Đối thoại chính sách thuế - hải quan: Doanh nghiệp mong có cách làm đúng
Ngày 13-12, tại TPHCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024. Hơn 450 doanh nghiệp tới dự chật kín hội trường.
Không biết đâu mà lần
Buổi đối thoại mỗi lúc một “nóng lên” khi các doanh nghiệp trình bày vấn đề gặp phải. Nhất là khi cùng một mặt hàng, cùng một nội dung, nhưng cơ quan thuế, hải quan ở những đơn vị khác nhau lại có quan điểm, cách làm trái ngược, khiến doanh nghiệp không biết phải làm thế nào cho đúng.
Ông Dương Hữu Thắng, Giám đốc Công ty Long Phú Logistics, cho biết, công ty nhận khai thuế hải quan cho một số doanh nghiệp và đang vướng ở khâu xác định mã hàng hóa mặt hàng bông rơi nhập khẩu. Tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp nhập lô hàng bông rơi tại cảng Cát Lái, khai mã HS là 5203. Do gần đây có vướng mắc về cách xác định mã mặt hàng này, nên cơ quan hải quan mang đi phân tích, kiểm định, kết luận là phế liệu bông nên không thông quan.
“Chúng tôi vận dụng hết nghiệp vụ, đi lên đi xuống nhiều lần, cuối cùng cũng giải phóng được lô hàng sau 70 ngày, chi phí lưu kho bãi 500 triệu đồng. Vì sao các mã hàng hóa được nhập khẩu bình thường mà Hải quan cảng Cát Lái lại không cho thông quan?”, ông Thắng thắc mắc.
Tháng 5 trước đó, Công ty Long Phú Logistics cũng chạy “xất bất xang bang” vì nhập khẩu một lô hàng sợi bông chưa chải. Bộ phận kiểm định cảng Cái Mép - Thị Vải kết luận là phế liệu bông, không cho nhập. Không đồng tình kết quả này, doanh nghiệp đưa hàng lên Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 mới ra kết quả là nguyên liệu bông. Tuy nhiên, Hải quan cảng Cái Mép không đồng tình, cho rằng trung tâm này không đủ năng lực (!)…
Giải thích tại buổi đối thoại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn, cho biết, vướng mắc này đã được Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành dệt phản ánh nhiều lần. Theo phân loại, bông sợi tùy mức độ chải thô, chải kỹ có thể phân ra làm 3 mã hàng hóa khác nhau. Nếu được phân loại là phế liệu bông thì áp thuế nhập khẩu 10% và áp dụng các chính sách về nhập khẩu phế liệu. Sau khi nhận được phản ánh từ doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các bộ ngành để tháo gỡ. Quan điểm của Bộ Công thương là ủng hộ, nhưng Bộ TN-MT thì chưa trả lời rõ mặt hàng này có được coi là phế liệu hay không.
Về việc có sự khác nhau giữa các chi cục hải quan trong thực thi quy định, ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh, đã yêu cầu các cơ quan hải quan địa phương phải triển khai nhất quán.
Một trường hợp khác là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau), chuyên thu mua và chế biến, xuất khẩu hàng thủy sản, nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu về chế biến hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Hiện tất cả mặt hàng tôm chế biến đông lạnh từ tươi sống đến hấp chín là không tính thuế VAT, chỉ có các mặt hàng tôm chế biến đông lạnh có tẩm ướp gia vị, tẩm bột, tẩm bột chiên, chả tôm mới tính thuế VAT. Các kỳ thanh tra của Cục Thuế tỉnh Cà Mau đến năm 2021 và thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Thuế kỳ thuế 2022-2023 đều cho biết, việc thực hiện như vậy là đúng theo quy định. Nhưng mới đây, Bộ Tài chính làm việc với các công ty chế biến thủy sản ở Cà Mau, đã xác định các mặt hàng trên đều là hoạt động chế biến thủy sản, phải áp thuế VAT 10%.
“Xin cho biết chính sách nào là đúng để công ty chấp hành?”, đại diện Công ty Minh Phú đề nghị.
Đại diện một doanh nghiệp khác cũng trình bày cảnh trớ trêu, khi mua hàng của một đối tác ở tỉnh Bến Tre, đã được xuất hóa đơn khai thuế 10%. Nhưng khi công ty này làm hồ sơ hoàn thuế, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang từ chối, khi cho rằng hóa đơn xuất không đúng, phải ghi là “không phải kê khai tính thuế” mới đúng.
