Đổi thay ở vùng đất ven sông

Cuối năm 2019, thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xã Tân Đức được sáp nhập với đơn vị hành chính liền kề, trở thành hai trong số bảy khu dân cư của phường Minh Nông, thành phố Việt Trì. Trải qua thời gian, người dân Tân Đức xưa- khu Đoàn Kết và khu Thành Công hiện nay luôn phát huy bản tính cần cù, chịu khó, tích cực lao động sản xuất với quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.

Ngược dòng thời gian, cách đây hơn một thập kỷ, khi chưa sáp nhập về Việt Trì, người dân Tân Đức xưa vẫn được ví là “một chốn đôi quê”, bởi mặc dù “chính gốc” ở Ba Vì nhưng lại canh tác trên đất bãi nổi sông Hồng- phía đất bồi giáp với các địa phương của tỉnh Phú Thọ và sử dụng các dịch vụ điện lưới, nước sạch, mã vùng điện thoại của Phú Thọ. Thậm chí, cuộc sống của người dân còn trở nên bấp bênh khi phải hứng chịu trận lũ lịch sử, sạt lở bờ vở sông, nhiều hộ mất trắng đất đai, nhà cửa phải đi ở nhờ, trong đó có cả những cuộc “di dân” đi xây dựng kinh tế mới tại các tỉnh khác.

Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 14/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai tỉnh Hà Tây và Phú Thọ, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, riêng xã Tân Đức, huyện Ba Vì là địa phương duy nhất của “quê lụa” được chia tách, sáp nhập về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đáp ứng tâm tư nguyện vọng của nhân dân xã Tân Đức từ nhiều năm qua.

Trồng rau an toàn mang lại thu nhập cao cho người dân.

Trồng rau an toàn mang lại thu nhập cao cho người dân.

Để giúp người dân ổn định cuộc sống, ngay sau khi Tân Đức “hội nhập” với Việt Trì, lãnh đạo UBND thành phố đã mở một hội nghị để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Sau hội nghị, một loạt các vấn đề đặt ra đã được giải quyết; cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm... được đầu tư đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, ai cũng vui mừng, phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương. Các dịch vụ thiết yếu được thuận lợi, internet phủ sóng mọi nhà, mọi ngõ ngách, người dân được tiếp cận với các công nghệ thông tin đại chúng, học hỏi các mô hình kinh tế trên mạng để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Cán bộ phường thông tin tuyên truyền về chương trình giảm nghèo trên hệ thống loa truyền thanh.

Cán bộ phường thông tin tuyên truyền về chương trình giảm nghèo trên hệ thống loa truyền thanh.

Kể từ sau hai cuộc sáp nhập quan trọng, cuộc sống của người dân vùng đất ven sông đã khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, hiện đại. Theo chân đồng chí cán bộ văn hóa phường, rảo bước trên con đường nhựa trải dài, rộng thênh thang, sạch sẽ, ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng san sát, liền kề đổ bóng dưới cái nắng hanh hao của sớm đông, tiếng máy cắt cỏ, tiếng những người nông dân đang làm rau vụ đông trò chuyện rôm rả cả một quãng sông, chúng tôi cảm nhận rõ nhịp sống tất bật và đầy sức sống của người dân nơi đây.

Bên ruộng rau mướt xanh- màu xanh của sự trù phú, ấm no, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Ngoài trồng rau, trồng chuối quanh năm trên đất bồi sông Hồng, gia đình tôi còn chăn nuôi bò sinh sản và làm mộc, mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Đường xá đi lại thuận lợi, được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện trong sản xuất cũng như vay vốn phát triển kinh tế nên người dân chúng tôi rất yên tâm lao động, sản xuất”.

Do đặc thù, Tân Đức xưa là xã có bình quân đất đai rất thấp, không có ngành nghề truyền thống nên để mưu sinh người dân luôn nhạy bén, tính toán tìm hướng đi cho phù hợp với khả năng điều kiện một vùng ven đô đất chật, người đông. Gắn bó với cuộc sống, sự phát triển của thành phố đã mấy chục năm qua, vì thế trước đây khi được chuyển về là đơn vị hành chính của thành phố và gần đây nhất là sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì người dân vẫn dễ dàng bắt nhịp cùng với sự phát triển chung của địa phương, thế mạnh sẵn có là phát triển ngành nghề dịch vụ và sản xuất rau an toàn với thương hiệu “Làng nghề rau an toàn Tân Đức” được công nhận từ năm 2010.

Người dân được hướng dẫn tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin.

Người dân được hướng dẫn tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Trần Quang Sang- Trưởng khu Đoàn Kết cho biết: “Nếu như cách đây hơn chục năm nhà ở của người dân chủ yếu là lợp lá và nhà cấp bốn thì vài năm trở lại đây rất nhiều nhà được xây mới, cao tầng, khang trang, hiện đại. Theo rà soát mới nhất, hiện toàn khu chỉ còn một hộ nghèo và bảy hộ cận nghèo. Trên 90% các hộ gia đình được tiếp cận công nghệ thông tin đại chúng và được tư vấn, hỗ trợ các chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế, quyết tâm “đoạn tuyệt” cái nghèo”.

Có thể thấy, sau sáp nhập, mọi sự ràng buộc về địa giới hành chính, cũng như khoảng cách “địa phương” đã được gỡ bỏ, những mối quan hệ kinh tế - xã hội được hài hòa đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp, hòa nhịp bước đi lên góp phần vào sự đổi thay, phát triển của thành phố ngã ba sông.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/doi-thay-o-vung-dat-ven-song/202572.htm