Đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên vùng quê Thánh
Lễ hội đền Thánh Nguyễn năm 2025 được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Thiền sư Nguyễn Minh Không. Năm nay, lễ hội lần đầu tiên được tổ chức với vị thế di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà dâng hương tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Đình Minh
Sáng 6/4, tại xã Tiến Thắng, UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình) tổ chức lễ hội đền Thánh Nguyễn năm 2025 và đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng dự lễ khai mạc.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà dâng hương tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Đình Minh
Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Gia Viễn đã công bố quyết định số 3986/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận lễ hội đền Thánh Nguyễn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Đền Thánh Nguyễn cho đại diện xã Tiến Thắng.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chúc mừng lễ hội đền Thánh Nguyễn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đình Minh
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Đền thờ Đức Thánh Nguyễn ở Đàm Xá từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng, được xưng tụng là một trong 'Hoa Lư Tứ trấn'.
Để thể hiện lòng tôn kính đối với vị Lý triều Quốc sư, đã thành thông lệ, hằng năm, cứ vào mùng 8, 9, 10 tháng 3 âm lịch, người dân trong vùng tại tìm về đền Thánh Nguyễn để tri ân, tưởng nhớ công đức của ngài.

Lãnh đạo huyện Gia Viễn đánh chiêng khai mạc lễ hội. Ảnh: Đình Minh
Ngay sau những hồi trống, hồi chiêng khai mạc lễ hội, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề: 'Huyền thoại Lý Quốc sư Minh Không hiển linh trường tồn - Gia Viễn rạng rỡ một miền quê'.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Thiền sư Nguyễn Minh Không có tên húy là Nguyễn Chí Thành, quê làng Đàm Xá, tổng Đại Hữu, phủ Trường Yên (nay thuộc xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn). Ông sinh năm 1.065 trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ mất sớm, phải đi đánh bắt cá, sinh sống trên sông Hoàng Long.
Sau khi đi chu du thiên hạ, ông sang Tây Trúc học đạo và kết nghĩa anh em với Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải, là hai vị chân sư có uy tín đương thời. Khi tu hành đắc đạo, Nguyễn Chí Thành trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lập nhiều chùa ở các nơi.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại, năm 1.131 nhà Lý dựng nhà cho Đại sư Minh Không, đến 1136 thì thiền sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, sau đó được phong làm Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống Tăng quan nhà Lý.
Không chỉ là một danh y nổi tiếng, thiền sư Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Tương truyền, ông là người góp phần xây dựng, kiến tạo nên 'Tứ đại khí' nổi tiếng thời Lý là Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh.
Với những đóng góp của mình, ông cùng với Trần Hưng Đạo, là 2 nhân vật lịch sử có thật được người Việt tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn, Đức Thánh Trần và được hậu thế thờ ở rất nhiều đền, đình, và cả trong chùa.