“Vậy là Cục Thuế Kiên Giang và Bến Tre có 2 quan điểm trái ngược. Chúng tôi là doanh nghiệp đi mua, phải trả tiền thuế cho đơn vị bán hàng để họ nộp thuế, không trả họ không bán hàng. Nhưng về Kiên Giang, chúng tôi lại thiệt thòi khi không được hoàn thuế”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Về thắc mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thông tin đã có văn bản gửi các cục thuế, trong đó có ví dụ rất cụ thể liên quan đến các đối tượng chịu, hay không chịu thuế. Ông Mai Sơn đề nghị doanh nghiệp cung cấp thêm thông tin cụ thể sau hội nghị đối thoại, để ông yêu cầu Cục Thuế Kiên Giang, Bến Tre báo cáo ngay trong ngày, trả lời cụ thể cho doanh nghiệp.
Khổ vì quy định thay đổi
Bà Cao Thị Thêu, đại diện Công ty Namtex, thắc mắc về quy định xuất khẩu tại chỗ. Công ty thành lập 20 năm, việc khai xuất khẩu tại chỗ lâu nay không yêu cầu phải xác minh thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam hay không. Tuy nhiên từ tháng 7-2023, cơ quan hải quan yêu cầu xác minh việc này.
“Những tờ khai trước thời điểm này đã xong xuôi hết rồi, hoàn thành hết một quy trình sản xuất, giờ truy lại, yêu cầu nộp bù thuế VAT. Xin hỏi những tờ khai trước tháng 7-2023 là đúng hay sai, mà nếu sai thì sao không chặn lại mà để chúng tôi khai tới 20 năm rồi giờ bảo làm sai, rồi truy thu và phạt đủ thứ tiền?”, bà Thêu bức xúc. Vướng mắc này cũng được một số doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại.
Trong khi đó, bà Nguyễn Lý Long Khánh, đại diện Công ty GAD Việt Nam, chia sẻ, khi cơ quan hải quan xác định mặt hàng soybean meal (bã đậu tương, dùng làm thức ăn chăn nuôi) là “bột đậu tương thô”, tất cả lô hàng khi về đến hải quan đều bị giữ lại mang đi phân tích phân loại, khiến một lô hàng phát sinh chi phí khoảng 7 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, bà Khánh mới biết, tất cả doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang “ngồi trên đống lửa” vì cách làm này. Bà cũng lo lắng, vì vài ngày tới công ty có một lô hàng nhập về cảng Cái Mép.
“Hàng neo tại cảng nửa tiếng đồng hồ là phải trả chi phí. Đây là việc không đáng, đề nghị Bộ Tài chính can thiệp, không để doanh nghiệp phải chịu cảnh như vậy”, bà Khánh kiến nghị.
Sau khi hội nghị kết thúc, ông Đặng Sơn Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, đã gặp và đưa ra hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp này.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, sẽ cùng VCCI nghiên cứu cách thức tổ chức hoạt động đối thoại hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tại chương trình đối thoại năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý 88 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế và 37 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan. Ông cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động lấy ý kiến để xây dựng chính sách thuế, hải quan ngày càng tốt hơn, phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả, không bị vướng mắc.
Ách tắc hoàn thuế gần 200 tỷ đồng
Ông Tô Vĩnh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, cho biết, hồ sơ hoàn thuế của công ty hiện không được hoàn từ tháng 8-2022 đến nay, với số tiền gần 200 tỷ đồng.
Vướng mắc chủ yếu đến từ việc cơ quan thuế đánh giá các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào (phế liệu) cho công ty là có rủi ro về thuế. Khi kiểm tra, các nhà cung cấp này đã ngừng hoạt động, chờ giải thể, nên cơ quan thuế không xác minh được, từ đó “treo” hoàn thuế cho doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đã giải trình đầy đủ.
Công ty của ông Hưng không chỉ “khổ” vì nhà cung cấp trực tiếp, mà còn vì nhà cung cấp của doanh nghiệp đối tác. Các doanh nghiệp đối tác này mỗi tháng phát sinh hoạt động mua bán với Thép miền Nam trên 150 tỷ đồng. Khi cơ quan thuế xác minh hoạt động của doanh nghiệp đối tác thì hóa đơn đầu vào của họ lại có liên quan đến mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Do đó, Thép miền Nam cũng bị dừng luôn việc hoàn thuế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn giải thích và đề nghị Cục Thuế Bà Rịa -Vũng Tàu xác định cụ thể, phối hợp làm rõ việc này sớm để việc giải quyết hồ sơ cho công ty kịp thời và đúng quy định. Tổng cục Thuế sẽ theo dõi để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hồ sơ hoàn thuế kịp thời.