'Đòn bẩy' nào giúp ngành chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững?
Thời gian qua, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô và sản lượng, song vẫn đối mặt nhiều thách thức như liên kết chuỗi yếu, ứng dụng công nghệ chậm, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Để phát triển bền vững, ngành cần đẩy mạnh hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo tại Hội nghị Bàn giải pháp phát triển ngành gia cầm theo chuỗi giá trị bền vững.
Đây là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị “Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững” được tổ chức sáng 22/5, tại Hà Nội.
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Hiệp hội Gia cầm Việt Nam và sự đồng hành cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Triển lãm VNU Exhibitions Asia Pacific, Công ty cổ phần Triển lãm Công nghệ và Sự kiện quốc tế ITEC tổ chức.
Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và chuyên gia trong và ngoài nước cùng phân tích thực trạng, đánh giá tiềm năng và đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm phát triển ngành gia cầm theo hướng hiện đại, hiệu quả, an toàn và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị.
Ngành gia cầm phát triển mạnh nhưng đối mặt nhiều thách thức
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh, chăn nuôi gia cầm là một trong ba ngành chủ lực, cùng với chăn nuôi lợn và trâu bò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 100 triệu dân trong nước và hàng chục triệu khách du lịch quốc tế.
Từ xuất phát điểm là chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, ngành gia cầm Việt Nam đã có bước chuyển mạnh mẽ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Năm 2024, sản lượng thịt gia cầm đạt 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả, không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá cả biến động, thị trường tiêu thụ bấp bênh, mô hình phát triển thiếu ổn định, thậm chí có dấu hiệu khủng hoảng niềm tin trong doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: Chăn nuôi gia cầm là một nghề truyền thống lâu đời, không những giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân mà còn đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sau gần 40 năm đổi mới, ngành gia cầm đã phát triển vượt bậc cả về quy mô, sản lượng, giá trị sản xuất và trình độ công nghệ.
Việt Nam hiện thuộc nhóm 10 quốc gia có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới; riêng đàn thủy cầm đứng thứ hai toàn cầu. Giai đoạn 2020-2024, đàn gia cầm tăng từ 512,675 triệu con lên 584,414 triệu con, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,3%/năm.
Việt Nam hiện thuộc nhóm 10 quốc gia có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới; riêng đàn thủy cầm đứng thứ hai toàn cầu. Giai đoạn 2020-2024, đàn gia cầm tăng từ 512,675 triệu con lên 584,414 triệu con, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,3%/năm.
Trong cơ cấu đàn, khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ cao nhất với 23,19%; tiếp theo là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung 22,44%; thấp nhất là Tây Nguyên với 6,03%. Tuy nhiên, Tây Nguyên lại là vùng có tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm cao nhất, đạt bình quân 6,4%/năm.

Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ tại Hội nghị.
Tổng sản lượng thịt hơi gia cầm năm 2024 đạt 2,458 triệu tấn, tăng bình quân 6,9%/năm trong giai đoạn 2020-2024. Trong đó, sản lượng thịt gà tăng bình quân 7,8%/năm, nhanh hơn so với thịt thủy cầm là 3,5%/năm. Riêng thịt ngỗng giảm bình quân 2%/năm, từ 2,05 nghìn tấn (năm 2020) xuống 1,89 nghìn tấn (năm 2024).
Tăng cường liên kết chuỗi, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao
Theo ông Phạm Kim Đăng, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8-6,1 triệu con giống gia cầm và từ 4,6 đến 5,1 nghìn tấn thịt gia cầm các loại. Ngành chăn nuôi gia cầm đang đứng trước nhiều thuận lợi như thể chế đồng bộ, hội nhập, thị trường tiêu thụ tiềm năng, giá thức ăn chăn nuôi giảm và cơ hội tiếp cận công nghệ mới, quản trị hiện đại.
Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm tập quán sản xuất-phân phối nhỏ lẻ, dịch bệnh, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, liên kết chuỗi giá trị còn ít, công tác thống kê và dự báo cung-cầu còn hạn chế. Ngoài ra, tác động từ biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại, xung đột địa chính trị cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành.
Liên kết chuỗi trong chăn nuôi hiện nay còn yếu, số chuỗi khép kín do doanh nghiệp lớn đầu tư còn ít, thiếu kết nối giữa các khâu như sản xuất giống, chăn nuôi, giết mổ-chế biến và tiêu thụ. Người chăn nuôi dễ bị ép giá bởi thương lái, an toàn thực phẩm và minh bạch chuỗi cung ứng còn hạn chế, gây khó khăn trong xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vẫn còn chậm, đặc biệt ở các trang trại vừa và nhỏ, hộ chăn nuôi, khiến hiệu quả sản xuất thấp, hao hụt lớn, khó cạnh tranh với các quốc gia có nền chăn nuôi tiên tiến.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4,0%-5,0% so với năm 2024, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp đạt 28%-30%. Chiến lược chăn nuôi đến năm 2025 đặt mục tiêu thịt gia cầm chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thịt, sản lượng trứng đạt 16-17 tỷ quả; đến năm 2030 tăng lên 28-30%, sản lượng trứng đạt 22-23 tỷ quả. Xuất khẩu 20%-25% sản lượng thịt và trứng gia cầm. Tỷ lệ thịt gia cầm chế biến đạt 25%-30% vào năm 2025 và 40%-50% vào năm 2030.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, yêu cầu ngành chăn nuôi gia cầm tập trung phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi gia cầm tập trung phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi truyền thống cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ, bảo đảm phúc lợi động vật để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Tiềm năng của ngành chăn nuôi rất lớn. Về quản lý, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với bối cảnh mới, cắt giảm thủ tục hành chính. Ngành chăn nuôi cần chú trọng đầu tư khoa học-công nghệ, nhất là trong sản xuất con giống, thúc đẩy chế biến sâu, tăng cường quản lý giết mổ gắn với an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở chăn nuôi tại vùng quy hoạch hợp lý, xa khu dân cư, bảo đảm an toàn sinh học, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, Newcastle và các bệnh khác.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tiềm năng của ngành chăn nuôi rất lớn. Về quản lý, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với bối cảnh mới, cắt giảm thủ tục hành chính.
"Ngành chăn nuôi cần chú trọng đầu tư khoa học-công nghệ, nhất là trong sản xuất con giống, thúc đẩy chế biến sâu, tăng cường quản lý giết mổ gắn với an toàn thực phẩm. Phát triển chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, đến chế biến và thương mại; đẩy mạnh hợp tác quốc tế gắn với khoa học, đổi mới sáng tạo, xem công nghệ là nhiệm vụ tiên phong để phát triển ngành một cách bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.