Đổi thay từ 'ngôi nhà' 125 năm tuổi

Trải qua 125 năm xây dựng và phát triển, chợ Đông Ba đang khoác lên mình 'chiếc áo mới', khang trang, sạch đẹp và mến khách. Với sứ mệnh của ngôi chợ truyền thống nằm trong lòng Cố đô Huế, Đông Ba tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, thay đổi phương thức kinh doanh để xứng đáng với thương hiệu 'Văn minh - thân thiện là người Đông Ba'.

 Chợ Đông Ba rực rỡ trong ngày bà con tiểu thương mặc áo dài truyền thống

Chợ Đông Ba rực rỡ trong ngày bà con tiểu thương mặc áo dài truyền thống

“Thay áo mới”

Không còn là ngôi chợ với vấn nạn nói thách hay hét giá; cũng không còn hình ảnh du khách phải đội mưa, chen chân trên các lối đi chật hẹp khi đi qua các tuyến đường nội bộ hay tình trạng ăn xin, cò mồi như những năm trước, giờ đây, đến với ngôi chợ có bề dày truyền thống 125 năm, du khách như lạc vào một trung tâm thương mại khang trang, sầm uất với hình ảnh bà con tiểu thương vui vẻ, thân thiện và mến khách. Từ cổng chính, với hàng chữ “Văn minh - thân thiện là người Đông Ba”, du khách dễ dàng di chuyển đến các ngành hàng lưu niệm, đặc sản, áo quần, ẩm thực Huế nhờ những tấm bảng hiệu ghi rõ tên hàng, tiểu thương, số điện thoại, Fanpage…

Lợi thế nằm dọc hai bờ sông Hương nên cùng với việc chỉnh trang hạ tầng, sắp xếp từng ngành hàng, lối đi, đặt tên đường…, Ban Quản lý (BQL) tập trung chỉnh trang mặt tiền chợ và tuyến đường Chương Dương, tạo không gian rộng rãi để du khách tham quan, dạo bộ kết nối với đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương nhằm thu hút khách du lịch.

 Chương trình "Nồi cơm yêu thương" dù mới phát động 1,5 năm song đã chi hơn 100 triệu đồng

Chương trình "Nồi cơm yêu thương" dù mới phát động 1,5 năm song đã chi hơn 100 triệu đồng

Bà Trương Thị Hà, tiểu thương ngành hàng đặc sản Huế, chia sẻ: “Hơn 30 năm gắn bó, tôi chưa bao giờ thấy ngôi chợ có nhiều thay đổi như 3 năm qua. Từ hạ tầng được chỉnh trang đến cách trưng bày hàng hóa, niêm yết giá bán trên các sản phẩm, thái độ ứng xử với khách. Có được thành quả này phải kể đến sự điều hành, quản lý khoa học, thấu tình đạt lý của lãnh đạo BQL và sự chung tay của đội ngũ viên chức - người lao động (VCNLĐ), cùng với sự hưởng ứng của bà con tiểu thương. Chợ đẹp, ứng xử văn minh nên khách du lịch đến nhiều hơn, quầy hàng của bà con tiểu thương đắt khách hơn nên ai nấy đều vui mừng”.

Không chỉ chủ nhân của ngôi chợ - những người luôn xem chợ Đông Ba như ngôi nhà thứ hai của mình mới nhận ra sự thay đổi, mà bản thân mỗi du khách khi đến chợ đều thấy rõ sự “lột xác” của ngôi chợ trong 3 năm qua. “Chợ Đông Ba hội đủ các chủng loại hàng và bà con tiểu thương đảm đang, mến khách. Vì thế, nên mỗi lần đến Huế tôi đều ghé chợ Đông Ba. Khác với trước, giờ đây chợ được chỉnh trang sạch đẹp, văn hóa ứng xử của bà con cũng thay đổi qua từng năm nên càng thêm yêu mến nơi này”, chị Ngọc Dung, du khách đến từ TP. Vũng Tàu chia sẻ.

Để có được một ngôi chợ văn minh - thân thiện và mến khách như hôm nay, theo Trưởng BQL chợ Đông Ba, bà Hoàng Thị Như Thanh đó là nhờ vào sự đoàn kết đồng lòng của bà con tiểu thương và VCNLĐ trong suốt 3 năm qua, đặc biệt là sự quan tâm, đầu tư kinh phí để nâng cấp, chỉnh trang của thành phố Huế cùng công tác xã hội hóa của bà con tiểu thương.

