Đòn bẩy khí đốt của Nga mất dần sức nặng, châu Âu liệu có thể 'lật ngược thế cờ'?

Châu Âu có vẻ như đã 'cai nghiện' thành công khí đốt của Nga, dù giá khí đốt tại châu Âu vẫn ở mức cao hơn trung bình 10 năm qua.

Hơn một năm qua, EU đã làm nhiều cách để thoát ly khí đốt Nga. (Nguồn: AFP)

Hơn một năm qua, EU đã làm nhiều cách để thoát ly khí đốt Nga. (Nguồn: AFP)

Tác giả Borys Dodonov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và khí hậu tại Viện Kinh tế Trường Đại học Quốc gia Kiev nhận định trên trang Barron's rằng, việc Nga sử dụng nguồn cung cấp khí đốt như một "vũ khí" chống lại các nước láng giềng và Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến nước này mất vị thế như một nhà cuang cấp đáng tin cậy.

Theo tác giả này, sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã dần dần siết chặt nguồn cung khí đốt của châu Âu bằng cách yêu cầu các quốc gia trong khu vực thanh toán bằng đồng Ruble, chấm dứt hợp đồng với nhiều quốc gia và đơn phương đóng cửa các đường ống Yamal và Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc).

Sự siết chặt của Nga đã có một tác động bất lợi lớn và ngay lập tức. Tại EU, giá xăng tăng hơn 10 lần so với giá bình thường, gây ra lạm phát, giảm thu nhập và lợi nhuận, cũng như ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Nga vẫn đạt doanh thu khí đốt kỷ lục - tăng 55,7% vào năm 2022 - ngay cả khi xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu giảm 56,1%.

Dư dả khí đốt

Tuy nhiên, nỗ lực "vũ khí hóa" khí đốt của Điện Kremlin đã dẫn đến một sự điều chỉnh khác thường tại khối 27 thành viên.

Hãng tin Euro News nhận định, châu Âu đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga bằng cách đẩy mạnh ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên khắp châu Âu đã khiến công suất quang điện của châu lục này đạt con số kỉ lục 40 gigawatt vào năm 2022, tăng 35% so với năm 2021.

Lý do cho kết quả trên là bởi người tiêu dùng cho rằng, các tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ sẽ là cách hiệu quả để họ cắt giảm hóa đơn năng lượng. Về cơ bản, điều này đã đẩy nhanh tiến độ của việc triển khai khai thác năng lượng mặt trời ở châu Âu.

Nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống đến châu Âu giảm 85% so với mức trước chiến dịch quân sự. Thay vào đó, khối 27 thành viên tăng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu. Châu Âu là khách hàng lớn nhất trên thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu trong năm 2022.

Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 101 triệu tấn LNG trong năm 2022, nhiều hơn 58% so với năm trước đó. Khối này chiếm 24% lượng nhập khẩu LNG toàn cầu trong năm ngoái.

Dữ liệu từ tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel ở Brussels (Bỉ) cũng chứng minh, LNG hiện chiếm khoảng 35% nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu, tăng từ 20% vào năm 2021.

Song song với đó, dự trữ khí đốt của châu Âu cũng luôn ở mức cao kỷ lục. Theo Cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu, kho dự trữ khí đốt của EU đã đạt 55,7% công suất vào đầu tháng 4/2023, mức cao nhất vào cùng thời điểm kể từ năm 2011. Mức này cao hơn khoảng 20% so với trung bình 5 năm trước.

Thành công này dẫn đến giá khí đốt giảm nhanh.

Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson nói: "Các kho chứa khí đốt của EU đã được lấp đầy hơn một nửa, điều đó có nghĩa chúng tôi đã kết thúc mùa cần sưởi ấm mà vẫn duy trì được trạng thái tốt".

Nhà phân tích Henning Gloystein tại công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá, châu Âu có vẻ như đã "cai nghiện" thành công khí đốt của Nga. Giá khí đốt tại châu Âu vẫn ở mức cao hơn trung bình 10 năm qua, nhưng không còn cần phải định giá trước nguy cơ thiếu hụt hoàn toàn.

