Đổi xe máy cũ lấy xe máy mới: Làm thế nào để khả thi, lâu dài?
Về chương trình 'Đổi xe máy cũ lấy xe mới' đang được tổ chức tại một số quận trên địa bàn Hà Nội, nhiều luật sư cho rằng điều này thực sự thiết thực, ý nghĩa, song quan trọng là làm thế nào để mang tính khả thi, lâu dài.
“Đổi xe máy cũ lấy xe mới” là một trong những nội dung trong chương trình “Thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố" do Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức từ 12/11 đến 30/11/2021.
Chương trình này nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, thực thi các giải pháp cải thiện chất lượng không khí và quản lý giao thông hiệu quả.
Chương trình gồm 4 hoạt động: Đo kiểm khí thải, thí điểm tiếp nhận xe mô tô, xe gắn máy cũ mà người dân thải bỏ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới, khảo sát ý kiến người dân về tác động của chính sách kiểm soát khí thải xe máy.
Theo đó, đối với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002, thuộc 5 hãng xe Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM, người dân có nhu cầu chuyển đổi sang xe máy mới sẽ được tư vấn, hướng dẫn.
Nếu đáp ứng các điều kiện quy định, chủ phương tiện sẽ nhận được các mức hỗ trợ tối đa lên đến 4 triệu đồng.
Ngoài ra chủ phương tiện cũng được kiểm tra miễn phí khí thải xe máy khi mang xe thuộc 5 hãng trên đến 8 điểm kiểm định hiện có tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng triệu xe máy cũ nát, có tuổi đời trên 20 năm, thậm chí từ 30-50 năm không còn đủ điều kiện sử dụng, khí thải ra môi trường rất lớn, làm gia tăng ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông.
Do đó, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe mới là chủ trương đúng đắn được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời qua đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, quản lý được thời hạn hoạt động và mức độ khí thải của các phương tiện giao thông.
Tuy vậy, điều này chỉ là giải pháp tạm thời bởi hiện vẫn còn một số người dân e ngại chưa muốn mang xe đi đổi vì cho rằng số tiền hỗ trợ còn thấp, trong khi giá trị của phương tiện giao thông mới cao gấp nhiều lần, nên nhiều gia đình không có khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Hồng Vân, mặc dù Quyết định 16/2015/QĐ-TTg về việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (trong đó có xe máy) đã nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chính sách, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thiết lập các điểm thu hồi và triển khai hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo Nghị định 19/2015/NĐ-CP.
Song, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định về niên hạn sử dụng của xe máy mà chỉ có quy định về niên hạn đối với ô tô tại Nghị định 95/2009/NĐ-CP. Do việc thu hồi xe máy cũ nát không hề đơn giản, bởi đó là tài sản của người dân nên cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ.
“Để quản lý phương tiện xe máy đảm bảo đủ điều kiện chất lượng, an toàn khi sử dụng, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý để quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại xe máy hoặc quản lý trên cơ sở yêu cầu kỹ thuật, khí thải đạt thì mới được tham gia giao thông và ngược lại. Đây mới là giải pháp khả thi và mang tính lâu dài” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.