'Đòn bẩy' khơi thông nguồn lực cho phát triển

Với vị thế của đô thị tỉnh lỵ, TP Thanh Hóa đang nắm giữ nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh. Song, để tận dụng tối đa các lợi thế, nhằm tạo sự đột phá mạnh mẽ, thì cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đóng vai trò 'đòn bẩy' để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Không gian xanh của Công viên Hội An - một điểm nhấn cảnh quan góp phần làm đẹp diện mạo đô thị.

Không gian xanh của Công viên Hội An - một điểm nhấn cảnh quan góp phần làm đẹp diện mạo đô thị.

Trong định hướng phát triển, TP Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của khu vực, góp phần tạo động lực để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Muốn vậy, thành phố phải khai thác và phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Trước yêu cầu có tính cấp bách đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã xem xét ban hành Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thanh Hóa. Với các cơ chế, chính sách thông thoáng, thiết thực về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở để thành phố tăng cường thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, cho nên bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, sẽ góp phần tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Đối với TP Thanh Hóa, tài nguyên đất đai càng quý giá và đóng vai trò rất quan trọng, cần được khai thác phù hợp, hiệu quả. Trên tinh thần đó, Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND đã đề ra một chính sách trọng tâm có tính “đòn bẩy”, là ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất, thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn, với số thu tiền sử dụng đất không quá 7.000 tỷ đồng, để thực hiện đầu tư xây dựng 10 công trình dự án trọng điểm trên địa bàn. Điều kiện đặt ra là hằng năm, phải hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh và tăng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố từ 10% trở lên.

Bên cạnh cơ chế rất thiết thực kể trên, tỉnh còn ưu tiên lựa chọn và đầu tư một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố từ nguồn vốn tỉnh vay, thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay từ các tổ chức tài chính trong nước và các nguồn vốn vay khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, thành phố được bổ sung đến mức tối đa lên 140 tỷ đồng/năm (theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 1/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từ năm 2023, để thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết thị chính trên địa bàn. Đồng thời, được hưởng tỷ lệ điều tiết 100% từ nguồn thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền trên địa bàn, trong điều kiện tổng nguồn thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền của thành phố trong năm không hụt thu.

Để tận dụng tối đa những lợi ích mà các cơ chế, chính sách đặc thù mang lại, Thành ủy, HĐND, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, khoa học và bám sát tình hình thực tiễn địa phương. Nhờ đó, nhiều chính sách đã nhanh chóng được triển khai và mang lại kết quả bước đầu trong việc kiến tạo đô thị.

Đối với 19 dự án khai thác quỹ đất, thành phố đã và đang triển khai thực hiện các bước, thủ tục theo quy định pháp luật có liên quan để lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, 10 dự án được ưu tiên đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án khai thác quỹ đất áp dụng chính sách đặc thù, thành phố cũng đang triển khai thực hiện các bước theo quy định để đầu tư xây dựng. Đối với chính sách về nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết thị chính, hiện thành phố đã được bố trí 140 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ chi về kiến thiết thị chính, góp phần từng bước thay đổi diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, đây cũng là nguồn lực quan trọng, góp phần giải quyết các vấn đề còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, xã hội, giao thông đô thị và tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, nguồn lực được bổ sung đã giúp thành phố mở rộng phạm vi thực hiện các nhiệm vụ về kiến thiết thị chính, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.

Riêng chính sách về điều tiết 100% nguồn thu từ lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền, hiện chưa thực hiện được. Bởi, theo Quyết định số 4528/2022/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương năm 2023, tỉnh Thanh Hóa, dự toán thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền trên địa bàn TP Thanh Hóa đã được tính điều tiết 100% ngân sách thành phố (249 tỷ đồng/249 tỷ đồng). Tuy nhiên, số thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền trên địa bàn thành phố năm 2023 chỉ đạt 218,5 tỷ đồng, không hoàn thành dự toán nên không đảm bảo điều kiện thực hiện. Vì vậy, năm 2023, TP Thanh Hóa không được hưởng chính sách đặc thù của Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND.

Cơ chế, chính sách đặc thù đóng vai trò “đòn bẩy”, thì đòi hỏi tính khả thi phải cao và hiệu quả mang lại phải thực sự trở thành trợ lực cho tăng trưởng kinh tế, hay thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND trên địa bàn thành phố cho thấy, vẫn còn những khó khăn, bất cập, vướng mắc khiến cho các cơ chế, chính sách đặc thù chưa mang lại kết quả như mong đợi. Do đó, UBND thành phố đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về điều kiện áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thanh Hóa về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước tại Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND.

Trên cơ sở kiến nghị của thành phố, ngày 15/10/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2024/NQ-HĐND, sửa đổi một số chính sách. Trong đó, ngân sách TP Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất, thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn, với số thu tiền sử dụng đất không quá 10.000 tỷ đồng (chính sách cũ là không quá 7.000 tỷ đồng). Đồng thời, bãi bỏ chính sách điều tiết nguồn thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền do không phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, thống nhất danh mục dự án khai thác quỹ đất áp dụng chính sách đặc thù và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, như kiến nghị của UBND thành phố.

Với sự bổ sung, điều chỉnh này, kỳ vọng sẽ tạo cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/don-bay-khoi-thong-nguon-luc-cho-phat-trien-233551.htm