Còn ông Natasha Fielding, người đứng đầu bộ phận định giá khí đốt của châu Âu tại công ty dữ liệu công nghiệp Argus Media thì nhận thấy: "Thay vì thiếu khí đốt, EU có vẻ sẽ dư dả vào mùa Hè này".

Vào tháng 1/2023, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nói rằng khối này đã hoàn toàn "thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga".

Ông khẳng định: "Trong vài tháng, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã trải qua giai đoạn năng lượng tăng giá cực kỳ căng thẳng, nhưng giá năng lượng đang quay trở lại như thời kỳ trước chiến dịch quân sự đặc biệt".

Cơ hội của châu Âu

Theo tác giả Borys Dodonov, hiện Nga đã mất đòn bẩy trong việc sử dụng "vũ khí" khí đốt, châu Âu có một cơ hội tuyệt vời để "trả đũa". Dưới đây là bốn bước mà tác giả Borys Dodonov cho rằng EU có thể thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, để tăng cường khả năng phục hồi khí đốt của EU và thoát ly Nga, khối 27 thành viên này nên nâng cao mục tiêu lưu trữ khí đốt. Kế hoạch hiện tại là lấp đầy 90% các cơ sở lưu trữ trước ngày 1/11.

Thứ hai, EU nên chấm dứt mọi hoạt động mua khí đốt qua đường ống dẫn của Nga ngoại trừ qua Ukraine. Làm như vậy sẽ chấm dứt dòng chảy hiện tại khoảng 10 tỷ mét khối (bcm) một năm qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ ba, khối nên chấm dứt việc mua LNG của Nga. Trong báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, nhập khẩu LNG tại các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu được dự báo sẽ giảm trong thời gian còn lại của năm 2023, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong quý đầu tiên. Sự thay đổi này là do nhu cầu lưu trữ thấp hơn và nhu cầu khí đốt giảm.

Thứ tư, vì châu Âu không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã đến lúc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty khí đốt chủ chốt của Nga, bao gồm cả Gazprom và Gazprombank.

Khó khăn không phải đã hết

Nga mất vị thế là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu. Tỷ trọng khí đốt của nước này trong tổng nhập khẩu của EU đã giảm xuống chỉ còn 8% trong những tháng đầu năm 2023. Đồng thời, kho dự trữ khí đốt của châu Âu đang ở mức cao kỷ lục và giá đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh vào quý III năm ngoái.

Tuy nhiên, giá năng lượng cao vào năm 2022 đã gây ra tổn thất phúc lợi cho người tiêu dùng. Do đó, theo tác giả Borys Dodonov, các biện pháp trừng phạt là cần thiết để ngăn chặn hành vi tương tự từ bất kỳ quốc gia nào khác trong tương lai.

Tác giả Borys Dodonov nhấn mạnh: "Trong năm tới, các biện pháp này sẽ làm giảm 8 tỷ USD thu nhập xuất khẩu của Nga. Kế hoạch này có thể giúp 'lật ngược thế cờ' với Nga, từ việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga sang Moscow phụ thuộc vào Ukraine để tiếp cận thị trường châu Âu".

Dù vậy, theo hãng tin Reuters, châu Âu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên thị trường năng lượng.

Khối đã không đạt được đủ tiến bộ trong việc chốt các hợp đồng dài hạn đối với LNG - một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga. Điều này có thể gây tốn kém vào mùa Đông tới do nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi có thể thắt chặt thị trường.

Các mục tiêu khí hậu của khu vực (như cắt giảm lượng khí thải ròng ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050) có nghĩa là những người mua LNG ở châu lục này rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa việc cam kết khung thời gian cần thiết để hạn chế nhập LNG với việc tìm kiếm giá rẻ hơn theo hợp đồng dài hạn.

Ông Morten Frisch, nhà tư vấn cấp cao của Morten Frisch Consulting (tổ chức tư vấn về khí đốt) nhận định: "Châu Âu cần khoảng 70-75% nguồn cung LNG của mình theo các thỏa thuận mua bán dài hạn (SPA). Nhưng hiện tại, khu vực trở nên quá phụ thuộc vào việc mua LNG tại chỗ và ngắn hạn".

(theo Barron's, Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/don-bay-khi-dot-cua-nga-mat-dan-suc-nang-chau-au-lieu-co-the-lat-nguoc-the-co-226078.html