Đổi thay ngoạn mục nơi vùng nông thôn mới Quỳnh Lưu
20h hôm nay (25/3) huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Niềm vui đến sau bao tháng ngày bền bỉ, nỗ lực vượt khó, với những cái 'nắm tay' siết chặt giữa chính quyền và người dân.
Ngày 20/5/2022, Chính phủ có Quyết định số 624/QĐ-TTg, công nhận huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
"Tin vui lớn ập đến, vỡ òa. Bao ngày dài gian nan, nỗ lực tìm lối đi riêng của chính quyền và người dân Quỳnh Lưu, giờ đổi lại nụ cười, niềm hạnh phúc" - Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu, ông Hoàng Danh Lai xúc động.
Quỳnh Lưu, vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, hiếu học, được ví như hình ảnh "Nghệ An thu nhỏ". Thiên nhiên ưu đãi xứ Quỳnh đồng bằng phì nhiêu, trung du bán sơn địa, đồi núi lẫn sông hồ, biển cả. Bờ biển Quỳnh Lưu dài gần 20 km, với vô số những bãi tắm đẹp, nguyên sơ. Từ lịch sử đến hiện tại, sức sống vùng đất khoa bảng như những cánh buồm no gió, sức sống căng tràn, qua phong ba bão táp vẫn mải miết vươn cánh vượt trùng khơi.
Từ nơi ngút ngàn con sóng nối tiếp nhau cuộn vỗ vào bờ tại bãi biển du lịch nức tiếng Quỳnh Phương, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chưa xa: "Những năm 2010 trở về trước, Quỳnh Lưu chỉ là huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng, giao thông phát triển chậm. Chính điều này là nguyên nhân cơ bản kìm hãm tốc độ phát triển của địa phương"
Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện thời điểm này còn tới 15,3%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,8 triệu đồng. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, dân sinh xuống cấp. Năm 2011, ngó nhìn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới được Chính phủ ban hành, thấy bình quân chung các xã mới chỉ đạt được 7/19 tiêu chí; chưa có tiêu chí cấp huyện nào đạt chuẩn.
Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Lưu được ban hành ngay sau đó như thổi làn gió lành mát rượi vào vùng đất khoa bảng nức tiếng nhưng tốc độ phát triển vẫn chưa thực sự như kỳ vọng.
"Không chút đắn đo, thần tốc nắm bắt lấy thời cơ, Đảng bộ, Chính quyền huyện xác định sự sống còn phải dựa vào thế mạnh vùng miền để tạo ra khác biệt, đa dạng trong xây dựng NTM. Khác biệt sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn, tạo thu hút từ đời sống nông thôn, để Quỳnh Lưu, không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt, mà còn lưu giữ được những di sản, nét đẹp văn hóa đặc trưng" - ông Lai nở nụ cười.
Một trong những vấn đề then chốt được Đảng bộ, Chính quyền huyện Quỳnh Lưu quan tâm là xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ huyện đến cơ sở, chú trọng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu.
Công tác dân vận, thuyết phục đoàn viên, hội viên, nhân dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cùng hành động và nỗ lực trong xây dựng Nông thôn mới cũng được chú trọng. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại không còn, thay vào đó là tư tưởng nhà nước và nhân dân cùng làm, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng... Phong trào xây dựng nông thôn mới từ đó được người dân hưởng ứng, vào cuộc nhiệt tình. Nhiều nơi, xây dựng nông thôn mới với người dân đã trở thành khát vọng.
10 năm sau ngày triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, toàn huyện huy động được tổng nguồn lực trên 19.200 tỷ, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội, phát triển sản xuất.
"Quan trọng là phải xác định rõ mục tiêu trong phong trào xây dựng NTM, với mấu chốt là chiến lược quy hoạch phải ở tầm vĩ mô, làm cách nào nhanh chóng thay đổi đời sống của người dân" - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai nói.
Với cách làm đó, quả ngọt đến như lẽ đương nhiên sau những tháng ngày bền bỉ, nỗ lực vượt khó. Quỳnh Lưu dần trở thành vùng kinh tế tổng hợp, trọng điểm phía Bắc Nghệ An, cùng với Hoàng Mai, trở thành cực tăng trưởng quan trọng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.