 Chương trình "Nồi cơm yêu thương" dù mới phát động 1,5 năm song đã chi hơn 100 triệu đồng

Chương trình "Nồi cơm yêu thương" dù mới phát động 1,5 năm song đã chi hơn 100 triệu đồng

Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP. Huế ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình, như: Chỉnh trang khu vực mặt tiền, lầu chuông, lợp lại mái tôn các khu nhà C, nhà C’, nhà E, sắp xếp lại lô quầy... Hạ tầng hoàn thiện, 100% bà con tiểu thương tự nguyện trả lại lối đi nội bộ, tạo không gian thông thoáng, thu hút du khách. Cùng với nguồn ngân sách thành phố, bà con tiểu thương đóng góp hơn 10 tỷ đồng để làm mái bạt kéo, sửa chữa các lô hàng trong khuôn viên chợ, nhất là khu vực đường Chương Dương đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Đồng thời, lắp đặt hệ thống camera, bảng hiệu, hệ thống đèn năng lượng mặt trời…

Xây dựng niềm tin

"Cùng với việc chỉnh trang, thay đổi diện mạo chợ, BQL tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự để du khách yên tâm khi đến tham quan, mua sắm. Trong đó, chủ động tổ chức Câu lạc bộ Võ thuật cho đội viên Đội Trật tự, bảo vệ nhằm nâng cao thể chất và tinh thần cho VCNLĐ, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 Chợ đẹp, văn minh nên du khách đến tham quan, mua sắm ngày càng đông

Chợ đẹp, văn minh nên du khách đến tham quan, mua sắm ngày càng đông

Theo bà Như Thanh, BQL cũng xác định trước hết đội ngũ VCNLĐ phải thay đổi, thay đổi từ nhận thức đến hành động để nêu gương cho bà con. Thay vì trước đây còn lớn tiếng khi giải tỏa các hộ lấn chiếm lối đi, bây giờ các nhân viên trật tự phải “xắn tay áo” phụ giúp với bà con thu dọn để trả lại lối đi cho khách. Trước đây ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế, bà con thường xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, vì vậy để chợ sạch thì nhân viên vệ sinh phải làm việc nhiều hơn, đến chợ sớm và ra về muộn hơn. Từ suy nghĩ đến hành động, từ cách cư xử, thấu hiểu đến sẻ chia đã tạo nên sự gắn kết giữa bà con tiểu thương với BQL thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao... Chỉ có sự đồng lòng bà con mới hưởng ứng và tích cực tham gia, xem đây là ngôi nhà chung để cùng chung tay vun đắp.

Một trong những điểm nhấn trong 3 năm qua đó là từ niềm tin vào cuộc sống, niềm vui từ hoạt động kinh doanh đã củng cố và khẳng định sâu sắc niềm tin vào Đảng. Đến nay, có hàng chục tiểu thương tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và có 4 tiểu thương vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần đưa tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 34 người.

Công tác thiện nguyện cũng được bà con quan tâm và tích cực tham gia, như chương trình “Tủ mì 0 đồng”, “Nồi cơm yêu thương”, qua gần 3 năm triển khai đã chi hơn 300 triệu đồng. Chương trình “Tết yêu thương” đã trao được 185 suất quà, tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Quỹ học bổng Nguyễn Thị Định dù mới phát động vài ngày song đã thu được hơn 60 triệu đồng. Đặc biệt, trong khuôn khổ kỷ niệm 125 năm xây dựng và phát triển chợ, bà con đã hỗ trợ gần 700 triệu đồng.

Giữ vững thương hiệu “Văn minh - thân thiện”

Qua hơn 3 năm tập trung nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng, cùng với việc trau dồi kỹ năng quản lý, kinh doanh cho bà con tiểu thương thông qua các khóa tập huấn về văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa trong kinh doanh, chợ Đông Ba đang dần hoàn thiện hạ tầng và ứng xử văn minh, góp phần giúp chợ lấy lại uy tín, thương hiệu và sự yêu mến của người dân và du khách.

Bà Hoàng Thị Như Thanh khẳng định, từ phương châm “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay”, thời gian tới, BQL phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào, như: “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba”, “Nụ cười Đông Ba” gắn với phát động và duy trì phong trào chị em tiểu thương mặc áo dài Huế vào ngày thứ Bảy hằng tuần; phong trào "3 không 2 có" (đó là không mì xưa (bán mở hàng) - không nói thách - không chèo kéo, có uy tín - có chất lượng) để xứng đáng là một trong ba ngôi chợ truyền thống lớn nhất nước (cùng với chợ Đồng Xuân - Thủ đô Hà Nội và chợ Bến Thành - TP. Hồ Chí Minh).

Với sứ mệnh của ngôi chợ lịch sử, BQL chợ Đông Ba tiếp tục huy động nguồn lực để nâng cấp, chỉnh trang; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp với thời đại công nghệ số, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh, TP. Huế và bà con tiểu thương - những người đặt nền móng để xây dựng và hình thành nên ngôi chợ lịch sử, đưa chợ Đông Ba trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn của vùng đất Cố đô.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/doi-thay-tu-ngoi-nha-125-nam-tuoi-145199.html