Đổi thay ở ngôi trường vùng xa

Theo dòng thời gian và sự phát triển của địa phương, Trường tiểu học Trần Quốc Toản của nhiều thế hệ con em xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) cũng ngày càng khang trang, hiện đại.

Nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản Trương Sỹ Hoàng khoe bức ảnh Trường Trần Quốc Toản (cơ sở Thọ Phước, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) được xây dựng từ những năm 2000. Ảnh: Đ.Phú

Nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản Trương Sỹ Hoàng khoe bức ảnh Trường Trần Quốc Toản (cơ sở Thọ Phước, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) được xây dựng từ những năm 2000. Ảnh: Đ.Phú

Tuy vậy, hình ảnh ngôi trường làng đơn sơ với phòng, lớp học không có vách ngăn, mái lợp lá, tôn, nền đất lồi lõm và phải học 3 ca của hơn 30 năm về trước vẫn còn lưu giữ trong ký ức của nhiều thầy, cô giáo nơi vùng đất này.

Qua rồi thời gian khó

Xã Xuân Thọ có 7 ấp: Thọ Tân, Thọ Trung, Thọ Hòa, Thọ Bình, Thọ Lộc, Thọ Phước và Thọ Chánh; diện tích tự nhiên 3.775,5 hécta; dân số trên 4 ngàn hộ.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Phạm Đình Nam, ngoài đồng bào dân tộc Chơro, Hoa và Kinh sinh sống lâu đời, sau ngày 30-4-1975, địa phương cũng đón nhận một lượng lớn dân di cư từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc về khai hoang lập nghiệp, góp phần làm cho vùng đất thêm đa dạng về bản sắc văn hóa.

“Các em học sinh giờ đều được phụ huynh đưa đón đi - về và đồng phục, cặp sách tươm tất đi đến lớp học. Chứ trước kia, học sinh phải bì bõm bước chân trên những con đường đầy bùn đất với biết bao là cái thiếu như: giày dép, sách vở, quần áo” - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản NGUYỄN VĂN HÙNG tâm sự.

Để đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trong xã từ lớp 1 đến lớp 9, vào năm 1986, Trường phổ thông cơ sở Xuân Phước ra đời. Năm học 1992-1993, Trường phổ thông cơ sở Xuân Phước tách thành 2 trường: Trường tiểu học Trần Quốc Toản và Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi, nhằm rút ngắn đoạn đường đến trường cho con em tiểu học vùng kinh tế mới ở các ấp: Thọ Bình, Thọ Lộc, Thọ Phước.

Nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (từ năm 1992-2018) Trương Sỹ Hoàng kể, cách đây hơn 30 năm, ngày mới thành lập, Trường tiểu học Trần Quốc Toản có tới 3 điểm: điểm chính Cây Da (ấp Thọ Phước), điểm Trần Thế Lộc (ấp Thọ Lộc) và điểm ấp Thọ Bình. Cơ sở vật chất của trường là những dãy phòng học xập xệ được lợp tôn, vách ván, nền đất… Nhiều phòng không có vách ngăn giữa các lớp vậy mà vẫn không đủ phòng để dạy 2 buổi/ngày cho 1.174 học sinh/30 lớp, buộc nhà trường phải bố trí dạy 3 ca/ngày.

“Tôi còn nhớ với chừng ấy học sinh, lớp học cho 5 khối, nhưng toàn trường chỉ có 108 bàn ghế, bảng đen 9 cái, bàn giáo viên có 8 cái nhưng chỉ có 3 ghế… Vậy mà giáo viên chúng tôi vẫn bám trụ trồng người vì sự ham học, chăm ngoan của con em vùng đất Xuân Thọ” - ông Trương Sỹ Hoàng cho biết.