Chỉ riêng giai đoạn 2010 - 2022, hơn 1.100km đường nhựa, đường bê tông đã được đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp đạt chuẩn. Đường cao tốc Bắc - Nam, đường quốc lộ ven biển... được tập trung giải phóng mặt bằng kịp thời.
Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu, chủ động phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai. Điển hình như dự án nâng cấp đê sông Thái, sông mơ; Khu tránh trú bão Lạch Quèn, Lạch Thơi; hệ thống tưới, tiêu vùng màu huyện Quỳnh Lưu. Xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP...
10 năm có lẻ, Quỳnh Lưu thu hút tới 192 dự án đầu tư ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký hơn 14.700 tỷ đồng. Bên cạnh duy trì và phát huy các ngành nghề truyền thống, địa phương chủ trương du nhập thêm nghề mới, đem lại lợi ích kinh tế cho nhân dân.
Đến nay, toàn huyện có 40 làng nghề đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, với 29 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao.
Là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, Quỳnh Lưu luôn chú trọng quan tâm, đầu tư cho hoạt động giáo dục.
Từ 2010 đến nay, hơn 2.300 phòng học đã được xây dựng mới và sửa chữa. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72%. Về chất lượng giáo dục, Quỳnh Lưu là một trong những đơn vị thuộc tốp đầu của tỉnh.
Thiên nhiên ưu đãi đất Quỳnh Lưu đồng bằng phì nhiêu, trung du bán sơn địa, đồi núi lẫn sông hồ, biển cả. Bờ biển Quỳnh Lưu dài gần 20 km với nhiều bãi tắm đẹp như Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa. Nhiều bãi biển hoang sơ, thơ mộng như Quỳnh Long, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh; nguồn thủy, hải sản phong phú...
Quỳnh Lưu hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch, nhất là du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng gắn với du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái.
Là mảnh đất có lịch sử văn hóa lâu đời, Quỳnh Lưu có nhiều lễ hội dân gian truyền thống nổi tiếng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như lễ Kỳ phúc (Quỳnh Đôi), lễ Cầu ngư (Sơn Hải, Tiến Thủy), Lễ hội Đền Thượng (Quỳnh Nghĩa), đua thuyền thúng (Quỳnh Long), ngày hội văn hóa dân tộc thiểu số (Quỳnh Thắng, Tân Thắng)...
Ngoài ra, các làng nghề truyền thống lâu đời như nghề trồng rau sạch (Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng), trồng hoa cây cảnh, nghề mộc (Quỳnh Hồng), nghề hương trầm (Quỳnh Đôi), nghề mộc (Quỳnh Hưng), nghề làm muối ở các xã ven biển với các sản phẩm đa dạng, độc đáo cũng là điểm nhấn của vùng đất này.
Thiên nhiên tươi đẹp, con người hồn hậu, nghĩa tình. Dân bản địa làm du lịch ở Quỳnh Lưu không xô bồ như những điểm du lịch biển khác. Biển Quỳnh là thiên đường cho những du khách say mê cảnh sắc thơ mộng, hoang sơ, với hệ thống thạch đá, hang động kỳ thú.
Đến Quỳnh Lưu du khách được khám phá các làng nghề truyền thống đa dạng, khu nuôi trồng thủy sản, những cánh đồng rau sạch VietGap, sự mặn mòi riêng có của các làng nghề, thưởng thức nét ẩm thực đặc trưng, ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp trên biển. Cùng với đó, nguồn thủy, hải sản phong phú, tươi ngon bậc nhất Xứ Nghệ cũng là điều níu chân du khách gần xa.
Ngày 29/4/2022, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 1168/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng xây dựng Quỳnh Lưu trở thành vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An, cực tăng trưởng quan trọng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.
Theo đó, huyện Quỳnh Lưu sẽ phát triển với các đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch biển và sinh thái, khai thác chế biến thủy hải sản, nông lâm nghiệp... Khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng. Đến năm 2050, Quỳnh Lưu sẽ có 6 đô thị, 4 khu công nghiệp, các điểm tham quan du lịch.
Thời điểm hiện tại, huyện Quỳnh Lưu có 32/32 xã (100%) đạt chuẩn NTM. Trong đó 3 xã Quỳnh Lương, Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Huyện đạt 9/9 (100%) tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 có 15 - 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.