Đối thoại chủ nhật: Tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển đất nước
Chia sẻ với phóng viên, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, sự kết hợp giữa quy mô dân số lớn và cơ cấu dân số vàng đã mang lại cho nước ta nguồn lao động dồi dào, có chất lượng cao phục vụ tăng trưởng kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thời gian tới, chúng ta cần có chính sách, giải pháp tận dụng tốt thời kỳ dân số vàng.
Phóng viên (PV): Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế trong nhiều năm qua. Ông có thể cho biết ý nghĩa của thành công này đối với sự phát triển của đất nước?
TS Phạm Vũ Hoàng: Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình ngày 14-1-1993 với mục tiêu tập trung nỗ lực giảm nhanh mức sinh, Việt Nam đã nhanh chóng giảm mức sinh từ mức mỗi bà mẹ sinh 4 con, xuống còn 2,1 con chỉ sau 13 năm, tỷ lệ phát triển dân số do đó đã giảm một nửa từ 2% mỗi năm xuống khoảng 1% và được duy trì trong gần hai thập kỷ qua.
Việc đưa mức sinh ở mức rất cao giảm xuống và duy trì mức sinh thay thế đã góp phần cải thiện sức khỏe phụ nữ và trẻ em, ngăn ngừa tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ lệ tử vong bà mẹ (MMR) ngày càng giảm và ở mức thấp so với khu vực cũng như trên thế giới, tình trạng suy dinh dưỡng giảm mạnh, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, ở mức cao hơn nhiều so với các nước có cùng thu nhập bình quân đầu người. Mô hình gia đình hai con, các gia đình chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện cho con được giáo dục, đào tạo tốt hơn. Đây là yếu tố cơ bản, tiên quyết nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực.
Kết quả công tác dân số cũng đã làm tăng GDP bình quân đầu người, an ninh lương thực được bảo đảm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Đây là thành công lớn mà chương trình DS-KHHGĐ đã đạt được, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về chất lượng lao động hiện nay?
TS Phạm Vũ Hoàng: Kết quả điều tra DS-KHHGD năm 2021 cho thấy cơ cấu dân số đang dịch chuyển theo hướng tích cực, tăng mạnh số lượng và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động. Việt Nam đã và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ nhóm phụ thuộc từ 0-14 tuổi giảm mạnh. Điều này dẫn tới tỷ lệ nhóm dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh.
Sự kết hợp giữa quy mô dân số lớn và cơ cấu dân số vàng đã mang lại nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Lực lượng lao động trẻ hùng hậu này nếu được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, bảo đảm an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn dân số già. Thực tế, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã tận dụng tốt cơ hội nhân khẩu học, làm nền tảng cho những bước phát triển thần kỳ và trở thành những con rồng châu Á. Kinh nghiệm cũng cho thấy, mấu chốt để phát huy được giai đoạn cơ cấu dân số vàng là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Như vậy, dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, được bảo đảm việc làm, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng hiện đại, hiệu quả là những nhân tố trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta, góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực cũng như nâng cao tiềm lực bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
PV: Hiện tại, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, tuy nhiên giai đoạn này dự báo sẽ không kéo dài. Vậy cần phải làm gì để tận dụng tốt giai đoạn này nhằm biến thành động lực phát triển, thưa ông?
TS Phạm Vũ Hoàng: Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Theo dự báo, giai đoạn dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài đến năm 2038 và đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam để bứt phá trở thành con rồng châu Á. Thời kỳ dân số vàng thường chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng từ 30 đến 45 năm trong lịch sử nhân khẩu học của một quốc gia. Do đó, để cơ cấu dân số vàng được tận dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa dân số. Việc chủ động duy trì mức sinh hợp lý là để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp với diện tích lãnh thổ, bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi; duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong tuổi lao động; làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, có cơ hội phát triển các dịch vụ an sinh xã hội và phát huy, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn.
Chúng ta cần tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động. Cần đa dạng hóa ngành nghề, các ngành sử dụng nhiều lao động ở khu vực nông thôn. Phải có chính sách di dân bảo đảm phân bố dân cư, lao động hợp lý cho các vùng, miền, khu vực. Ngoài ra, cần đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đồng thời tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung và những người trong độ tuổi lao động nói riêng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!