Đối thoại đầu tuần: Gỡ điểm nghẽn để thu hút người tài
TPHCM vừa tổ chức đợt giám sát về kết quả thực hiện Đề án 01-ĐA/TU ngày 5-2-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TPHCM giai đoạn 2020- 2035 (Đề án 01).
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồ Hải (ảnh), Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, về kết quả và sự trở bộ của thành phố trong vận dụng cơ chế, chính sách để thu hút người tài.
Chế độ, ưu đãi chưa tạo cạnh tranh
Phóng viên: Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án 01, đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật đã đạt được?
Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI: Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Đề án 01, các cấp, các ngành, các địa phương đều có chương trình, kế hoạch để triển khai. Từng ngành, từng lĩnh vực của thành phố đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hút tài năng và đã xây dựng chính sách riêng, điều hành linh hoạt, sáng tạo thông qua cơ chế sự nghiệp thu hút nguồn lực riêng.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực y tế có nhiều chính sách hỗ trợ cho bác sĩ nội trú được đào tạo chuyên sâu. Ngành văn hóa có nhiều chính sách hỗ trợ, đào tạo các văn nghệ sĩ hoạt động ở các môn nghệ thuật truyền thống, vận động viên thành tích cao… Các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã tổ chức các chương trình, hoạt động để tập hợp, tìm kiếm, phát hiện, tuyên dương, phát huy tài năng trẻ.
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa chỉ đạo thực hiện giám sát việc thực hiện Đề án 01. Đồng chí có đánh giá gì về kết quả giám sát?
Qua giám sát cho thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 01. Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã ban hành kế hoạch để triển khai đề án. Đây là dịp để cấp ủy, cơ quan, đơn vị đánh giá lại việc triển khai thực hiện đề án và thực tế ghi nhận việc thực hiện đề án có nhiều tồn tại, khó khăn.
Một số cấp ủy ở các ngành, lĩnh vực chưa cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch triển khai. Do đó, việc rà soát, hệ thống các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đề xuất cơ chế, chính sách riêng của thành phố trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương để thực hiện đồng bộ đề án còn hạn chế. Ngoài ra, hiện nay, cơ chế, chính sách hỗ trợ tài năng trẻ; cơ chế, chính sách thu hút, giữ chân người có năng lực nổi trội chưa được quy định cụ thể. Việc đào tạo chuyên sâu đối với viên chức ở các lĩnh vực được ưu tiên đào tạo của thành phố như y tế, văn hóa, thể thao… cũng còn vướng nhiều quy định.
Đúng là các quy định cũng như chế độ, chính sách ưu đãi về thu nhập theo quy định hiện hành đối với tài năng trẻ chưa đảm bảo cạnh tranh so với các đơn vị ngoài công lập nên chưa thu hút người trẻ. Cụ thể, với việc xét tuyển không qua thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc được thực hiện theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ với tiêu chí xét tuyển cao và mức thu nhập được hưởng theo hệ số lương, phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng. Số sinh viên đáp ứng tiêu chí này rất ít và khó tuyển dụng, khó giữ chân với mức lương như quy định.
Vận dụng cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98/2023/QH15
Vậy trước mắt để bổ sung nguồn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, TPHCM đã có giải pháp gì, thưa đồng chí?
Ngoài xét tuyển, nhằm chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với việc đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã lãnh đạo rà soát nhu cầu bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố, tổ chức tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã tuyển dụng 209 sinh viên, bổ sung vào nguồn cán bộ, công chức, viên chức trẻ thành phố. Các trường hợp được tuyển dụng đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Qua tuyển dụng, thành phố thấy được nhu cầu, đăng ký của thí sinh rất lớn với rất nhiều ứng viên trẻ. Tuy nhiên, với lực lượng trẻ xuất sắc thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ khác để thu hút và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công.
"HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về thu nhập của các nhà khoa học và quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15. Đó là nguồn để động viên, thu hút và giữ chân người lao động ở khu vực công" Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM
Từ các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, thành phố sẽ vận dụng như thế nào để tháo gỡ các điểm nghẽn trên?
Việc tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất, tăng thu nhập để đảm bảo đời sống hay thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao ở thành phố đã được thành phố triển khai từ nhiều nhiệm kỳ. Chẳng hạn, thành phố có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân…
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thành phố được phép triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; về thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho thành phố để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy các tiềm năng, lợi thế, có nguồn lực để thúc đẩy thành phố phát triển. Trên cơ sở đó, TPHCM sẽ tổng hợp 3 chương trình đã triển khai để ban hành chương trình mới về đào tạo, quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho lãnh đạo tương lai của thành phố. Qua đó, TPHCM sẽ tiếp tục có các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào hệ thống chính trị của thành phố.
Đó là giải pháp chung, còn đối với từng địa phương, đơn vị cần lưu ý gì để thu hút được tài năng trẻ vào làm việc, thưa đồng chí?
Như tôi đã nói, Đề án 01 là đề án chung và từng cấp, từng ngành, từng địa phương cần cụ thể hóa bằng kế hoạch, đề án nhánh trong phát triển, hỗ trợ để thu hút, duy trì lực lượng lao động trẻ trong lĩnh vực của mình. Đó là việc rà soát, đánh giá, đưa ra các tiêu chí khi tuyển dụng; tạo môi trường làm việc thuận lợi để khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ khi tham gia công tác. Đó còn là việc đề ra các kiến nghị để thành phố có chính sách chung để hỗ trợ các lĩnh vực có lao động chất lượng cao, tài năng trẻ. Song song đó là quan tâm bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ công nhân trẻ tiêu biểu trong các doanh nghiệp; tạo môi trường làm việc tốt nhất cho các chuyên gia, nhà khoa học phát huy tài năng của mình, để họ an tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị công tác.
Về phía cấp ủy, Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu phải đánh giá chính xác về triển vọng, năng lực của cán bộ trẻ để đưa vào quy hoạch các chức danh cũng như luân chuyển về cơ sở để rèn luyện, tiếp cận chức danh quy hoạch, tạo nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Trong rà soát, bổ sung quy hoạch phải đảm bảo cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ để quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tạo lực lượng kế thừa vững bước trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại TPHCM.