'Đòn bẩy' phát triển vận tải thủy liên vận quốc tế

Việt Nam kết nối tuyến sông và ven biển với quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia..., điều này mở ra cơ hội thúc đẩy vận tải đường thủy qua biên giới, đem lại hiệu quả, lợi ích kinh tế - xã hội.

Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Hợp tác hiệu quả với Campuchia

Thành phố Cần Thơ phát triển dọc theo hai bên bờ sông Hậu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Thành phố Cần Thơ phát triển dọc theo hai bên bờ sông Hậu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ngành đường thủy đã và đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo thuận lợi phát triển vận tải; trong đó, với Campuchia, từ năm 2009, hai nước đã ký kết Hiệp định về vận tải thủy (Hiệp định), có hiệu lực năm 2011, nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện tự do giao thông thủy hiệu quả trên Hệ thống sông Mê Kông vì sự phát triển bền vững lưu vực sông, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy quá cảnh và qua biên giới trên các tuyến đường thủy quy định.

Ông Tạ Văn Thanh, Phó Phòng Vận tải (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết, từ khi Hiệp định về vận tải thủy Việt Nam- Campuchia có hiệu lực năm 2021, hai nước đã làm thủ tục cho gần 78.000 lượt phương tiện, hơn 406.000 lượt thuyền viên, gần 20 triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách thông qua, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hữu nghị giữa hai nước. Hàng hóa thông qua tuyến ngày càng tăng, riêng hàng container thông qua tuyến tăng trung bình 20%/năm. Năm 2021 đạt gần 350.000 Teus và hơn 800.000 tấn hàng lỏng, hàng rời; năm 2022 đạt khoảng 400.000 Teus và gần 1triệu tấn hàng lỏng, hàng rời. Trong hai tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến này đạt trên 150.000 tấn.

Lượng hàng thông qua tuyến này, đem lại công việc cho người lao động và nguồn lợi khoảng 60 triệu USD/năm cho các doanh nghiệp vận tải thủy, doanh nghiệp xếp dỡ của Việt Nam.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xác định, đây là một trong các tuyến vận tải thủy quan trọng, không chỉ góp phần tăng cường giao thương, quan hệ hợp tác hai nước mà còn phục vụ thiết thực cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Vì vậy, những năm qua, Cục luôn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thông thủy giữa hai nước.

Điểm sáng về kết quả trong 2 năm qua, đó là đã kiến nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021. Theo đó, phương tiện thủy nội địa hoạt động vận tải trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định, khi vào, rời khu vực hàng hải thực hiện nộp phí, lệ phí theo mức phí, lệ phí đường thủy thay vì mức phí lệ phí hàng hải quốc tế, vì thế thấp hơn 10 đến 11 lần so với mức phí cũ.

Cùng với đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng kiến nghị Tp. Hồ Chí Minh về mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và thành phố đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Theo đó, kể từ ngày 1/8/2022, miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các quy định này đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp vận tải thủy, giảm chi phí logistics nói chung, qua đó góp phần thu hút hàng hóa trên tuyến.

Đặc biệt, tính đến nay, trên tuyến vận tải này đã có khoảng 100 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác vận tải trên tuyến; trong đó một số doanh nghiệp lớn khai thác hàng container có văn phòng đại diện ở Campuchia, gồm SNP, Gemadept, GLS, Tân Cảng Cypress…

Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển bền vững tuyến vận tải thủy này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai ngay một số giải pháp; trong đó có việc rà soát quy định về kiểm tra, giám sát hàng hóa quá cảnh theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm thời gian, chi phí vận tải, logistics…

Cụ thể hóa tiềm năng hợp tác với Lào

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, trong chương trình chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác; trong đó có bản Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam - Bộ Công chính và Vận tải Lào.

Bản Thỏa thuận được ký kết là kết quả nỗ lực hợp tác trong suốt gần ba năm qua giữa Bộ Công chính và Vận tải, Cục Vận tải thủy Lào và Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Cùng với đó là nỗ lực của các cơ quan liên quan trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy Việt Nam như Cục Hàng hải Việt Nam….

Ông Bùi Thiên Thu, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chia sẻ, để hoàn thiện bản dự thảo Thỏa thuận, đoàn công tác Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải Luang Prabang và khảo sát thực tế các tuyến sông: Mê Kông, Nam Khan và sông Tà Ngòn; thăm và làm việc tại cảng thủy Luang Prabang, cảng cạn Tha Na Leng - Vientiane Logistics Park và cảng thủy Vientiane (Km4).

Kết quả khảo sát cho thấy, về tổng quan, hệ thống giao thông vận tải đường thủy của Lào có tuyến sông Mê Kông là tuyến đường thủy chính với hơn 1.800 km chảy qua lãnh thổ; trong đó có gần 1.000 km khai thác vận tải, với 29 cảng, hơn 500 phương tiện chở hàng, hơn 4.000 phương tiện chở khách.

Một số khu vực có tiềm năng lớn kết nối logistics với Việt Nam như khu vực cảng thủy Viêng Chăn, là cảng sông miền Trung của Lào, phía Đông Bắc của sông Mê Công. Cảng được kết nối với cảng Vũng Áng của Việt Nam thông qua tuyến đường sắt Lào - Việt. Đây là dự án đường sắt được đề xuất nhằm thúc đẩy hơn nữa tham vọng của Lào trở thành một trung tâm hậu cần khu vực. Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh giáp với các tỉnh Bolikhamsai và Khammouane của Lào sẽ cho phép Lào tiếp cận quan trọng đến Biển Đông cũng như các thị trường lớn Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng những thị trường khác.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tiềm năng giao thông vận tải đường thủy của Lào lớn, cơ hội mở rộng kết nối, hợp tác với Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Do vậy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, thỏa thuận hợp tác toàn diện vừa ký kết sẽ góp phần giúp hỗ trợ phía Lào giai đoạn 2022 - 2027 trong các hoạt động giao thông vận tải đường thủy. Cụ thể gồm: Trao đổi chuyên môn, kiến thức, đào tạo nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đăng ký, đăng kiểm, quản lý khai thác cảng, bến, logistics và các nội dung liên quan khác; Tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa của Lào xuất nhập khẩu qua hệ thống các cảng biển, cảng thủy nội địa của Việt Nam.

Với việc triển khai thực hiện Thỏa thuận này không chỉ hỗ trợ phía Lào trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa mà còn thúc đẩy vận tải, logistics qua biên giới giữa hai nước.

“Năm 2023 và các năm tiếp theo, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả hợp tác quốc tế lĩnh vực đường thủy, nhất là hợp tác với Campuchia về giao thông vận tải đường thủy theo Hiệp định về vận tải thủy giữa hai nước và hợp tác toàn diện về giao thông vận đường thủy với Lào. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các dự án trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Australia (dự án A4T), dự án Mê Công - Lan Thương... Qua đó, thúc đẩy hợp tác quốc tế để tạo thuận lợi, phát triển vận tải thủy”, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/don-bay-phat-trien-van-tai-thuy-lien-van-quoc-te/284137.html