... năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha; phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích quýt chum đạt 6 ha.

Ông Lò Văn Sơn, bản Phổng, là một trong nhiều hộ dân có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả có múi. Ông chia sẻ: Năm 2007, thấy cam, quýt được giá, gia đình tôi đã trồng 400 cây cam và 300 cây quýt chum. Từ đó đến nay, năm nào cũng cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Ngoài ra, được xã hỗ trợ xây dựng thương hiệu quýt chum Nậm Lạnh, gia đình tôi đã chuyển đổi trên 2.000 m² đất trồng sắn sang trồng thêm 140 cây quýt chum theo tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Tổng diện tích gieo trồng hằng năm của bà con đạt trên 1.000 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1.600 tấn. Chăn nuôi được chú trọng phát triển, với gần 4.000 con gia súc, gần 25.000 con gia cầm. Từ các nguồn vốn chương trình 135, 30a, Chương trình nông thôn mới, xã đã tập trung xây dựng trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, với tổng vốn trong 5 năm qua đạt gần 168 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 6/11 bản hoàn thành đổ bê tông đường nội bản, với tổng chiều dài gần 2,3 km; tu sửa, nâng cấp 7 tuyến đường liên bản, liên xã, với tổng số tiền trên 90 tỷ đồng; nâng cấp, làm mới 9 cầu treo, 2 cầu cứng, 1 cầu tràn, với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng; kiên cố hóa gần 14 km mương nội đồng, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ vay vốn phát triển sản xuất, hiện tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Hiện 10/11 bản có nhà văn hóa kiên cố; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo còn 38%...

Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Nậm Lạnh đang nỗ lực vươn lên, quyết tâm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tăng cường cơ sở vật chất, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-thay-nam-lanh-40157