Đối thoại chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025

Năm 2025, các dự báo tăng trưởng ở nhiều chỉ số đều cho thấy triển vọng phát triển kinh tế, GDP dự kiến đạt mức 6,5% và nhận được sự ủng hộ, động thuận của các chuyên gia kinh tế

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích những yếu tố động lực của năm 2024 và là triển vọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2025. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích những yếu tố động lực của năm 2024 và là triển vọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2025. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Ngày 3/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Tạp chí điện tử Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và Triển vọng 2025”.

Khai mạc tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Nhìn về các động lực của nền kinh tế năm 2024 vẫn thấy nhiều tín hiệu tích cực do tăng trưởng trở lại ở các yếu tố như nhu cầu, kim ngạch xuất khẩu, dòng vốn FDI và đầu tư tư nhân.

Tuy một số lĩnh vực chưa đạt được kỳ vọng như chi tiêu hộ gia đình vẫn yếu, động lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa đến từ doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống chỉ tăng 13%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 17,3%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu... Nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn cả giai đoạn trước đại dịch COVID-19, tăng trưởng cung tiền tiếp tục đà phục hồi từ nửa cuối năm 2024....

Sang năm 2025, các dự báo tăng trưởng ở nhiều chỉ số đều cho thấy triển vọng phát triển kinh tế, GDP dự kiến đạt mức 6,5%. Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển. Đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hỗ trợ kinh tế vĩ mô sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt vào Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, trong dài hạn, biến đổi khí hậu và dân số già hóa nhanh chóng đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định tài chính vĩ mô của Việt Nam trong dài hạn. Đại diện VEPR khuyến nghị một số chính sách trong thời gian tới. Theo đó, tập trung ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn so với giai đoạn hậu COVID-19. Các chính sách vĩ mô cần được ban hành, đánh giá tác động một cách cẩn trọng, đa chiều và có lộ trình cụ thể được công bố sớm để các chủ thể liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp có thể thích ứng, chống chịu tốt hơn trước những “cú sốc” về chính sách.

Đồng thời, thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao hơn, mạnh mẽ hơn, tập trung xây dựng quy chế và chính sách để thúc đẩy động lực phát triển bền vững nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phải đáp ứng được xu hướng thương mại – đầu tư toàn cầu. Trong trung hạn, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Về dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

Ở góc độ chuyên gia, Ts Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia bình luận: Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhập siêu dịch vụ, do đó cần phải nỗ lực cải thiện cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ để góp phần tăng trưởng kinh tế. Dù Chính phủ rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhưng vẫn còn không ít vướng mắc về cơ chế, chính sách và chất lượng đầu tư. Đầu tư tư nhân cũng cần được khuyến khích và hỗ trợ để đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng. Tiêu dùng cuối cùng cũng đang đóng góp khoảng 62% vào tăng trưởng GDP, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức trước đại dịch.

Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng hợp lý và hiệu quả. Các nguồn động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, khoa học công nghệ và cải cách thể chế được xem là rất quan trọng nhưng phải được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn. Các ngành chức năng cần nghiên cứu để gia tăng tính phối hợp một cách chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả và các chính sách khác để ứng phó với những rủi ro, thách thức từ bối cảnh bên ngoài. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng cũng cần được quan tâm, thể hiện qua các chỉ số như năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn.

Ts Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Về cải cách thể chế, cần bỏ quan điểm "không thể" và tiếp cận cải cách một cách quyết liệt, hiệu quả; đảm bảo tính công khai, minh bạch và tham vấn rộng rãi trong quá trình xây dựng pháp luật đi đôi với việc nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Công tác quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, làm nền tảng cho chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ cũng nên chú trọng hơn nữa, đó cũng là tiền đề để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong giai đoạn tới.

Trần Thị Ngọc Quỳnh

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doi-thoai-chinh-sach-kinh-te-vi-mo-viet-nam-nhin-lai-2024-va-trien-vong-2025/359011.html