Đổi thay nông thôn mới Nghĩa Tâm
Phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương như trồng rừng và cây ăn quả, nhiều năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn ở Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn ngày càng đổi thay rõ nét.
>> Chuyện giải phóng mặt bằng "0 đồng” ở Nghĩa Tâm
Có mặt tại thôn Nghĩa Lập Cọ khi hàng chục hộ dân trong thôn đang khẩn trương thu hoạch cam. Khác với các xã lân cận khác như thị trấn Nông trường Trần Phú, Minh An, người trồng cam ở Nghĩa Tâm rất phấn khởi khi một mùa cam nữa bội thu.
Trước đây, anh Phan Văn Huân - thôn Nghĩa Lập Cọ trồng trên 3h chè, hàng năm thu hoạch bấp bênh, nhưng từ khi chuyển sang trồng cam thì đời sống của gia đình anh trở nên khá giả. "Thấy cây cam ở vùng đất này ngày càng được thị trường ưa chuộng, từ năm 2013, gia đình mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích chè bị cằn cỗi, thoái hóa, cho thu nhập thấp sang trồng cam. Cứ như vậy, đến nay gia đình có trên 3 ha cam, trên 1.000 gốc chủ yếu cam Vinh, cam sen, cam sành, mỗi năm xuất ra thị trường trên 15 tấn, cho thu nhập hơn 200 - 250 triệu đồng”, anh Huân cho biết.
Cũng như anh Huân, gia đình các ông: Nguyễn Đức Thái, Đào Ngọc Thanh, Đào Ngọc Tùng... cùng thôn Nghĩa Lập Cọ đang huy động tối đa nhân lực thu hoạch cam, khi có nhiều đoàn xe của các thương lái đến từ Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, ... nối đuôi nhau vào làng mua cam tại vườn.
"Nhà tôi hiện trồng hơn 2.000 gốc cam và 200 gốc chanh, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam phát triển tốt và sai trái. Ước tính năm nay gia đình thu hoạch khoảng 16 tấn. Nhờ cây này mà không chỉ tôi mà nhiều gia đình trong thôn đã bứt phá làm giàu”, ông Đào Ngọc Tùng chia sẻ.
Đến nay, Nghĩa Tâm có 250 ha cam; năm 2023, tổng sản lượng ước đạt 1.500 tấn quả.
Xác định cam là cây mũi nhọn trong việc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững, những năm qua, bên cạnh duy trì số diện tích cam hiện có, hàng năm xã chỉ đạo người dân chuyển một số diện tích chè già cỗi cho năng suất thấp, chất lượng kém sang trồng cam. Đến nay, Nghĩa Tâm đã có 250 ha cam với các giống: Đường canh, cam Vinh, cam sành, cam Sen... Tổng sản lượng năm 2023 toàn xã ước đạt 1.500 tấn, giá bán trung bình từ 10 - 15 ngàn đồng/kg, cho thu nhập trong dân từ 15 đến 20 tỷ đồng.
Cùng với cây cam, thời gian qua, người dân Nghĩa Tâm còn tập trung trồng rừng kinh tế, cũng cho hiệu quả cao. Ông Hoàng Kim Chình ở thôn Đuông cho biết: "Trước đây có đất rừng, nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất. Khi xã tuyên truyền nhân dân nên trồng rừng, gia đình tôi đã vay vốn đầu tư trồng rừng. Cứ như vậy, đến nay, gia đình có trên 20 ha rừng trồng, kết hợp với nuôi cá, chăn nuôi mỗi năm cũng thu về trên 400 triệu đồng".
Không riêng ông Chình mà nhiều gia đình các ông: Nguyễn Văn Diến, thôn Tiên Đồng; Đào Ngọc Tuấn, thôn Nghĩa Lập Cọ; Hoàng Văn Son, thôn Đuông; Hoàng Văn Linh, thôn Phào...và nhiều hộ dân khác ở Nghĩa Tâm hiểu rõ hiệu quả từ trồng rừng kinh tế nên hàng năm sau khi thu hoạch làm đất đều chuẩn bị cây giống, phân bón trồng rừng.
Hiện, Nghĩa Tâm có trên 1.400 ha rừng trồng, chủ yếu là bồ đề, keo, mỡ và quế. Hàng năm, toàn xã khai thác khoảng 200 ha, sản lượng gỗ đạt trên 2.000m3, người trồng rừng thu về trên 24 tỷ đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Trường cho biết: "Luôn xác định rừng có tầm quan trọng về kinh tế và bảo vệ nguồn nước, hàng năm, xã vận động người dân tập trung trồng rừng, nhất là chuyển số diện tích chè già cỗi ở những nương đồi cao kém hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp. Nhờ vậy, tỷ lệ rừng che phủ của xã đã đạt trên 75%”.
Về Nghĩa Tâm hôm nay, tôi không chỉ được biết đến câu chuyện "0 đồng” trong giải phóng mặt bằng của trên 700 hộ để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường Nghĩa Tâm nối với xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ với chiều trên 12 km mà còn biết đến với những chủ trương đúng, cách làm hay trong vận động người dân biết phát huy nội lực, phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương để thuc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Diện mạo nông thôn mới ở Nghĩa Tâm đang từng ngày đổi thay rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông nghiệp chuyển sang phát triển hàng hóa quy mô vừa và nhỏ từng bước đã hình thành. 100% đường ở khu trung tâm xã đều được rải thảm, 14/14 thôn, bản đều có đường bê tông hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 8%; toàn xã có 7 xưởng gỗ chế biến ván bóc, trên 40 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm, chú trọng... Đó là những dấu ấn, tiền đề quan trọng để Nghĩa Tâm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/301816/doi-thay-nong-thon-moi-nghia-tam.aspx