Đổi thay trên những vùng quê cách mạng
Sau ngày đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo các vùng quê cách mạng đã thay đổi nhanh chóng, đời sống cư dân không ngừng được nâng cao.
Trong không khí lịch sử những ngày tháng Tám, về xứ Thanh thăm những vùng quê cách mạng như Quảng Trung (Quảng Xương), Hoằng Trường, Hoằng Châu (Hoằng Hóa), Thọ Lập (Thọ Xuân)… rất dễ để chúng ta cảm nhận và thấy rõ diện mạo của những miền quê đáng sống. Nơi đây, nhân dân và chính quyền đã không ngừng nỗ lực, phát huy tinh thần ngoan cường của vùng quê cách mạng trong XDNTM.
Quê hương của anh hùng thiếu niên Nguyễn Bá Ngọc - xã Quảng Trung, vẫn luôn được biết đến là vùng quê giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc Nam, nơi đây đã diễn ra các đợt chuyển quân lương chi viện chiến trường miền Nam. Trong những năm tháng kháng chiến giành độc lập tự do dân tộc, Nhân dân Quảng Trung luôn vững tay cày, chắc tay súng, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất, đóng góp sức người, sức của làm nên chiến thắng vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Năm 1996, xã Quảng Trung được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Và trong những tháng năm bom đạn đó, câu chuyện về người thiếu niên anh hùng Nguyễn Bá Ngọc vẫn luôn khiến mọi người xúc động, cảm phục. “Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung” có ghi: “Đúng 8 giờ sáng ngày 4-4-1965, hàng chục tốp máy bay Mỹ đánh phá khu vực bến phà Ghép. Bến phà Ghép - sông Yên phút chốc đã trở thành chiến trường mịt mù khói lửa bom đạn, càng về trưa càng quyết liệt, tiếng máy bay gầm rú, bom đạn nổ không ngớt. Cuộc chiến đấu đánh trả máy bay giặc Mỹ diễn ra trên bầu trời phà Ghép, sông Yên hết sức quyết liệt. Đội dân quân Quảng Trung được trang bị hỏa lực bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh đã hiệp đồng cùng bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường… Em Nguyễn Bá Ngọc dũng cảm băng qua làn bom đạn, hy sinh thân mình che chở cho các em nhỏ”.
Kế thừa truyền thống cách mạng, những năm qua, xã Quảng Trung phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, xã hội. Một trong những bước đột phá được xã chọn để thúc đẩy kinh tế là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động, đa dạng hóa ngành nghề. Trong đó, mô hình đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 340 ha, trong đó có 26 mô hình nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi liên kết, có chỉ dẫn địa lý, với 205,8 ha diện tích được cấp mã số. Doanh thu từ thủy hải sản ước đạt gần 66 tỷ đồng mỗi năm. Việc phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, khiến tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 1,53%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 74,02 triệu đồng/năm, là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân cao của huyện.
Cùng với phát triển kinh tế, tinh thần sáng tạo của các tổ chức đoàn thể được vận dụng nhằm phát huy nội lực của xã. Như, hội cựu chiến binh với mô hình “Đường cờ”, “Đường rào lan can an toàn giao thông”; đoàn thanh niên với mô hình “Cột điện nở hoa”, “Đường tranh bích họa”, “Khu vui chơi thiếu nhi”… Góp phần quan trọng duy trì các tiêu chí NTM nâng cao và XDNTM kiểu mẫu. Đến nay, xã Quảng Trung đã hoàn thành các tiêu chí về NTM kiểu mẫu, 4/5 thôn đạt thôn kiểu mẫu, còn 1 thôn sẽ về đích NTM kiểu mẫu trong tháng 8 này.
Ông Mai Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung, vui mừng chia sẻ: “Phát huy truyền thống cách mạng địa phương, những năm qua Đảng bộ và Nhân dân xã không ngừng nỗ lực, cố gắng mang đến diện mạo mới cho quê hương. Trong đó, không gian và cảnh quang thôn quê được đổi mới xanh, sạch, đẹp… trở thành một miền quê đáng sống. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong xã”.
Tương tự, miền quê cách mạng Hoằng Châu (Hoằng Hóa) tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông bằng những thành tựu về kinh tế, xã hội, khiến đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: “Cách đây 78 năm vào những ngày cuối tháng 7-1945, trước khí thế cách mạng ngày càng lên cao ở Hoằng Hóa, Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ cùng tri phủ Hoằng Hóa phối hợp triển khai kế hoạch khủng bố phong trào cách mạng ở Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), nơi mà chúng cho là “cái nôi” cách mạng Hoằng Hóa. Cuộc khủng bố đã bị tự vệ Hoằng Châu đập tan, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân huyện Hoằng Hóa ngày 24-7-1945, đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh Thanh Hóa”.
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chính quyền và Nhân dân Hoằng Châu tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho đến khi giành độc lập, thống nhất đất nước. Toàn xã có 120 đồng chí đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, 100 đồng chí là thương, bệnh binh và người nhiễm chất độc hóa học...
Những công lao, thành tích của quân và dân trong xã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng những phần thưởng cao quý. Năm 2005, Hoằng Châu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Toàn xã có 16 lão thành cách mạng, 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 làng có công với nước, 2 Bảng vàng danh dự…
Tiếp bước những truyền thống vẻ vang, chính quyền và Nhân dân trong xã đã hoàn thành NTM vào năm 2019 và đang nỗ lực về đích NTM nâng cao trong năm 2023. Đến nay, xã đã hoàn thành các tiêu chí về giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự… phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, như nuôi trồng thủy hải sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Hiện, toàn xã đã tích tụ 18,4 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đưa nhiều loại cây trồng có giá trị hàng hóa. Giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm ước đạt 172 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,8 triệu đồng/năm. Đời sống tinh thần người dân được nâng cao với việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, thường xuyên tổ chức các hội thi, chương trình văn nghệ, thể thao quần chúng…
Với truyền thống cách mạng lâu đời, không chỉ Quảng Trung, Hoằng Châu mà cả những vùng quê cách mạng khác trong tỉnh bằng sự nỗ lực cố gắng đã và đang có những thay đổi tích cực, để tiếp nối những chiến công hiển hách xưa bằng những thành tựu kinh tế - xã hội đáng tự hào hôm nay.