Đối thoại quốc gia về an toàn lao động: Chia sẻ, cùng tháo gỡ khó khăn

Mới đây, Hội đồng Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức đối thoại định kỳ năm 2022.

Sau khi Luật ATVSLĐ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, năm 2017, buổi đối thoại đầu tiên của Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ đã được tổ chức. Sau 5 cuộc đối thoại định kỳ, nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung. Điển hình, sau đối thoại năm 2019, Hội đồng đã tổng hợp những ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định: Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; tham gia vào quá trình ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Đối thoại định kỳ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách

Đối thoại định kỳ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách

Sau đối thoại năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong đó, có chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0%, áp dụng từ ngày 1/7/2021 - 30/6/2022. Sau đối thoại năm 2021, các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động.

Năm nay, Hội đồng đã trao đổi, đối thoại về nhiều nhóm ý kiến như: Quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quản lý công tác huấn luyện ATVSLĐ; chế độ, chính sách ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động; quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động...

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, thực hiện Luật ATVSLĐ trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó góp phần xây dựng cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện hơn.

Đối thoại xã hội từ lâu đã là một công cụ đắc lực và được ghi nhận rõ ràng trong lĩnh vực an toàn, sức khỏe nơi làm việc. Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam - nhấn mạnh: Đối thoại xã hội đề cập đến tất cả loại hình thương thuyết, tham vấn và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, giới chủ và chính phủ cũng như những chủ thể liên quan về các vấn đề quan ngại chung.

Ông PHAN VĂN ANH - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tiếp thu để điều chỉnh, bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong công tác ATVSLĐ.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thoai-quoc-gia-ve-an-toan-lao-dong-chia-se-cung-thao-go-kho-khan-177003.html