Đòi thực tập sinh thay đổi, HR, quản lý cũng phải thay đổi
Nếu kỳ vọng thực tập sinh thay đổi, cống hiến nhiều hơn, HR và các nhà quản lý cũng cần thay đổi thái độ và cách kết nối với người trẻ.
Hàng năm, các công ty, doanh nghiệp vẫn đăng tuyển thực tập sinh, tạo điều kiện cho các sinh viên trải nghiệm nghề nghiệp thực tế. Thông qua những đợt tuyển này, các nhà tuyển dụng lại có thêm cái nhìn mới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để kết nối với lao động trẻ dễ dàng hơn.
Đừng đánh đồng cả một thế hệ
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh Nguyễn Quân (quản lý nhân sự một công ty lĩnh vực giáo dục ở Hà Nội) cho biết hàng năm, công ty của anh tuyển khoảng 10 thực tập sinh, chủ yếu là lĩnh vực kinh doanh, marketing.
Đối tượng chủ yếu là những bạn ở độ tuổi 18-22, chưa có quá nhiều kinh nghiệm. Dù vậy, đa số đều rất sáng tạo, chủ động trong công việc, có thái độ cầu tiến, không ngại khó, sẵn sàng học hỏi từ anh chị đi trước.
“Các bạn cũng tự nhận thức được kinh nghiệm của mình còn ít nên khá cố gắng”, anh Quân đánh giá.
Trong số đó, một số thực tập sinh khiến nhà tuyển dụng này bất ngờ. Anh lấy ví dụ về một thực tập sinh tại bộ phận kinh doanh của công ty. Bạn này chưa tốt nghiệp, kinh nghiệm chưa nhiều, song với tính cách hướng ngoại, hòa đồng, hiểu biết về lĩnh vực (trong quá trình học tại trường), kết hợp với sự chỉ bảo của người hướng dẫn, đến tháng thứ hai thực tập, bạn đã khiến cả công ty bất ngờ vì đạt doanh số nhiều nhất trong tháng. Tất nhiên, em này có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của công ty.
Ngoài ra, anh Quân cũng gặp không ít thực tập sinh thành thạo các kỹ năng mềm như excel, chụp ảnh, thiết kế canva… Các bạn đều biết vận dụng tốt các kỹ năng này trong quá trình thực tập. Không ít bạn có cơ hội làm việc chính thức ngay từ năm 3, năm 4, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Tương tự, Hồng Anh, HR tại một công ty truyền thông, cũng nói cô đánh giá khá cao thái độ và trình độ của thực tập sinh trong vài năm gần đây. Không riêng bộ phận nhân sự, bộ phận quản lý trực tiếp làm việc với các thực tập sinh cũng dành nhiều lời lời khen.
Hồng Anh cho biết công ty của cô tuyển thực tập sinh theo đợt vào tháng 3 và tháng 10 hàng năm, mỗi đợt chỉ tuyển tối đa 3 thực tập sinh là sinh viên năm 3-4 tại các trường đào tạo về mảng truyền thông.
Về trình độ, nữ HR nhận thấy kỹ năng của các sinh viên ngày nay đều khá cao và đồng đều. Dù chưa đi làm ở doanh nghiệp, các bạn đã có được những kỹ năng làm việc mà doanh nghiệp cần, thậm chí thành thạo hơn so với một số nhân viên chính thức.
Hồng Anh lấy ví dụ một sinh viên thực tập năm 3 nhưng đã đi chụp ảnh, quay phim “dạo” từ năm nhất đại học. Do đó, sinh viên này có thể “cân” rất nhiều phần việc ở công ty dù nhiều đầu việc chưa được hướng dẫn đến.
Còn về thái độ, Hồng Anh nói với Tri Thức - Znews rằng thực tập sinh ở công ty cô đều chăm chỉ và có thái độ cầu tiến. Do mới là thực tập sinh, công ty chỉ giao lượng công việc vừa phải nhưng nhiều bạn lại chủ động đề nghị với công ty nhận thêm việc.
