Đồn Biên phòng Sầm Sơn vận động ngư dân chấp hành tốt pháp luật
Những năm qua, cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Sầm Sơn đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh biên giới biển ngày càng vững chắc. Tham mưu, chủ trì và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương thực hiện nghiêm Đề án 'Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021'.
Cán bộ Đồn Biên phòng Sầm Sơn tuyên truyền, phát tờ rơi cho ngư dân tại Cảng Lạch Hới.
Đồn Biên phòng Sầm Sơn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 14 xã, phường của TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương, với chiều dài biên giới bờ biển là 29,5 km, có 2 cửa lạch (Lạch Ghép và Lạch Hới) với 2.621 tàu, thuyền, trong đó có 368 tàu đánh bắt xa bờ.
Những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Sầm Sơn đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị lực lượng vũ trang của TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân khu vực biên giới biển được hơn 1.600 buổi, với hơn 20.000 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền biển đảo, như: Luật Biển Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Nghị định 71/2015/NĐ–CP ngày 3-9-2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chỉ thị 01/1998/TTg của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện khai thác hải sản; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục, cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Cùng với đó, đơn vị còn cử cán bộ đến tận các tàu, thuyền để tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ gấp, đọc các văn bản pháp luật trên cụm loa truyền thanh tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Ghép và Lạch Hới cho các ngư dân đi biển dài ngày về neo đậu. Vận động 100% các hộ dân ở khu vực biên giới biển ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương; tổ chức cho 399 chủ phương tiện, thuyền trưởng đánh bắt xa bờ ký cam kết không khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Ngư dân Trần Văn Phụng, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ số hiệu TH 92555-TS ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, cho biết: “Tàu của chúng tôi thường xuyên khai thác và đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ và đi dài ngày. Nhưng mỗi khi tàu quay về cập bến là cán bộ, chiến sĩ ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới, Đồn Biên phòng Sầm Sơn đều đến tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân. Trong đó, các anh chỉ rõ trên bản đồ nơi nào ngư dân Việt Nam không được phép xâm phạm để đánh bắt hải sản, những thông tin cần thiết để ngư dân tiện liên lạc mỗi khi gặp sự cố trên biển”.
Trao đổi với chúng tôi về công tác tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân trên địa bàn phụ trách, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sầm Sơn, cho biết: Những năm qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tốt việc tuyên truyền cho ngư dân, các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển; đồng thời, tổ chức cho chủ tàu, thuyền ngư dân ký cam kết không vi phạm pháp luật khi đánh bắt trên biển, không sử dụng các loại ngư lưới cụ bị cấm để đánh bắt hải sản, khi xuất bến ra khơi phải mang đủ giấy tờ... Vì thế, trên địa bàn đơn vị phụ trách nhiều năm qua không có phương tiện và ngư dân nào vi phạm đi đánh bắt hải sản trên vùng biển nước ngoài. Cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn tích cực tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ về người, phương tiện tại bãi ngang, cảng cá, kịp thời phát hiện, xử lý, xử phạt các đối tượng vi phạm sử dụng kích điện để đánh bắt hải sản trái phép, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật của ngư dân và bà con Nhân dân khu vực biên giới biển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới biển được ổn định, quần chúng Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.