Đối tượng bắn chết người do tưởng gà rừng sẽ bị xử lý như thế nào?
Trong quá trình đi săn, thấy phía dưới vỉa taluy có tiếng động, tưởng gà rừng nên đối tượng Phàn Xuân Dũng dương súng kíp ngắm bắn. Để rồi, khi lại gần Dũng chẳng thấy gà đâu mà đó là một người đàn ông gục xuống trên vũng máu.
Công an tỉnh Lai Châu đang tạm giữ hình sự đối tượng Phàn Xuân Dũng (SN 1983, trú tại bản San Dì, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu) để điều tra về hành vi gây ra cái chết của ông Lù Kim Mìn (SN 1978, ở bản Ho Sao Chải, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ).
Trước đó, ông Mìn đi bẫy thú ở khu vực rừng tái sinh giáp ranh xã Mường So và xã Khổng Lào nhưng không về nhà. Gia đình đã tìm kiếm nhiều ngày nhưng không thấy. Sáng 22/4, gia đình phát hiện thi thể ông Mìn ở hang nhím trong tình trạng tử thi đang phân hủy mạnh. Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân chết do bị 3 viên đạn bi (súng kíp) bắn vào vùng đầu, mặt gây tử vong.
Trong khi cơ quan công an đang khoanh vùng các đối tượng nghi vấn thì khoảng 20 giờ ngày 22/4, Phàn Xuân Dũng đã đến đầu thú và khai nhận hắn là hung thủ gây ra cái chết của ông Mìn. Dũng khai nhận, trước đó hắn rủ 2 người cùng bản đến khu vực đồi Bãi Trâu (xã Mường So, huyện Phong Thổ) săn bắn. Khi thấy dưới phía taluy âm có động đậy, tưởng gà rừng nên Dũng đã chĩa súng ngắm bắn. Đến gần kiểm tra thì phát hiện mình đã bắn nhầm khiến ông Mìn tử vong.
Sau đó, Dũng nhờ 2 người đi cùng khiêng xác nạn nhân đi giấu cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 300 mét trong một hang rồi dùng dao đào đất lấp cửa lại. Để che giấu hành vi phạm tội, Dũng tháo súng kíp của nạn nhân thành các bộ phận khác nhau cất xung quanh hiện trường rồi đi về nhà. Dũng nói với 2 người đi cùng nếu báo công an thì hắn sẽ tự tử.
Theo luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), quyền sống của con người là thiêng liêng và quý giá nhất. Nhà nước luôn chú trọng đến việc xử lý những tội phạm xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe con người. Trong vụ việc trên, dù Dũng không cố tình tước đoạt mạng sống của ông Mìn nhưng đối tượng này vẫn sẽ bị xử lý về tội "Vô ý làm chết người" được quy định tại Điều 128 (BLHS 2015).
"Tội vô ý làm chết người là tội phạm có cấu thành vật chất. Do vậy, hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi trên. Bên cạnh đó, người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự với tội "Vô ý làm chết người". Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của tội danh này", luật sư Anh phân tích.
Cũng theo luật sư Anh, người phạm tội thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin. Theo đó, làm chết người với lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra và có thể ngăn ngừa được nhưng cuối cùng hậu quả đó vẫn xảy ra. Trong hai trường hợp này, người phạm tội đều không mong muốn hành vi tước đoạt đi tính mạng của người khác.
"Vô ý làm chết người là hành vi xâm phạm đến quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người. Vì vậy, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mặc dù việc gây ra hậu quả chết người không xuất phát từ mục đích, động cơ có sẵn nhưng hậu quả của hành vi này liên quan đến tính mạng của con người nên dù là hành vi vô ý vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 (Bộ luật Dân sự 2015). Mức bồi thường do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định", luật sư Anh chia sẻ.
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.