Đời thường của cựu chiến binh Gạc Ma

Hàng năm, cứ đến ngày 14-3, các cựu chiến binh từng có mặt tại sự kiện Gạc Ma năm 1988 (chiến dịch CQ 88) lại gặp nhau, hỏi thăm chuyện gia đình và cùng sống lại những hồi ức cũ. Sau khoảnh khắc đó, họ lại trở về với đời thường, nhưng nhịp đập trong trái tim thì mãi mãi 2 chữ 'Trường Sa'.

Cựu chiến binh Trần Đức Lợi trở về đời thường với nghề kinh doanh. Ảnh: Văn Chương

Cựu chiến binh Trần Đức Lợi trở về đời thường với nghề kinh doanh. Ảnh: Văn Chương

Cách đây 3 năm, các cựu chiến binh Gạc Ma tập trung tại thành phố Đà Nẵng tương đối đông đủ. Có một lý do khiến họ không thể vắng mặt, đó là anh Dương Văn Dũng, một người đồng đội đang chống chọi những ngày cuối cùng với căn bệnh hiểm nghèo. Và cũng từ buổi gặp mặt đó, tôi đã giữ liên lạc, thỉnh thoảng lại ghé thăm gia đình các cựu chiến binh trong những chuyến công tác.

Có một khuôn mặt mà tôi rất ấn tượng, đó là cựu chiến binh Lê Minh Thoa. Anh Thoa đã giải ngũ từ năm 1996, tuy nhiên khó có thể đoán được anh đã rời quân ngũ, vì từ cách ăn mặc, xưng hô, đến cách nói của anh thì vẫn giống như một người lính đang tại ngũ. Ngày gặp mặt, anh Thoa thường mặc chiếc áo trắng chít gấu, đi giày bộ đội, tóc luôn cắt ngắn và rẽ ngôi. Anh là người trẻ trung nhất trong số các cựu chiến binh Gạc Ma.

Anh Thoa kể, tháng 11 năm 1996, anh ra quân với quân hàm Trung úy, mức thương tật 11% và nhận chế độ một lần. Rời Lữ đoàn 125 đóng ở Tân cảng Sài Gòn, anh quay về thành phố biển Quy Nhơn và bắt đầu cuộc sống mưu sinh của một người dân thường. Hiện nay, anh mở quán phở mang tên Trường Sa, ở địa chỉ số 5D, đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn (gần Hải đoàn 48 BĐBP). Thỉnh thoảng tôi ghé thăm quán và thấy anh cặm cụi nấu, rồi bê cho khách với thái độ vồn vã. Những người khách quen đi cùng tôi cho biết, đến vừa ăn sáng, vừa ủng hộ anh Thoa, là người đã từng chiến đấu ở Trường Sa năm 1988.

Anh Thoa kể lại, có những đêm, trong giấc ngủ chập chờn, anh thấy hình ảnh đồng đội mình chấp chới trên sóng biển, vậy là giật mình thức giấc, chờ trời sáng rồi lại bật điện để nấu bữa sáng cho khách. Nhà anh Thoa ở gần biển, ngày nào cũng nhìn thấy biển, nên ký ức của anh cứ thao thức, nỗi nhớ đồng đội lẫn trong tiếng sóng cứ trở về triền miên.

Cứ mỗi lần tổ chức gặp mặt, các cựu chiến binh lại có một “đại gia đình” tại thành phố Đà Nẵng để về, đó là trụ sở Công ty TNHH Nguyên Tiến, nằm ở bờ Đông của cầu Thuận Phước (126 Đặng Nhữ Lâm, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). So với các anh em cựu chiến binh, cựu chiến binh Trần Văn Tiến là người có sự nghiệp kinh doanh phát triển khá. Anh Tiến cho biết: “Khi rời quân ngũ, anh trở thành thủy thủ tàu viễn dương, rồi lang thang khắp nơi, sang Hồng Kông (Trung Quốc), rồi lại trở về Việt Nam. Đi làm vất vả, nhưng cuối năm là hết nhẵn túi”.

Giữa lúc khó khăn đó, anh tính tới việc thành lập doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tàu biển, sau đó học sâu thêm về đảm bảo an toàn hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa, đăng kiểm. Do nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, anh đã thành lập Trung tâm kiểm tra thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, đo chiều dày thiết bị tôn thân tàu… Hàng năm, mỗi lần gặp mặt đồng đội, anh thường trở thành người đứng ra bao bọc cho tất cả anh em ở xa đến, hoặc nhắn tin: "Anh em vào Đà Nẵng thì cứ tập trung hết đến đây ăn, ở. Đây là nơi làm việc và cũng là chỗ dành cho anh em mình như người nhà".

Những năm trước đây, anh đến từng gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở thành phố Đà Nẵng, xin gia đình sắp xếp lại bàn thờ. Anh gọi thợ chụp ảnh đến để họa lại chân dung, đóng khung ảnh đặt lên bàn thờ, phía sau mỗi tấm ảnh ghi lại cẩn thận ngày, tháng, năm sinh, nơi chiến đấu của từng đồng chí.

Cựu chiến binh Trần Văn Tiến trở về đời thường với Công ty TNHH Nguyên Tiến. Ảnh: Văn Chương

Cựu chiến binh Trần Văn Tiến trở về đời thường với Công ty TNHH Nguyên Tiến. Ảnh: Văn Chương

Mỗi cựu chiến binh về quê hương làm một nghề khác nhau, có người làm nghề xây dựng, có người trở về với cánh đồng lúa. Cựu chiến binh Phạm Văn Nhân, hiện sống ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là người có dáng vẻ khắc khổ nhưng lại hài hước nhất. Anh Nhân kể, cha mình là một lão nông được địa phương giao nhiệm vụ trông coi và nâng cống nước thủy lợi ở đội 1, thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Khi anh Nhân xuất ngũ, địa phương đã ưu tiên giao cho anh tiếp nối công việc của cha mình. Cuộc đời của người cựu binh năm xưa quanh quẩn với cánh đồng lúa nước và cày bừa 4 sào ruộng. Cứ 6 tháng, anh nhận được 80kg lúa thay cho tiền công.

Mỗi năm, những cựu chiến binh Gạc Ma lại tổ chức gặp mặt một lần. Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh, không phải lần nào các cựu binh cũng có mặt đông đủ. Cựu binh Trương Văn Hiền, hiện nay sống ở tỉnh Đắk Lắk, có dáng người gầy, nước da ngăm đen, do làm nghề xây dựng, suốt ngày đội nắng. Cuộc đời anh đã có nhiều năm tháng trải qua nỗi cơ cực, vì vậy sau những phút vui gặp nhau thì nét đăm chiêu lại hiện ra trên khuôn mặt.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh thường có mặt trong các buổi hội ngộ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Dịp vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh cách đây 2 năm, tôi đã đến thăm gia đình anh ở số 12, đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh. Anh Lanh vẫn nói đặc sệt giọng quê Quảng Bình, thái độ thân mật và cởi mở.

Gặp nhau trong bữa rượu, ban đầu là hỏi thăm gia đình, nhắc tên các anh em cùng thời, quê ở Quảng Bình, Gia Lai, Nam Định, sau đó là khoảng lặng. Không khí của của cuộc giao lưu, sau những giây phút trầm xuống thì lại là nụ cười, lời chúc tụng bằng những ngôn từ của người lính thời Binh nhất, Binh nhì. Ký ức về đời lính Trường Sa dường như ẩn náu sẵn đâu đó và chỉ chờ dịp là kéo mỗi người trở về với thời trai trẻ oanh liệt, xả thân vì nước...

Ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch CQ 88, xây dựng và bảo vệ các đảo ở Trường Sa. Sau 33 năm, các cựu chiến binh vẫn thường xuyên gặp nhau, nói chuyện vui nhộn như thời binh nhì. Mọi người hay nhắc câu nói hài hước của cựu chiến binh Phạm Văn Nhân: "Cơ bản là tớ vẫn trẻ, nhưng tóc thì bạc, răng thì sắp rụng thêm vài cái nữa".

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-thuong-cua-cuu-chien-binh-gac-ma-post437956.html