“Các thực tập sinh đi làm đúng giờ, tan làm đúng giờ. Tôi đánh giá cao điều ấy vì năng suất làm việc của các bạn cao, không cần phải OT (làm thêm giờ)”, Hồng Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thực tập sinh trên, Anh Quân cho biết một số trường hợp vẫn còn thiếu kiến thức, thiếu động lực làm việc, thái độ kém nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải trả lương cao trong quá trình thực tập. Lý do các bạn đưa ra là học ở trường top, nhiều công ty săn đón…
Dù vậy, anh Nguyễn Quân cũng cho rằng chỉ là thiểu số, thế hệ nào cũng có, không chỉ thế hệ trẻ hiện nay. Vì vậy, cũng không nên đánh đồng cả một thế hệ chỉ từ một vài nhân sự mình từng gặp.
Hồng Anh cũng thảo luận về vấn đề này. Cô cho rằng những trường hợp như vậy sẽ khó tránh khỏi vì đôi khi một số thực tập sinh chưa được rèn luyện kỹ nên còn thiếu kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Bản thân cô không coi đây là trở ngại, mà là cơ hội để hướng dẫn thêm cho thực tập sinh, từ đó tìm ra những cá nhân có tiềm năng mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
“Ai cũng có lần đầu. Giờ mình cứ cứng nhắc, bài xích các bạn thì doanh nghiệp lại rơi vào thế khó là không tìm được thực tập sinh. Ngày xưa mình cũng ‘non’ thì các bạn bây giờ cũng thế, cứ dẫn dắt các bạn dần dần thôi”, nữ HR nói.
Thay đổi thế nào cho hợp lý
Dưới góc độ là người quản lý nhân sự, anh Quân đánh giá với những bạn thực sự nghiêm túc trong học tập, trường học đã trang bị đủ cho các bạn kiến thức cơ bản. Thứ các bạn còn thiếu là kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế, vì vậy, giai đoạn thực tập rất quan trọng, các bạn cần tranh thủ tận dụng trước khi bước vào thị trường lao động.
Theo anh Quân, bên cạnh việc yêu cầu thực tập sinh phải thay đổi, thích ứng với môi trường công sở, phía HR hay các nhà quản lý cũng cần thay đổi. Phong cách làm việc có thể năng động, sáng tạo hơn để phù hợp và tận dụng được lợi thế của lao động Gen Z - sẽ là lực lượng chủ lực trong thời gian tới.
Anh lấy ví dụ các nhà quản lý có thể linh hoạt trong các quy định giờ làm việc. Gen Z là thế hệ không thích gò bó, công ty có thể đặt ra quy định trong 5-6 ngày làm việc/tuần sẽ có một ngày nhân sự được làm việc ở bất kỳ đâu thay vì đến công ty, miễn là đạt hiệu quả công việc. Mấu chốt là cần hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của nhân sự để đưa ra cách thúc đẩy hoặc hạn chế.
“Thực tế, nếu HR, quản lý vẫn khăng khăng giữ lối suy nghĩ cổ hủ, không chịu thay đổi để thích ứng thì dần dần, chính những người có kinh nghiệm cũng sẽ bị đào thải, bị thay thế bằng lực lượng lao động trẻ hiện nay”, anh Quân nhìn nhận.
Trong khi đó, Hồng Anh lại đề cập đến khái niệm “đồng hành”. Bản thân cô nhận thấy một số công ty chưa coi trọng thực tập sinh, nhận thực tập sinh vào làm nhưng giao quá nhiều việc, hoặc bỏ mặc, để các bạn “tự bơi” rồi không hướng dẫn tận tình. Bản thân cô thấy đây là một redflag khiến nhiều thực tập sinh chán nản rồi bỏ ngang dù mới nhận việc vài ngày.
Ngoài ra, nữ HR cũng khuyên các nhà quản lý nên dành sự công nhận cho các thực tập sinh nhiều hơn. Đối với các bạn trẻ, sự công nhận, khen ngợi chính là động lực lớn nhất để làm việc, nhưng các bạn lại chưa nhận được điều này khi làm việc ở doanh nghiệp.
“Nhiều người cứ nghĩ thực tập sinh chỉ là tạm thời, không mang lại giá trị nên không cần khen. Bản thân tôi nghĩ điều này là không nên vì dù làm ít làm nhiều, các bạn cũng đang đóng góp giá trị cho tập thể. Chúng ta phải khen, các thực tập sinh mới có động lực cố gắng nhiều hơn”, Hồng Anh khuyên.