Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Việc chăm lo đồng bào dân tộc không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. 79 năm ngày Độc lập, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, nhiều nét văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp được giữ gìn. Có được kết quả đó là nhờ những chương trình, chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, tạo sinh kế cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Việc chăm lo đồng bào dân tộc không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. 79 năm ngày Độc lập, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, nhiều nét văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp được giữ gìn. Có được kết quả đó là nhờ những chương trình, chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, tạo sinh kế cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiệu quả từ các chương trình, chính sách hỗ trợ
Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) với 10 tiểu dự án được triển khai với những nội dung thiết thực như ổn định dân cư; hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cho vùng ĐBDTTS; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… đã trở thành điểm tựa giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, từ năm 2021 đến nay, trung bình tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng ĐBDTTS&MN giảm trên 3%/năm, năm 2023 còn 9,80%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm trung bình từ 5 - 6%/năm, năm 2023 còn 21,2%. Toàn tỉnh có 14/33 xã khu vực III thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Hà Văn Di, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Đây là thành công lớn và tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Kết quả này trở thành bước đệm cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững hơn, từ đó đưa cuộc sống của ĐBDTTS ở vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển.
Để thực hiện CTMTQG, Ban Dân tộc phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; kịp thời nắm bắt tình hình đời sống, KT-XH vùng ĐBDTTS; tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền góp phần nâng cao nhân thức đối với lĩnh vực dân tộc. Đồng thời chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc.
Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại
Kim Bôi có tỷ lệ ĐBDTTS chiếm 86% dân số. Cùng với thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước triển khai trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền huyện đã chủ động các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện lồng ghép nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất theo hướng bền vững gắn với thị trường tiêu thụ và xây dựng các chuỗi liên kết. Nhiều xã đã chuyển đổi sản xuất từ đất cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang thâm canh một số loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng dưa bở, dưa chuột, lặc lày, khoai tây… cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/ vụ/năm. Nhiều HTX nông nghiệp đã được hình thành và đầu tư sản xuất đem lại thu nhập cao, trong đó có nhiều HTX thuộc vùng ĐBDTTS như HTX Mường Động, HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi… Với sự chủ động và phát huy được tiềm năng, thế mạnh địa phương, KT-XH huyện Kim Bôi có chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Có 2 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn là Mỵ Hòa và Vĩnh Tiến đã cán đích NTM năm 2023.
Trước đây, nói về đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện vùng cao Mai Châu, nhiều người nhớ về một vùng lạc hậu, khó khăn, bất ổn về an ninh. Tuy nhiên, hiện nay 2 xã là điểm du lịch hấp dẫn. Sự thay đổi ngoạn mục đó có lẽ bắt đầu từ thay đổi trong nhận thức và ý thức của người dân nơi đây. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, như cây mận hậu, đào, su su… Đặc biệt, phát triển du lịch cộng đồng từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng tại địa phương. Hiện nay, nhiều hộ dân đã phát triển homestay trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo để thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, cuộc sống người dân khấm khá từng ngày, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định và giữ vững.
Với những chính sách hiệu quả, hướng về đồng bào, các chương trình, dự án về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN đã từng bước đi vào chiều sâu, thiết thực và hướng tới mục tiêu phát triển đời sống, nâng cao năng lực của ĐBDTTS. Năm 2024 - năm "nước rút” thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn giảm từ 4 - 5%, có ít nhất 5 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, ngành Dân tộc tỉnh tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nâng cao nhận thức của ĐBDTTS; rà soát và thực hiện hiệu quả lồng ghép các CTMTQG về tạo động lực nâng cao đời sống nhân dân nói chung và vùng ĐBDTTS nói riêng.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/192891/doi-thay-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm