Dồn dập tăng vốn, ngân hàng hướng tới chuẩn Basel III
Thời gian qua, các ngân hàng đã áp dụng nhiều phương án khác nhau để tăng vốn điều lệ, nhằm hoàn thiện chuẩn Basel II và hướng đến những chuẩn cao hơn.
Giới chuyên gia nhìn nhận, việc triển khai các tiêu chuẩn Basel đem lại cả lợi ích hữu hình cũng như vô hình cho ngân hàng trong tăng cường quản lý rủi ro, bởi ngân hàng không chỉ hoạt động với tầm nhìn ngắn hạn, mà cần có những bước đi và chiến lược trong dài hạn.
Mục tiêu tăng từ 25 - 40%
Chưa bao giờ kế hoạch tăng vốn điều lệ tại các ngân hàng lại dồn dập và có quy mô lớn như hiện nay, với mục tiêu tăng từ 25 - 40% so với mức vốn hiện tại. Chẳng hạn, MB đặt ra mục tiêu tăng vốn điều lệ lên thêm gần 40% trong năm nay, còn VPBank cũng sẽ tăng từ mức 38.450 tỷ đồng hiện nay lên gấp 3 lần… Các ngân hàng ở nhóm dưới cũng có những kế hoạch tăng vốn từ 25% - 30% trong năm nay.
Với kế hoạch tăng vốn khủng hiện nay tại các nhà băng, dự kiến trong tháng 7 này, sẽ có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới trên thị trường, tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ các ngân hàng.
Trước đó trong tháng 6, cũng đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành theo hình thức chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, tương đương hơn 10.000 tỷ bổ sung vốn điều lệ.
Thực tế, vài năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 14%/năm, nhưng tốc độ tăng vốn của các ngân hàng mới đạt 9%/năm. Trong bối cảnh quy mô tín dụng ngày càng mở rộng, các tiêu chuẩn an toàn vốn tăng lên, việc tăng vốn là yếu tố quyết định đến các chỉ số tăng trưởng của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, những năm trước, kế hoạch tăng vốn ở nhiều nhà băng chưa thể hoàn thành, song năm nay nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc đã giúp các ngân hàng tăng vốn được thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, tăng vốn cũng góp phần giúp các nhà băng đáp ứng yêu cầu của Basel II và hướng đến Basel III. Hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 8%, nhìn vào các ngân hàng lớn trong khu vực, tỷ lệ này vào khoảng 15 - 16%.
Theo các chuyên gia, việc hoàn thành các chuẩn của Basel của mỗi ngân hàng không chỉ là đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị quan trọng để giúp hệ thống ngân hàng phát triển an toàn. Đồng thời, thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tiến tới Basel III
NHNN cho biết, đến nay phần lớn TCTD tuân thủ yêu cầu về vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II, trong đó nhiều ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và một số nhà băng có những tính toán để chuẩn bị cho việc tiệm cận với Basel III.
Ví dụ: Sau khi áp dụng Basel II, VIB tiếp tục là một trong những ngân hàng đầu tiên đưa chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III vào thử nghiệm tại Việt Nam. Còn theo công bố của MSB, nhà băng này đã ứng dụng Basel III vào cả quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.
Theo các chuyên gia, nếu mục tiêu chủ yếu của Basel I, II là nâng cao chất lượng, sự ổn định hệ thống của ngân hàng và đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, Basel III hướng tới khắc phục những hạn chế về quy định vốn, nâng cao, siết chặt quản trị rủi ro.
Theo đó, tỷ lệ của loại vốn có chất lượng cao được tăng lên: Tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III, đồng thời tỷ lệ vốn của cổ đông thường được tăng từ 2% lên 4%. Những tài sản có vấn đề rủi ro được loại trừ khỏi vốn tự có như khoản đầu tư vượt quá giới hạn 15% vào các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, Basel III còn đưa ra tiêu chuẩn ngân hàng nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao và có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu chi trả trong những trường hợp khó khăn.
“Nhờ đó, các nhà băng có thể cải thiện khả năng ứng phó, tự giải thoát trước khủng hoảng tài chính mà ít cần nhờ đến gói cứu trợ từ Chính phủ”, một chuyên gia nhận định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Hiệp ước Basel III nâng cao tính bền vững và nhạy bén của các ngân hàng trong việc đối phó với rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động, bổ sung tỷ trọng vốn rủi ro gia quyền vào tỷ trọng đòn bẩy cuối cùng và rà soát, nâng cao hiệu quả giao dịch ngân hàng.
Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, triển khai Basel III là mục tiêu thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam, nhưng đây là xu hướng chung phải hướng tới.
Theo đánh giá của chuyên gia này, Basel III sẽ làm thay đổi chiến lược kinh doanh của ngân hàng do liên quan đến cấu trúc lại bảng cân đối, cấu trúc thanh khoản hay nắm giữ tài sản thanh khoản. Các nhà băng phải cơ cấu lại nguồn vốn vay ở những lĩnh vực có tính rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán... nhằm vừa đảm bảo quy định an toàn, vừa đảm bảo lợi nhuận biên tăng như kỳ vọng, trong khi vốn cũng cần tăng để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao hơn.