Giữa tháng 9-2024, trời mưa nhiều, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (điểm chính ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ) nhiều mây mù từ dãy núi Gia Lào (Chứa Chan) lùa về nhưng vẫn ấm áp bởi tiếng các trò nhỏ chạy nhảy, nô đùa giờ ra chơi.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản Nguyễn Thị Thạch bộc bạch, trường hiện chỉ còn 2 cơ sở/876 học sinh/26 lớp; điểm chính tại ấp Thọ Phước, điểm phụ tại ấp Thọ Lộc (đều ở xã Xuân Thọ). Cả 2 điểm trường đều được chính quyền, ngành giáo dục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang theo chuẩn quốc gia từ năm học 2012 đến nay. 2 cơ sở hiện tại tọa lạc trên tổng diện tích hơn 15 ngàn m2 với 37 phòng gồm: phòng học, thư viện, nơi làm việc của Ban giám hiệu, giáo viên… Đồng thời, cơ sở vật chất trang thiết bị như: bàn ghế, tủ, máy tính được bố trí đủ, đạt chuẩn; trang trí lớp phù hợp, bảo đảm yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học

Vùng đất xã Xuân Thọ ngày càng chuyển mình theo sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, những khó khăn, bộn bề của Trường tiểu học Trần Quốc Toản ngày đầu thành lập chỉ còn trong ký ức các thầy cô, phụ huynh nơi đây.

Thầy LÊ ĐÌNH YÊN, giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản (dạy tại điểm chính ở ấp Thọ Phước), chia sẻ hết học kỳ 1 năm học 2024-2025 này ông sẽ về hưu. Với gần 40 năm gắn bó với nghề giáo tại nhiều nơi, trong đó có trên 20 năm dạy tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, đã cho ông nhiều kỷ niệm đẹp về tình thầy - trò. Ông rất vui vì ngôi trường đơn sơ ngày nào nhiều năm qua đã được xây dựng khang trang, hiện đại nên nhiều giáo viên vùng xa cũng yên tâm bám trường, bám lớp. Học sinh cũng không vì nghèo khó mà bỏ học giữa chừng như hơn 20 năm về trước.

Năm học 2024-2025 này, trường có 47 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 35 giáo viên trực tiếp đứng lớp, 1 giáo viên tổng phụ trách Đội. Các giáo viên trong trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn. Chất lượng dạy và học phát triển một cách bền vững, hàng năm trường huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành tiểu học đạt 100%.

Cũng theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thạch, trong năm học 2023-2024, toàn trường có 30/34 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường; 10 giáo viên giỏi cấp huyện; 1 giáo viên đạt bằng khen cấp tỉnh; giải nhất hát múa sân trường cấp huyện và giải ba hát múa sân trường cấp tỉnh; giải ba toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện...

Để nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo, nhà trường tích cực tham gia thi giáo viên, học sinh giỏi các cấp; tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp sân bóng đá mini tại điểm trường Thọ Bình để tạo cảnh quan sư phạm “xanh - sạch - đẹp và an toàn” cho các điểm trường.

Hiện nay, do đời sống người dân trên địa bàn xã Xuân Thọ chủ yếu dựa vào nông nghiệp với các cây trồng chính như: lúa, tiêu, hoa màu, điều, cây ăn trái… nên vấn đề chăm lo việc học của học sinh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng vào mùa vụ, cây trồng của phụ huynh trên mỗi khu vườn, ruộng lúa.

“Những năm hạn hán mất mùa lúa, bắp, hoặc thời kỳ cây tiêu mất giá, dẫn tới thu nhập của phụ huynh bị giảm sút nên việc chăm lo việc học cho con em không tốt bằng khi mùa vụ thuận lợi. Do đó, dù các thầy, cô bận bịu với con chữ, phép tính trên lớp vẫn luôn quan tâm đến hoàn cảnh của học sinh để có giải pháp hỗ trợ, động viên kịp thời; không để trường hợp nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn” - bà Thạch chia sẻ.

Trường tiểu học Trần Quốc Toản, điểm chính tại ấp Thọ Phước (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) được xây dựng khang trang.

Trường tiểu học Trần Quốc Toản, điểm chính tại ấp Thọ Phước (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) được xây dựng khang trang.

Trời Xuân Thọ mưa rả rích bởi ảnh hưởng cơn bão số 4 và mây đen không ngừng vần vũ trên ngọn núi Gia Lào, nhưng phía xa vẫn âm vang tiếng các trò nhỏ Trường tiểu học Trần Quốc Toản học chữ, đánh vần mà không còn sợ mưa to, gió lớn như hơn 30 năm về trước.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/doi-thay-o-ngoi-truong-vung-xa-4eb6cd2/